Hôm nay (20-10), Indonesia, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, sẽ hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực cho ông Prabowo Subianto (73 tuổi) - vị tướng quân đội nghỉ hưu đã đắc cử tổng thống đầu năm nay. Ông Gibran Rakabuming Raka (37 tuổi) - con trai cả của tổng thống vừa mãn nhiệm Joko Widodo - trở thành phó tổng thống.
"Hơi khác ông Widodo"
Tổng thống Widodo rời nhiệm sở sau 10 năm tại nhiệm với tỉ lệ ủng hộ cao nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của đất nước, thường vào khoảng 5%. Tuy nhiên người kế nhiệm Prabowo Subianto còn có tham vọng lớn hơn khi đã cam kết sẽ tận dụng các chính sách của người tiền nhiệm để đạt được mức tăng trưởng 8% bằng cách khai thác nguồn nhân lực khổng lồ của quốc gia 280 triệu dân.
"Từ sự thịnh vượng, chúng ta có thể mang lại công bằng cho tất cả người dân Indonesia. Chúng ta phải đoàn kết để xóa đói giảm nghèo và xóa bỏ đau khổ cho người dân", ông Prabowo phát biểu hồi tháng 3. Để làm được điều đó, ông sẽ dựa vào các dự án quốc gia quy mô lớn, nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ và nỗ lực giảm tỉ lệ đói nghèo xuống còn hơn 9%.
Khi tại nhiệm, ông Widodo đã tập trung vào các dự án hạ tầng lớn bao gồm đường sá, cầu và sân bay nhằm mục đích kết nối xứ sở vạn đảo tốt hơn. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng ông Prabowo sẽ đi chệch khỏi điều đó nhằm thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông, đó là biến Indonesia - một thành viên trong nhóm G20 - thành nền kinh tế "tiên tiến và phát triển".
"Có vẻ như ông ấy có cách tiếp cận hơi khác so với ông Widodo. Ưu tiên không còn là phát triển hạ tầng nữa, mà là phát triển nguồn nhân lực nhiều hơn", ông Yose Rizal Damuri, chuyên gia kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), bình luận.
Tân tổng thống Indonesia cam kết sẽ tiếp tục chương trình kinh tế của ông Widodo. Các nhà quan sát cho rằng ông Prabowo cũng sẽ tập trung vào nông nghiệp, trong đó có chương trình nhằm đạt được mục tiêu tự cung tự cấp lương thực. Đồng thời ông đã cam kết sẽ kế thừa dự án dời đô trị giá 32 tỉ USD từ Jakarta đến Nusantara của ông Widodo, bất chấp những đồn đoán ông sẽ hoãn lại dự án hoặc giữ Jakarta làm thủ đô.
Các nhân vật được lựa chọn vào nội các sắp tới của ông Prabowo sẽ cho thấy rõ hơn các kế hoạch kinh tế của ông. Bà Sri Mulyani, bộ trưởng Tài chính hiện tại của Indonesia, tuần này tiết lộ bà được yêu cầu tiếp tục giữ vai trò này trong chính phủ mới - điều mà giới chuyên gia cho rằng là tín hiệu của sự tiếp nối. Ngoài ra, tân tổng thống Indonesia cũng cam kết thực hiện kế hoạch trị giá 28 tỉ USD để cung cấp bữa ăn miễn phí cho hàng chục triệu trẻ em đi học và phụ nữ mang thai trên toàn quốc, dù vấp phải những lời chỉ trích về vấn đề hậu cần và chi phí.
Chính sách đối ngoại
Ông Prabowo sinh năm 1951, xuất thân từ một trong những gia đình quyền lực nhất Indonesia. Cha của ông, Sumitro Djojohadikusumo, là chính trị gia có ảnh hưởng và là bộ trưởng dưới thời các tổng thống Sukarno và Suharto. Ông Prabowo theo học Học viện Quân sự Indonesia năm 1970, tốt nghiệp năm 1974 và phục vụ trong quân đội gần ba thập niên.
Ông Prabowo gia nhập nội các của Tổng thống Widodo với vai trò bộ trưởng quốc phòng vào tháng 10-2019. Giờ đây, các nhà phân tích cho rằng Indonesia sẽ bước vào một kỷ nguyên mới: tân tổng thống có thể làm cho quân đội Indonesia trở nên hùng mạnh hơn. Họ cho rằng ông Prabowo cũng mong muốn thúc đẩy quan hệ quốc phòng và an ninh của Indonesia với các quốc gia khác.
Một điều nữa là ông Prabowo có mối quan tâm cá nhân đến các vấn đề khu vực và địa chính trị, và cũng được kỳ vọng sẽ đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy chính sách đối ngoại của Indonesia. "Tôi nghĩ Indonesia dưới thời ông Prabowo sẽ phát triển nhiều mối quan hệ chiến lược hơn", ông Khairul Fahmi, người đồng sáng lập Viện Nghiên cứu an ninh và chiến lược (ISESS) ở Jakarta, bình luận.
Ông Prabowo cho biết nhiệm kỳ tổng thống của ông sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại không liên kết lâu nay của Indonesia, hứa hẹn sẽ duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các cường quốc thế giới mà không chọn phe. Ông cũng đã đi thăm nhiều nước kể từ khi đắc cử tổng thống, gặp gỡ các nhà lãnh đạo từ những nước như Úc, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Nga và các quốc gia láng giềng ở Đông Nam Á.
Tổng thống của cơ sở hạ tầng
Cũng trong ngày 20-10, Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ rời nhiệm sở sau 10 năm nắm quyền. Theo tạp chí Nikkei Asia, dưới thời vị tổng thống được nhiều người yêu mến này, nền kinh tế Indonesia đã chứng kiến sự tăng trưởng với mức tăng ổn định 5% một năm, cùng với đó cơ sở hạ tầng và mức sống của người dân đã được cải thiện.
Ông Widodo còn được gọi là "tổng thống cơ sở hạ tầng" vì đã giám sát việc xây dựng đường cao tốc, cải thiện đường bộ và khởi động dự án đường sắt cao tốc đầu tiên của Đông Nam Á, bên cạnh nhiều sáng kiến giao thông công cộng lớn khác, theo báo South China Morning Post.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận