14/10/2016 08:09 GMT+7

Hôm nay 
14-10 công bố nguyên nhân 
cá bè Long Sơn chết trắng

ĐÔNG HÀ
ĐÔNG HÀ

TTO - Tranh cãi nguyên nhân làm chết hàng loạt cá bè Long Sơn diễn ra tại buổi đối thoại trưa 13-10 ngay sau khi ngư dân mang cá chết ra ngồi chặn quốc lộ 51.

Người nuôi đổ cá chết trên quốc lộ 51 - Ảnh: Đ.HÀ
Người nuôi đổ cá chết trên quốc lộ 51 - Ảnh: Đ.HÀ

Đổ cá chết ra quốc lộ

Theo nhiều người dân, họ bức xúc là vì các nhà máy xả thải gây ra cá chết trong năm 2015 chưa bồi thường thiệt hại hết, nay lại xả thải làm cá chết. Tổng thiệt hại của các hộ đân trong lần cá chết này xấp xỉ chục tỉ đồng.

Họ cũng bức xúc khi cho rằng chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hứa giải quyết dứt điểm chuyện ô nhiễm sau đợt cá chết năm ngoái nhưng đến nay cá vẫn chết. Trong các hộ có cá chết đợt này nhiều hộ đang là nguyên đơn kiện đòi 14 doanh nghiệp chế biến hải sản ở xã Tân Hải bồi thường thiệt hại ra tòa.

Bà Tào Thúy Liễu - một người có cá chết trong năm 2015 và cả lần này - nói như ngất: “Tôi không nhớ cá của mình đã chết mấy đợt. Chỉ biết hiện gia đình tôi đang nợ tổng cộng 500 triệu đồng của ngân hàng và bên ngoài”.

Một ngư dân khác tâm tư: “Bà con Long Sơn nhờ vào sông Chà Và nhiều lắm. Đợt cá chết năm 2015, hội họp nhiều, bà con nghe hứa nhiều, vậy mà hôm nay cá vẫn chết. Chúng tôi đau khổ lắm. Nhà cửa đều đem cầm cho ngân hàng. Tán gia bại sản nhiều lắm rồi”.

Chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, huyện Tân Thành, xã Tân Hải, xã Long Sơn đã cử người đến vận động bà con thu dọn cá và mời bà con về trụ sở tiếp công dân để UBND tỉnh đối thoại.

Sau một thời gian vận động, bà con đã dọn dẹp cá chết và lên xe về. Buổi đối thoại diễn ra ngay trong buổi trưa.

Xả thải “đúng quy trình”

Lúc 12g ngày 13-10, ông Nguyễn Thanh Tịnh, phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bắt đầu chủ trì buổi đối thoại.

Ông Tịnh chia sẻ sâu sắc với sự mất mát tài sản lớn của bà con và khẳng định tỉnh cùng các ngành chức năng sẽ giải quyết sự việc rốt ráo.

Theo ông Tịnh, “đây không đơn giản chỉ là mấy chục tấn cá chết hôm nay mà còn là căn cơ để bà con ngư dân làm giàu trong thời gian tới”.

Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay đã kiểm tra quy trình nuôi của bà con, không có gì sai sót. Ông Huỳnh Văn Thêm, chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng cá chết đợt này có thể do mưa lớn, khí metal và các khí khác có xu hướng thoát ra ngoài, gây ra thiếu ôxy.

Ông Thêm nhận định rằng vì sông Chà Và nuôi cá đã mười mấy, hai mươi năm nay nên tích tụ phân cá dưới đáy sông, là nguy cơ tiềm tàng gây cá chết. Ngay lập tức, anh Đoàn Văn Cốc đứng dậy phản đối: “Tôi không đồng ý. Tôi khẳng định từ ngày có các nhà máy chế biến hải sản, cá bè mới chết”.

Các hộ nuôi cá cho rằng bắt đầu từ đêm 11-10, cống số 6 xả nước thải từ đầm ra, đó cũng là lúc cá bắt đầu chết. Ông Nguyễn Văn Hồng - phó giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi, đơn vị vận hành cống số 6 (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) - nói rằng đúng là có xả nước từ đầm ra sông nhưng đúng quy trình vận hành, vì lúc này mực nước trong đầm đã cao hơn bên ngoài 0,3m.

Nếu không xả thì ngập lúa, ngập nhà dân, gây vỡ đê mà xả thì cá chết. Nhiều hộ dân đã phản ứng với câu nói này của ông Hồng.

Khu vực làng bè Long Sơn nơi xảy ra cá chết do ô nhiễm - Đồ họa: N.K.
Khu vực làng bè Long Sơn nơi xảy ra cá chết do ô nhiễm - Đồ họa: N.K.

Đồng ý để dân giám sát nhà máy

Ông Phạm Văn Mạnh, phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thông báo cho bà con biết hiện chỉ còn sáu doanh nghiệp xả thải ra đầm trước cống số 6, trong đó có hai doanh nghiệp làm bột cá ít sử dụng nước là Đông Hải, Phúc Lộc, một doanh nghiệp đã chuyển ngành nghề sản xuất là Trung Sơn, ba doanh nghiệp còn lại là Thịnh An, Phước An và Hòa Thắng hoạt động 10% công suất để nuôi vi sinh.

Ông Nguyễn Công Biên - người có cá chết nhiều nhất trong đợt này - liền phản bác, cho rằng hiện không phải chỉ có sáu doanh nghiệp trên xả thải ra đầm mà còn thêm năm doanh nghiệp khác và ông kể tên từng doanh nghiệp. Ông Biên chất vấn tiếp ông Mạnh rằng lấy cơ sở gì để quản lý ba doanh nghiệp cho hoạt động 10%.

Ông Mạnh cho biết kiểm soát qua đồng hồ nước. Lúc này ông Biên đặt câu hỏi: “Nếu các doanh nghiệp không sử dụng nước máy qua đồng hồ mà dùng thùng phuy chở nước vào để sản xuất thì sao?”. Ông Mạnh không trả lời.

Kết luận buổi đối thoại, ông Nguyễn Thanh Tịnh khẳng định sẽ chỉ đạo các ngành chức năng làm chặt chẽ hơn trong việc kiểm soát các nhà máy cũng như xả thải vì các hộ dân chưa hài lòng.

Ông Tịnh cũng đồng tình để người dân cùng cơ quan chức năng giám sát các nhà máy và tham gia điều hành cống số 6. Đồng thời cũng ghi nhận ý kiến của các hộ dân trong việc giãn nợ, khoanh nợ ngân hàng nhưng việc này còn phụ thuộc vào ngân hàng.

Ông Tịnh cho biết hôm nay 14-10 sẽ công bố nguyên nhân cá chết.

Hàu Long Sơn cũng bị ảnh hưởng

Trong những ngày qua, đỉnh điểm vào chiều 12, 13-10, cá trên sông Chà Và (Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) lại chết trắng. Hiện tượng cá bè trên sông Chà Và chết hàng loạt bắt đầu manh nha cách nay khoảng 7, 8 năm. Tuy nhiên, tình trạng này ngày càng dày đặc, số lượng càng nhiều. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đợt cá chết vào tháng 9-2015 thiệt hại nặng nhất với khoảng 18 tỉ đồng. Không chỉ các nhà khoa học mà rất nhiều người dân sống lâu đời, làm nghề nuôi trồng thủy sản ở Long Sơn đều khẳng định nguyên nhân cá chết chủ yếu là do ô nhiễm nguồn nước sông. Ngoài cá chết, chất lượng của hàu Long Sơn nổi tiếng cũng bị ảnh hưởng.

Chỉ 2/14 doanh nghiệp bị kiện bồi thường cho dân

Tháng 9-2015, hàng trăm tấn cá bè nuôi trên sông Chà Và của người dân xã Long Sơn chết hàng loạt. Quá bức xúc, người dân đã chở cá chết, kéo lên trụ sở UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu giải quyết. Chính quyền và cơ quan chức năng xác định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cá chết là do 14 doanh nghiệp chế biến hải sản đóng ở xã Tân Hải (huyện Tân Thành) xả thải, chảy ra sông Chà Và. Thiệt hại riêng trong các đợt cá chết vào tháng 9-2015 gần 20 tỉ đồng.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu các doanh nghiệp chế biến hải sản phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân, nhưng doanh nghiệp không đồng ý “bồi thường” mà chỉ “hỗ trợ” cũng như không đồng ý về tỉ lệ đóng góp ô nhiễm của mình.

Đến tháng 5-2016, người dân đã làm đơn kiện, đòi 14 doanh nghiệp xả thải phải bồi thường. Tổng cộng 14 doanh nghiệp bị người dân Long Sơn đòi bồi thường thiệt hại số tiền hơn 18 tỉ đồng, trong đó Mỹ Sương là doanh nghiệp bị đòi ít nhất với số tiền chỉ hơn 20 triệu đồng. Doanh nghiệp bị đòi bồi thường nặng nhất là Trọng Đức với 4,1 tỉ đồng.

Đến nay mới chỉ có hai doanh nghiệp thỏa thuận được và đã chi trả tiền bồi thường cho 33 hộ dân là Công ty TNHH Nghê Huỳnh (279,9 triệu đồng) và DNTN Mỹ Sương (gần 20 triệu đồng). Các vụ kiện này đang được TAND TP Vũng Tàu thụ lý.

ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp