Phóng to |
Quang cảnh trước Trường ĐH United Nations tại Shibuya, Tokyo ngay sau lúc trận động đất 11-3 vừa xảy ra - Ảnh: Phương Giang |
Ký ức bàng hoàng
Đúng một năm trước, khi tôi cùng các bạn đến từ 20 nước khác sang Nhật Bản (Trường United Nations) tham dự khóa học về những vấn đề liên quan đến khí hậu, thiên tai và các biện pháp để phòng chống (tên tiếng Anh là Postgraduate course on building resilience to climate change) thì trận động đất, sóng thần lịch sử đã xảy ra.
1 năm đã trôi qua, nhưng với tôi, những hình ảnh của một năm về trước lúc nào cũng như hiển hiện rõ, tưởng như mới chỉ hôm qua thôi.
Đó là ngày 11-3-2011. Tôi đang ở phòng Internet kiểm tra email thì anh Anpu đi qua đẩy bàn tôi, tôi hỏi: “Anh làm gì thế?”. Anh ta mặt mày ngơ ngác, người ngã về phía trước. Mấy bạn trong lớp chạy từ phòng bên cạnh la toáng lên: “Động đất, chạy ra ngoài thôi”.
Chúng tôi mỗi người chạy một hướng đúng kiểu hoảng loạn tinh thần không biết đi đâu. Hiro - cậu bé thực tập sinh người Nhật - vẫn đứng cạnh máy pha cà phê đổ nước nóng vào cốc. Cốc thứ nhất bị đổ, cậu lại đặt xuống bình tĩnh pha cốc thứ hai.
Ngay sau đó thầy Herath trông rất chuyên nghiệp với mũ bảo hiểm trên đầu chạy ra chỉ lối cửa thoát hiểm.
Trong lúc chúng tôi đứng ở ngoài theo sự hướng dẫn của thầy thì vẫn thấy bóng dáng những nhân viên Nhật bước đi trên vỉa hè điềm tĩnh và mặc nhiên như không có gì xảy ra.
Đến trận thứ 2 thì tôi mới tận mắt thấy nhà nghiêng đổ, 2 tòa nhà cạnh nhau như sắp đổ vào nhau, cảm nhận mặt đất rung, chiếc cần cẩu xa xa cũng chuyển động sang 2 bên.
Trường quyết định hủy chương trình homestay và yêu cầu tất cả sinh viên tập trung ở Olympic center. Thỉnh thoảng chúng tôi lại nhận được thông báo có trận động đất tiếp theo và phải chạy xuống ra ngoài.
Đêm hôm đó mọi người thay phiên nhau ngủ và thức phòng khi có thông báo thì biết đường lo liệu. Tôi ở với chị Silvia, chị bình tĩnh đến nỗi đáng nể phục vì có báo động mà chị cứ như không, từ từ lấy áo khoác, lấy túi lấy chìa khóa tắt tivi đóng rèm kiểm tra lại điện đóm rồi sau đó mới ra ngoài.
Những ngày sau vẫn là những trận động đất nhưng mức độ nhẹ hơn, có sáng tỉnh giấc sớm vì có động đất báo thức.
Có lúc tôi không biết mình đang tỉnh hay đang mơ về động đất vì ám ảnh rung rinh nên chỉ còn cách nhìn cốc nước trên bàn. Anh Anpu vẫn thỉnh thoảng nghịch ngợm rung bàn để trêu tôi bảo: “Này sợ không, đang rung đấy”.
Phóng to |
Hình ảnh lớp học sau những ngày động đất diễn ra. Mọi người không ai nỡ rời Nhật Bản trong những ngày thiên tai, chúng tôi vẫn ở lại hoàn thành khóa học - Ảnh: Phương Giang |
Nỗi lo nối tiếp nỗi lo, hết động đất rồi đến sóng thần và cuối cùng là nổ lò hạt nhân. 2/3 lớp lúc đó muốn tiếp tục học còn 1/3 thì các bạn quyết định về nước. Có bạn ra sân bay ngay hôm động đất chẳng kịp nói lời chia tay.
Tokyo, tin và yêu
Thầy Rector cũng có một buổi nói chuyện rất xúc động với chúng tôi về những suy nghĩ trăn trở của một người đã gắn bó cả cuộc đời để theo đuổi giấc mơ một thế giới hòa bình và phát triển bền vững.
Kết thúc buổi nói chuyện, thầy bảo quyết định rời nước Nhật là quyết định đúng vì sự an toàn của bản thân và sự lo lắng của người thân. Điều thầy mong muốn là sinh viên bình tĩnh ra quyết định bằng sự hiểu biết.
Lớp học mỗi ngày lại vắng đi một ai đó. Nhưng chúng tôi những người ở lại cũng vui mừng khi nhận được tin các bạn đã về đến nơi an toàn. Những giờ học còn lại tất cả vẫn cố gắng tiếp tục cả thầy trò và những bạn intern Nhật vẫn chuẩn bị tài liệu, điểm danh và sắp xếp danh thiếp từng sinh viên.
Một sáng, thấy Hiro pha cà phê, tôi lại gần hỏi thăm cậu bé thì biết anh trai cậu ở Sendai mà chưa có tin tức gì. Lo lắng hoang mang tràn ngập trên gương mặt Hiro nhưng không hề có một giọt nước mắt. Tôi thấy tim mình nhói đau quay mặt đi và muốn che giấu niềm xúc động của riêng mình.
Cho đến hôm lò hạt nhân thứ 3 tiếp tục nổ thì thầy Herath vào ngắt quãng giờ giảng, bảo sinh viên và các thầy cô khác về nhà lấy đồ đạc và tập trung xuống Kyoto ngay vì lý do an toàn.
Cô Wilmas bật khóc trước sinh viên. Cô Wilmas ôm tôi khóc bảo cô lo lắng muốn gặp con trai và gia đình nhưng cô cũng sẽ xuống Kyoto.
Hiro vẫn ở lại Tokyo. Cậu bé vẫn điềm tĩnh và bảo: “Em tin Tokyo an toàn”. Hiro nắm chặt tay tôi nhắc đi nhắc lại câu đó. Cậu bé còn dặn tôi ăn cơm hộp đã chuẩn bị sẵn trên bàn.
Trên đường về, tôi bắt gặp bé trai mặc đồng phục trên vai là chiếc cặp sách một mình rảo bước trên đường, một chị gái lướt nhanh che giấu giọt nước mắt đang rơi, những cụ già vẫn lầm lũi đi bộ dưới sân ga. Chưa có chuyến tàu nào căng thẳng và nặng nề như vậy.
Tôi tin mình và rất nhiều người không nỡ bỏ Tokyo và ra đi như thế. Chào tạm biệt Hiro, tôi đã bật khóc. Cậu bé khiến tôi thấy mình nhỏ bé và yếu đuối quá. Lẽ ra giờ này Hiro đã được đến Sendai để chuẩn bị cho năm học mới. Ngày mai rồi sẽ ra sao?
Hai chiếc xe buýt đi ngược chiều nhau, một chiều là các bạn ra sân bay Narita, một chiều là xuống Kyoto. Chia tay với những cái ôm siết tay thật chặt và cả những giọt nước mắt. Dossa tặng tôi 1 tấm bưu thiếp, ôm tôi chặt và nói: “Xin lỗi Tokyo đã không ở lại, nhưng lúc nào cũng hướng về Tokyo với niềm tin mọi việc sẽ ổn thôi, sẽ không sao”.
Nước Nhật trong trái tim
Chương trình của chúng tôi kết thúc và sau đó bạn bè thầy cô cũng đã về nước an toàn.
Với tôi, bài học lớn nhất từ chuyến đi là ý thức cộng đồng, tinh thần trách nhiệm và sức mạnh của nghị lực, niềm tin trên đất nước này.
Tôi sẽ không bao giờ hết cảm phục người dân Nhật ngay sau trận động đất họ đưa nhau từng thứ đồ ăn đồ uống, cảnh xếp hàng và thái độ tôn trọng nhau lúc hiểm nguy, sống hết mình vì hiện tại và không ngừng cống hiến cho xã hội.
1 năm đã trôi qua. Tháng 3 bình yên đang trở về trên từng cánh hoa Sakura. Bạn bè tôi bên Nhật tháng nào cũng gửi email, ảnh kể về sự đứng lên của Nhật mỗi ngày. Đến hôm nay, tới Nhật Bản, có thể nhiều người sẽ không tin 365 ngày trước có một thiên tai kinh hoàng đã diễn ra.
Chuyến đi giúp tôi lớn lên, biết yêu thương nhiều hơn và tôi giờ mới nhận ra vì sao tôi lại yêu nước Nhật như thế.
Chắc chắn không phải là những khu Shibuya, Shinjuku, Roppongi hay Ginza sầm uất, cũng không phải thế giới của công nghệ hiện đại hay những chuyến tàu siêu tốc. Mà hơn hết là tình người và sự nỗ lực của những người Nhật Bản trong cuộc sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận