13/03/2019 10:54 GMT+7

Hồi ức ngày 14-3 - Kỳ 2: Người về từ Lôi Châu

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Ông là một trong những thương binh nặng nhất còn sống sau trận thảm sát Trường Sa 31 năm trước. Ông cũng là một trong chín người bị Trung Quốc bắt đi và giam giữ hơn 3 năm tại Lôi Châu, Trung Quốc.

Hồi ức ngày 14-3 - Kỳ 2: Người về từ Lôi Châu - Ảnh 1.

Hai bàn tay thương tật của ông Thống - Ảnh: M.L.

Trở về, ông là thương binh bậc 1 với một phần cơ thể biến dạng, hàng chục mảnh đạn nằm trong thân thể. Người đó là cựu binh Nguyễn Văn Thống ở Bố Trạch (Quảng Bình).

Gạc Ma và Trường Sa là của Việt Nam. Sự thật là các ông đi xâm chiếm rồi tàn sát anh em chúng tôi.

Các tù binh Việt Nam

Những giờ sống chết trên biển

31 năm đã trôi qua. Nhưng dấu vết của trận chiến 14-3-1988 vẫn còn hiển hiện trên thân thể người cựu binh Nguyễn Văn Thống. Mắt trái bị hỏng. Bàn tay phải bị biến dạng, gãy ngón cái, một phần xương thịt bị hõm sâu. Bàn tay trái thì đứt ngón áp út.

Khi tàu HQ 604 bị Trung Quốc bắn cháy rồi chìm xuống biển Gạc Ma, lúc đó chiến sĩ Nguyễn Văn Thống đang ở trong hầm hàng, bị thương rất nặng. Khi tàu chìm xuống sâu quá, nước vào đẩy ngược ra, đẩy luôn người thương binh lên trên mặt nước. Anh ôm được khúc gỗ công binh dùng làm dầm nhà trên đảo rồi cứ thế trôi dạt trên biển. Lúc đó người lính trẻ 24 tuổi nghĩ cái chết sẽ đến với mình.

Trôi dạt đến khoảng 3h chiều, Thống bắt đầu kiệt sức, toàn thân lạnh buốt. Anh đang trôi dạt thì gặp một người bơi ngược chiều lại. Anh gọi lại bảo: "Bơi với tôi cho vui trước khi tôi chết". Người đó cũng là chiến sĩ, tên Đông, cùng quê Quảng Bình. Anh Thống thấy vết thương mình nặng quá nên dặn dò anh Đông về tên tuổi, địa chỉ, để có chết mà Đông còn sống thì về báo tin giùm cho gia đình.

Hai người lính công binh bơi khoảng một tiếng đồng hồ thì tàu Trung Quốc phát hiện và kéo họ lên tàu rồi chở về Trung Quốc. Tàu đi đến ngày 17-3 thì về đến bán đảo Lôi Châu (Quảng Đông). Những tù binh khỏe mạnh bị cách ly. 

Sau này Thống mới biết Trung Quốc bắt được chín tù binh Việt Nam. Riêng Thống vì bị thương nặng, nửa sống nửa chết nên được đưa thẳng về bệnh viện chữa trị. 

Ông Thống kể: "Tôi nằm ở bệnh viện ba tháng. Các vết thương bị hoại tử, bốc mùi sợ lắm".

Hồi ức ngày 14-3 - Kỳ 2: Người về từ Lôi Châu - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Thống và bức ảnh chụp chung với các đồng đội - Ảnh: M.LĂNG

Nếu có chết thì chết như một người lính

Nằm viện một tuần thì phiên dịch của Trung Quốc đến hỏi một số thông tin. Ông Thống nhớ lại: "Họ cứ hỏi đi hỏi lại tôi ở đơn vị nào, ai chỉ huy, làm nhiệm vụ gì, quân số bao nhiêu người... Tôi nghĩ nếu mình có chết thì phải chết như một người lính, không khai gì ngoài việc nói tên, quê quán và bốc hàng trên tàu".

Ông Thống cho biết sau một tuần nằm viện, người phiên dịch của Trung Quốc đến bảo các bác sĩ sẽ phải cắt tay, cắt chân mới giữ được sinh mạng của ông. 

Ông trả lời: nếu không cứu sống được ông thì để nguyên tay nguyên chân cho ông chết. Chứ nếu cắt tay cắt chân, mặt mũi bị biến dạng thì ông chẳng thiết sống để làm gì. Nhờ vậy, họ chở ông đi phẫu thuật và giữ lại tay chân.

Khi vết thương ổn định, Thống được chuyển về khu giam giữ. Khi đó, anh mới gặp lại các đồng đội trên tàu 604 của mình. Một người là lính hải đồ, hai người thuộc lữ đoàn 125, còn lại là các công binh. Tù binh Thống ở cùng phòng với tù binh Đông - người mà anh đã gặp những phút cuối cùng trên biển. 

"Thấy tôi bị thương nặng, anh em thương và giúp đỡ tôi rất nhiều. Mọi sinh hoạt đều được đồng đội tận tình giúp. Những người khỏe thì đi lại, mang cơm về cho tôi. Lính Trung Quốc bắt lính mình quét đường, quét nhà, vệ sinh khu giam giữ nhưng lính mình cũng khẳng khái lắm, thích thì làm, không thì thôi" - ông Thống nhớ lại.

Người cựu binh này kể: "Lính nó với mình cứ xảy ra xô xát hoài vì anh em không chịu làm theo nó. Ngày lễ Quốc khánh 2-9 của Việt Nam, nó cho chúng tôi đi ra ngoài mua đồ về ăn mừng ngày Quốc khánh. Sau đó nó lại gây chuyện chửi mình, chúng tôi tức quá, lao vào đánh nhau với chúng nó. 

Trưởng trại xuống gặp để giải quyết nhưng chúng tôi kiên quyết không tiếp. Sau ông đại tá ở hạm đội Nam Hải phải xuống giải hòa. Hôm sau, nó thay tiểu đội cãi nhau với chúng tôi bằng một tiểu đội khác".

Bị bắt làm tù binh ở Trung Quốc hơn một năm thì đoàn hội chữ thập đỏ quốc tế đến thăm. Ông Thống kể: "Trung Quốc bắt chúng tôi, nếu hội chữ thập đỏ có hỏi thì phải nói Gạc Ma là đảo của Trung Quốc, mình đi xâm chiếm. 

Nhưng chúng tôi nói Gạc Ma và Trường Sa là của Việt Nam. Tổ tiên chúng tôi đã ra đó lâu đời rồi. Sự thật là các ông đi xâm chiếm rồi tàn sát anh em chúng tôi. Chín người chúng tôi nhất quyết thà chết chứ không nói sai một lời. Chúng tôi nghĩ đã vào trong tay nó thì xác định sẽ chết, không có ngày trở về nữa nên chẳng sợ gì. Nó muốn, nó thích thì cứ bắn cho chết!".

Hồi ức ngày 14-3 - Kỳ 2: Người về từ Lôi Châu - Ảnh 4.

Trong tấm ảnh này có 9 tù binh Việt Nam ở Gạc Ma bị Trung Quốc bắt giam ở Lôi Châu (ông Thống thứ 3 từ trái qua, hàng đứng) - Ảnh: NVCC

Trở về

Tháng 8-1991, sau những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam thông qua con đường ngoại giao, chín người lính Việt Nam bị bắt làm tù binh trên đất Lôi Châu được trao trả. Bộ Quốc phòng và quân chủng đón tại Hà Nội. 

Tám người khác được về phép, riêng thương binh Nguyễn Văn Thống phải ở lại Viện 108 điều trị thêm vì vết thương nặng quá, người quá yếu. 

"Quân chủng Hải quân quan tâm, cho tôi đi giám định sức khỏe nhiều lần. Mãi đến đầu tháng 1-1992, tôi mới đủ sức khỏe để được cấp phép cho về thăm nhà. 

Ở nhà đã lập bàn thờ tôi rồi. Khi bố mẹ vào đơn vị nghe báo tin tôi mất tích thì lập bàn thờ, kiệu hồn, kiệu vong từ biển vào. Về nhà tôi phải gỡ bỏ bàn thờ" - ông Thống kể.

Cùng năm đó, ông Thống lấy vợ. Xã tặng cho ông mảnh đất gần chợ Nhân Trạch. Bố mẹ ông làm cho căn nhà nhỏ. Ông Thống sửa và bơm vá xe đạp, chắt chiu từng đồng bạc lẻ. Sau này, xã giúp hai vợ chồng làm nhân viên trật tự và quét dọn vệ sinh ở chợ Nhân Trạch. "Tôi yếu nên chỉ phụ thôi. Vợ tôi mới là người làm chính" - ông nói.

Thời tuổi trẻ tự hào

Những vết thương sau trận chiến 31 năm trước vẫn từng ngày hành hạ ông Thống, nhất là mỗi khi trái gió trở trời. Thân thể bị biến dạng, không lành lặn, sức khỏe suy giảm, nhưng người cựu binh này không hối tiếc.

Ông cho hay: "Người Việt Nam lớn lên phải xác định phục vụ, cống hiến vì Tổ quốc. Lỡ có hi sinh hay thương tật như thế nào cũng không hối hận. Đó là thời tuổi trẻ khiến tôi vui, tôi tự hào nhất đấy".

Kỳ tới: Những lá thư từ hậu phương


30 năm ngày 14-3:  Bay ra Trường Sa

TTO - Sau sự kiện 14-3-1988, không chỉ máy bay vận tải mà máy bay chiến đấu của không quân Việt Nam đã nhiều lần cất cánh ra Trường Sa để tăng thêm sức mạnh chiến đấu và khích lệ tinh thần bộ đội đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp