14/03/2019 14:17 GMT+7

Hồi ức ngày 14-3 - Kỳ 3: Những lá thư từ hậu phương

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Sau khi xảy ra trận thảm sát 14-3-1988 trên đảo Gạc Ma, những tin tức về tấm gương chiến đấu anh dũng, kiên cường của lính Hải quân Việt Nam tại Trường Sa đã tạo nên một làn sóng lan tỏa khắp nước.

Hồi ức ngày 14-3 - Kỳ 3: Những lá thư từ hậu phương - Ảnh 1.

Chiếc khăn tay do học sinh lớp 11 Trường Lê Quý Đôn ở TP.HCM thêu tặng anh hùng Nguyễn Văn Lanh - Ảnh: MY LĂNG

Từ hậu phương, nhiều lá thư đã được gửi ra nơi đầu sóng ngọn gió...

Nhịn ăn sáng gửi tiền cho bộ đội Trường Sa

Hơn 30 năm sau sự kiện 14-3-1988, thiếu tướng Hồ Anh Thắng (nguyên giám đốc Trung tâm Phát thanh - truyền hình quân đội), khi đó là phóng viên báo Quân Đội Nhân Dân tham gia chuyến đi tác nghiệp tại Trường Sa, vẫn giữ lại được một số lá thư của người dân cả nước gửi ra đảo cho các chiến sĩ. 

Tất cả đều chia sẻ sự vất vả, hi sinh của người lính và bày tỏ lòng khâm phục, ngưỡng mộ. 

Lật giở lại từng lá thư đã ngả màu thời gian, thiếu tướng Thắng lấy ra một bức thư và nói: "Tôi ấn tượng nhất là bức thư này của cô học sinh tên Mai Trâm ở TP.HCM...".

Hồi ức ngày 14-3 - Kỳ 3: Những lá thư từ hậu phương - Ảnh 2.

Thiếu tướng Hồ Anh Thắng- phóng viên báo Quân Đội Nhân Dân 31 năm trước - vẫn còn giữ được một số lá thư người dân gửi ra cho chiến sĩ Trường Sa - Ảnh: MY LĂNG

Lá thư ấy đề tên người nhận là "Các chú bộ đội Trường Sa đang chiến đấu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam". Bên ngoài bì thư có dòng chữ khác viết bằng mực đỏ: "Gửi 3.000 đồng tiền ăn sáng". 

Trong thư, Mai Trâm viết rất ngắn gọn: "Kính gửi các anh chiến sĩ. Qua báo đài, em tên Nguyễn Thị Mai Trâm, học sinh lớp 8 Trường Ngô Tất Tố, quận Phú Nhuận, hiện cư ngụ số 10 Lê Quý Đôn, phường 12, quận Phú Nhuận. 

Được biết các anh chiến sĩ đang chịu gian khổ để bảo vệ quần đảo Trường Sa, em rất cảm động và noi gương các anh học tốt và kiên quyết chống xâm lăng. 

Để cùng các anh chia sẻ nỗi gian khổ nhưng tự hào, em để dành được trên 3.000 đồng không ăn sáng để gửi cho các chiến sĩ Trường Sa đang bảo vệ Tổ quốc chống xâm lăng".

Thiếu tướng Thắng cho biết: "Ngày đó ngoài đảo nhận được thư quý lắm. Chiến sĩ tranh nhau đọc. 

Lá thư này của Mai Trâm cùng số tiền nhịn ăn sáng 3.000 đồng khiến nhiều chiến sĩ trẻ phải khóc. 3.000 đồng thời đó không phải là số tiền nhỏ. 

Đến một em học sinh nhỏ từ tận TP.HCM cũng hướng về Trường Sa như thế khiến những người lính càng thấy được trọng trách của mình và càng quyết tâm sống chết giữ đảo mãnh liệt hơn".

"Gửi về anh người trai giữ đảo / Cả tấm lòng thành phố thân yêu / Chúc các anh vững vàng tay súng / Giữ biển trời quê mẹ Việt Nam.

Thơ của các bạn học sinh lớp 11 Trường Lê Quý Đôn thêu tặng anh hùng Nguyễn Văn Lanh


Xót xa và cảm phục

Một lá thư khác của tập thể lớp 12E Trường trung học Sư phạm Đông Hà (Bình Trị Thiên) do bạn Trần Thị Hường, đại diện lớp, viết. 

Hường cho biết có hai anh trai là bộ đội, một người đang chiến đấu ở mặt trận Hà Tuyên (nay là Hà Giang), còn một người cũng đang ở quần đảo Trường Sa. 

Trong thư, Hường viết với nỗi xót xa sâu sắc: "Chúng em vẫn biết chữ "chiến tranh" không biết bao giờ ngừng trên đất nước chúng ta. Và các anh không bao giờ yên lành một giấc ngủ, thoải mái tâm hồn như những người ngành khác...

Cuộc sống của chúng em cũng có phần vất vả do hoàn cảnh của nước ta, nhưng các anh còn khổ hơn chúng em nhiều. Và thế là chúng ta đều phải lạc quan để sống mà cống hiến mình cho đất nước".

Sau khi nghe cô giáo kể về tình hình chiến sự, cô học sinh Phan Thị Thanh Thúy ở Nha Trang đã viết lá thư ngày 21-3-1988 gửi ra đảo cho các chú bộ đội. 

Thanh Thúy bày tỏ: "Cháu rất cảm phục bởi vì các chú đã hi sinh, chịu đựng rất nhiều gian khổ để canh giữ vùng đảo thân yêu để cho chúng cháu ngày ngày hai buổi đến trường. 

Các chú bộ đội của cháu, cháu viết thư trong sự xúc động... rằng các chú rất xứng đáng là một chiến sĩ của Trường Sa thân yêu, một người anh hùng của biển, một người chú của cháu. 

Để nhớ lại gian khổ của các chú, cháu sẽ cố gắng noi gương học tập theo chú và sẽ tỏ ra ngoan ngoãn để xứng đáng là cháu của chú bộ đội Trường Sa. 

Cuối thư, cháu xin cầu chúc chú có nhiều sức khỏe đánh chiến thắng kẻ địch, để xứng đáng là một người lính của Quân đội nhân dân Việt Nam".

Hồi ức ngày 14-3 - Kỳ 3: Những lá thư từ hậu phương - Ảnh 4.

Thư của học sinh Mai Trâm ở TP.HCM - người đã nhịn ăn sáng và để dành 3.000 đồng gửi ra cho các anh bộ đội ngoài đảo - Ảnh: MY LĂNG

Tổ quốc gian nan...

Còn đây là thư của cô công nhân tên Thu Hương, phân xưởng chế biến thủy hải sản xuất khẩu thuộc Công ty Thực phẩm 1 TP.HCM: "Có thể những con tôm em đang lột đây đã có những ngày sống ở Trường Sa. 

Anh canh giữ vùng đất biển quê hương, em làm tôm xuất khẩu đem ngoại tệ về phát triển kinh tế cho quê hương. Vậy chúng ta cũng đã cùng một lý tưởng là cống hiến sức trẻ của mình cho quê hương đất nước... 

Có ngày em đứng lột tôm mỏi cả đôi chân, tay em dộp trắng vì ngâm nước suốt ngày nhưng em biết em chỉ khổ một, còn các anh thì khổ đến 10, đến 100, 1.000 lần. 

Các anh thì hi sinh cho Tổ quốc, trong đó có em, quá nhiều, quá nhiều... Tổ quốc Việt Nam mình sao gặp lắm gian nan. Người Việt Nam mình còn phải chịu nhiều gian khổ. Chúng ta cần phải hi sinh nhiều lắm phải không các anh. Các anh là tấm gương hi sinh cao cả nhất của em. 

Em sẽ cố gắng phấn đấu trở thành bàn tay vàng lột tôm, còn các anh phải là những chiến sĩ dũng cảm ở Trường Sa...".

Hiện vật 14-3

Ngoài những lá thư, nhiều học sinh, các bà, các chị trong cả nước còn gửi quà là những đồng tiền họ chắt chiu dành dụm không dám tiêu, là những chiếc khăn tay họ cặm cụi thêu với tất cả tấm lòng ngưỡng mộ và yêu thương...

Trong Bảo tàng Hải quân hiện nay tại thành phố Hải Phòng đang trưng bày một số hiện vật liên quan đến sự kiện 14-3-1988, trong đó có chiếc khăn tay do học sinh lớp 11 Trường Lê Quý Đôn tại TP.HCM thêu tặng anh hùng Nguyễn Văn Lanh, người đã dũng cảm chiến đấu giữ ngọn cờ Việt Nam cắm trên đảo Gạc Ma, kiên quyết không cho lính Trung Quốc giật xuống.

Kỳ tới: Những con tàu ở Trường Sa

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp