Phóng to |
Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan (bìa phải) năm 1969 - Ảnh tư liệu |
Quảng Bình quê ta ơi là bài “tỉnh ca” sừng sững như một đỉnh cao của nền âm nhạc VN mà mỗi khi cất lên thành lời “Nếu ai hỏi vì sao...” ai cũng thấy rạo rực yêu thương và hi vọng. Bài hát Quảng Bình quê ta ơi của nhạc sĩ Hoàng Vân viết về miền đất lửa Quảng Bình, nhưng ít ai biết âm vang của những “phong trào” trong ca khúc ấy đều là những câu chuyện gắn bó và liên quan tới cuộc đời vị bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình những năm tháng ấy: ông Nguyễn Tư Thoan.
Lần theo câu hát...
Gần một năm trời nay, kể từ khi tiếp cận hồ sơ tư liệu cuộc đời ông, chúng tôi đã tìm gặp rất nhiều nhân chứng, từ Hà Nội đến TP.HCM hay ngược xuôi khắp đất Quảng Bình nắng lửa. Ám ảnh trong tôi là những giọt nước mắt của những người tôi gặp mỗi khi nhắc đến ông Nguyễn Tư Thoan. Những giọt nước mắt ấy hình như đủ sức nói lên một điều gì đó về ông.
“Có ai hỏi vì sao quê hương chúng ta đồng lúa tốt, có nhớ những ngày cơ cực, tối tăm ngày xưa/... Có ai về Rào Nan xin vô ghé thăm vùng Cự Nẫm/Làng chiến đấu xưa nay đã đổi mới muôn màu/Có ai về Cảnh Dương quê tôi đứng nơi đầu sóng gió/Truyền thống đánh giặc giữ làng mãi mãi còn đây”. Con đập Rào Nan mang lại ấm no cho cả vạn dân Quảng Trạch giữa mưa bom bão đạn kháng chiến ấy có được từ tầm nhìn của ông Nguyễn Tư Thoan. Những làng chiến đấu Cảnh Dương, những Cự Nẫm “xe chưa qua nhà không tiếc”. Rồi “Quảng Bình quê ta ơi! Muôn người như một gửi về Trị Thiên tấm lòng sắt son. Hẹn ngày chiến thắng ta sẽ về trong một nhà...” là lời thề vàng đá anh em “trút gạo trong nồi cho Trị Thiên đánh giặc” từ câu nói của vị bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình những năm tháng ác liệt ấy.
Phóng to |
Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan (bìa trái) và đoàn cán bộ chiến sĩ Quảng Bình ra thăm Bác Hồ - Ảnh tư liệu |
Khởi nguồn “Quê hương hai giỏi”
Nhiều người đã sống chiến đấu ở Quảng Bình những năm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh vẫn nói rằng những ngày tháng ấy, chính bí thư tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan đã truyền được cảm hứng cho nhân dân và cán bộ để vượt lên sự khốc liệt của đạn bom, để Quảng Bình ngày ấy như một biểu tượng của sự can trường, bất khuất nơi địa đầu miền Bắc. Thời chiến có những đặc thù rất riêng, đôi khi chỉ từ một câu chuyện, nếu là người lãnh đạo năng động, thông minh sẽ biết nhân lên thành một phong trào rộng lớn. Quảng Bình những năm tháng ấy cơ cực gian nan đến vậy nhưng lòng dân lại vô cùng hồ hởi,nguồn năng lượng tinh thần ấy đã được vị bí thư động viên, nhân lên thành sức mạnh cụ thể.
Phóng to |
Nhà báo Quốc Vinh, nguyên phóng viên thường trú báo Nhân Dân tại Quảng Bình: “Nếu không có ông Nguyễn Tư Thoan, phong trào Quảng Bình những năm đó có thể sẽ không được như từng có” - Ảnh: LAM GIANG |
Tháng 7-1965, Bác Hồ gửi thư khen quân và dân Quảng Bình đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 100 trên bầu trời địa phương vào ngày 14-7-1965, chỉ sau 150 ngày đêm chiến đấu, kể từ khi Mỹ mở đầu cuộc chiến tranh bằng không quân ở miền Bắc. Thư khen của Bác viết:
“Thân ái gửi đồng bào, bộ đội và cán bộ tỉnh Quảng Bình
Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ Quảng Bình đã bắn rơi 100 máy bay giặc Mỹ, vừa qua lại thu hoạch vụ chiêm rất tốt.
Như vậy là tỉnh nhà chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi.
Các tỉnh khác hãy ra sức thi đua với Quảng Bình”...
Huyền thoại “Quảng Bình quật khởi”
|
Năm 1948, ông Thoan làm bí thư Huyện ủy Quảng Ninh. Là huyện lớn, nằm bao quanh thị xã Đồng Hới, lúc đó đang bị quân Pháp đánh phá dữ dội. Nguyễn Tư Thoan tự mình tìm hiểu tình hình bằng cách luồn sâu vào các thôn xã bị địch tạm chiếm. Ông thấy tình hình trong huyện quả thật hết sức khó khăn. Nhưng khó khăn không phải do địch quá mạnh hay nhân dân giảm sút lòng tin ở kháng chiến mà chính là do một bộ phận cán bộ, đảng viên sa sút tinh thần, bỏ đất, bỏ dân, chạy tuốt lên chiến khu tận chân núi Trường Sơn.
Trong một cuộc họp huyện ủy có bí thư tỉnh ủy về dự, ông nói thẳng suy nghĩ của mình và đề xuất một sáng kiến táo bạo: đốt chiến khu. Đốt sạch lán trại, hầm hào, vật nuôi, cây trồng..., cho cán bộ, đảng viên và một số đơn vị bộ đội địa phương “xuống núi” bám đất, bám dân. Đề nghị của ông được hội nghị chấp nhận và ghi vào nghị quyết của huyện ủy. Cuộc “đốt chiến khu” bắt đầu từ đêm 15 tháng 7-1949 trở thành ngày “Quảng Bình quật khởi”, được ghi vào lịch sử của tỉnh. Tình hình huyện Quảng Ninh từ đó thay đổi hẳn. Lòng dân phấn chấn hơn...
Năm 1952 ông Nguyễn Tư Thoan trở thành tỉnh ủy viên, được bầu làm chủ tịnh Ủy ban kháng chiến - hành chính tỉnh. Từ năm 1959 ông là bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình. Mười năm hòa bình sau kháng Pháp và mười năm kháng chiến chống Mỹ, dấu ấn Nguyễn Tư Thoan vẫn sâu đậm cho đến tận hôm nay, không chỉ vẻ đẹp của người chỉ huy giữa đạn bom ác liệt mà trong từng dòng nước bờ kênh tưới tắm cho đồng ruộng Quảng Bình.
---------------------------------
Kỳ tới: Nhân chứng Rào Nan
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận