01/02/2021 06:45 GMT+7

Hôm nay 1-2 luật hải cảnh Trung Quốc có hiệu lực, chặn được không?

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Luật này cho phép áp dụng "tất cả biện pháp cần thiết, gồm sử dụng vũ khí" khi cái gọi là "chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán Trung Quốc" bị xâm phạm; phá hủy công trình nước ngoài ở vùng biển, đảo mà họ tuyên bố chủ quyền.

Hôm nay 1-12 luật hải cảnh Trung Quốc có hiệu lực, chặn được không? - Ảnh 1.

Người dân Philippines đứng trước Văn phòng lãnh sự Trung Quốc ở thành phố Makati để kêu gọi chính quyền thách thức luật hải cảnh Trung Quốc hôm 29-1 - Ảnh chụp màn hình ABS-CBN News

Luật hải cảnh của Trung Quốc tự ban hành nhưng không được phép trái với luật quốc tế. Chuyên gia cho rằng các nước ASEAN có thể tìm tới Liên Hiệp Quốc để tuyên bố luật này không có giá trị.

Điều quan trọng là luật này không nên được thực thi theo cách vi phạm luật quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ với sự quan tâm cao độ những hoạt động của hải cảnh Trung Quốc.

Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi

Hôm nay 1-2, luật hải cảnh (cảnh sát biển) do Trung Quốc ban hành hôm 22-1 chính thức có hiệu lực. Từ những ngày đầu khi chỉ là dự thảo cho tới khi được thông qua, luật đã vấp phải vô  số phản đối của các nước.

"Vi phạm rành rành" 

Đài CGTN - phiên bản quốc tế của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) - giải thích rằng luật này lần đầu tiên làm rõ vai trò của hải cảnh Trung Quốc "trong an ninh hàng hải, thực thi luật, điều tra tội phạm và hợp tác quốc tế".

Luật này cho phép hải cảnh Trung Quốc áp dụng "tất cả biện pháp cần thiết, gồm sử dụng vũ khí" khi cái gọi là "chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán Trung Quốc" bị xâm phạm. Luật mới còn cho phép hải cảnh Trung Quốc phá hủy các công trình mà nước ngoài xây dựng ở vùng biển hoặc trên các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Tuy nhiên, hôm 30-1, trang tin Rappler dẫn lời ông Antonio Carpio, thẩm phán Tòa án tối cao Philippines đã về hưu, cho rằng Philippines và các quốc gia ASEAN có thể tìm tới tòa án của Liên Hiệp Quốc (LHQ) để tuyên bố luật hải cảnh của Trung Quốc "không có giá trị".

Theo ông Carpio, luật hải cảnh của Trung Quốc "vi phạm rành rành" không chỉ Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, mà cả Hiến chương LHQ. Chuyên gia luật biển này khuyên Chính phủ Philippines sẵn sàng nộp đơn kiện nếu Trung Quốc thực thi luật mới ngay trong vùng biển Philippines.

"Chẳng hạn nếu Trung Quốc xua đuổi tàu khảo sát của chúng ta ở bãi Cỏ Rong, chúng ta có thể đi tới tòa án được thành lập theo UNCLOS và tuyên bố rằng luật hải cảnh Trung Quốc vi phạm UNCLOS cũng như phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016" - ông Carpio nêu ví dụ.

Đối phó ra sao?

Giới chuyên gia khẳng định có thể thách thức luật hải cảnh mới của Trung Quốc. "Trong luật quốc tế có quy tắc liên quan tới việc sử dụng vũ lực quá đáng. Nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực quá đáng trong khu vực, chúng ta có quyền nộp đơn kiện" - ông Rommel Banlaoi, chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu Trung Quốc của Philippines (PACS), đánh giá.

Theo chuyên gia an ninh của Philippines, việc ban hành loại luật như vậy là "đặc quyền chủ quyền" của Trung Quốc, nhưng nội dung luật đưa ra phải tuân thủ luật quốc tế, đặc biệt UNCLOS năm 1982. Ông Banlaoi cho rằng hải cảnh Trung Quốc phải tự kiềm chế và xem vũ lực chỉ là phương sách cuối cùng phục vụ mục đích tự vệ.

Trong khi đó, ông Alberto Encomienda, chuyên gia hàng hải và là cựu đại sứ Philippines, đề xuất  với việc Bắc Kinh chỉ thị cho hải cảnh nước họ "bắn khi cần thiết" thì Philippines cũng nên ra chỉ thị tương tự cho lực lượng chức năng nước này.

Theo Hãng tin PNA của Chính phủ Philippines, khi được hỏi Manila nên làm gì nếu hải cảnh Trung Quốc nổ súng từ trong khu vực họ cũng có tuyên bố chủ quyền, chuyên gia Banlaoi nói: "Chúng ta luôn có thể thách thức Trung Quốc về mặt pháp lý khi tình huống đó diễn ra.  Nhưng chúng ta cần phát triển năng lực ngăn chặn để ngăn Trung Quốc hành động như vậy".

Ông Banlaoi cho rằng Philippines phải tăng cường sự hiện diện của hải quân và lực lượng bảo vệ biển trong khu vực. "Nguyên tắc trong chính trị quốc tế liên quan tới tranh chấp hàng hải là nếu bạn không thể tuần tra vùng nước của bạn, bạn không thể sở hữu vùng nước của bạn" - ông Banlaoi nói.

Chuyên gia an ninh này nói thêm Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, được kỳ vọng sớm hoàn tất, "cũng cần thiết để giải quyết vấn đề".

Đe dọa hòa bình hậu Thế chiến 2

Chuyên gia luật biển Antonio Carpio của Philippines gọi luật hảicảnh mới của Trung Quốc là "mối đe dọa chống lại thế giới" và tất cả các quốc gia nên cùng chống lại vì luật này gây nguy hiểm cho nền hòa bình chung đã đạt được sau Thế chiến 2.

"Luật hải cảnh Trung Quốc là thách thức đối với trật tự pháp lýbởi vì trật tự pháp lý quốc tế nêu rằng bạn không thể làm điềunày vì đây là tình trạng trước Thế chiến 2. Bạn không thể tìm tớichiến tranh và chiếm đoạt các khu vực trên biển bằng vũ lực" - ông Carpio giải thích.

Philippines phản ứng Luật hải cảnh Trung Quốc: Philippines phản ứng Luật hải cảnh Trung Quốc: 'Nếu không phản đối, tức sẽ phục tùng'

TTO - 'Nếu không phản đối, tức sẽ phục tùng'. 5 ngày sau khi Trung Quốc ban hành Luật hải cảnh cho phép hải cảnh nước này dùng vũ khí nhắm vào tàu nước ngoài, Ngoại trưởng Philippines chính thức lên tiếng phản đối.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp