Chương trình do Thành đoàn TP.HCM tổ chức, nằm trong tổng thể chuỗi hoạt động chào mừng Tết cổ truyền của Lào và Campuchia. Đây không chỉ là cơ hội để các sinh viên quốc tế học tập tại TP.HCM kết nối và giao lưu mà còn là dịp để các bạn trẻ giới thiệu truyền thống văn hoá nước mình.
Nhiệt tình, hào hứng
Điều đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận được ở không khí hội trại chính là sức trẻ của các thành viên tham gia. Họ nhiệt thành, cháy hết mình với từng khoảnh khắc, dù đó là những trò chơi vận động hay là những màn trình diễn văn nghệ như ca hát, nhảy múa.
Là những gương mặt đến từ nhiều trường đại học khác nhau như Đại học Quốc gia, Đại học Luật TP.HCM, Đại học Y Phạm Ngọc Thạch… nhưng chỉ sau bữa cơm trưa, các bạn đã nhanh chóng làm quen và phối hợp rất tốt trong trò chơi tập thể vào đầu giờ chiều.
Họ cùng nhau trang trí những lá cờ đầy màu sắc đại diện cho nhóm gồm các thành viên đến từ cả ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, cùng hợp tác để thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ được giao trong trò chơi, cùng khoác vai nhau hò reo khi được xướng tên là người về nhất…
Rất nhanh, đã chẳng còn khoảng cách, chẳng còn là những người trẻ đến từ ba quốc gia khác nhau, chỉ còn sự đồng lòng, chung sức cho một mục tiêu chung. Những tiếng cười rộn ràng hoà chung với tiếng sóng, tiếng gió của vùng biển như khiến các bạn sinh viên sung sức hơn, hăng say hơn.
Các bạn trẻ cùng nhau trang trí những lá cờ đầy màu sắc đại diện cho nhóm
Trại sinh tham gia trò chơi tập thể
Sau bữa ăn chiều, các bạn trẻ tiếp tục hoà chung niềm vui trong đêm giao lưu, đốt lửa trại, với sự xuất hiện của gần 100 sinh viên địa phương là đoàn viên của tỉnh đoàn Bình Thuận càng khiến cho không khí thêm sôi nổi. Màu trang phục của ba dân tộc, sắc xanh của chiếc áo Đoàn thanh niên như làm đẹp thêm cho sân khấu vốn đã rất sinh động với các bài hát, điệu múa do các bạn trẻ biểu diễn.
"Đây là năm thứ hai liên tiếp tôi có dịp tham dự hội trại thanh niên, sinh viên ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia. Chương trình luôn mang đến cho chúng tôi những niềm vui thông qua các hoạt động tập thể, đồng thời cũng là dịp để trại sinh các nước tìm hiểu văn hoá lẫn nhau", Phaxaisombath Sathith, 22 tuổi, sinh viên năm 3 trường Đại học Luật TP.HCM chia sẻ.
Trong khi đó, bạn Lê Nữ Hồng Phương, 22 tuổi, sinh viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết bạn học chung lớp với khoảng 10 bạn sinh viên Lào và Campuchia nhưng chủ yếu chỉ nói chuyện xoay quanh bài vở. Đây là cơ hội quý giá để Phương biết thêm về con người, ngôn ngữ và văn hoá của nước bạn.
Cùng nhảy theo nhạc
Theo anh Huỳnh Thanh Nhã, phó giám đốc Ký túc xá sinh viên Lào tại TP.HCM, nhiều bạn trẻ tham gia trại cho biết họ rất thích thú vì đây là lần đầu tiên được đi dã ngoại ở một vùng biển đẹp tại Việt Nam.
"Sinh viên các nước chuẩn bị rất chu đáo các tiết mục văn nghệ giao lưu mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Ngoài ra, họ cũng đoàn kết và phối hợp rất tốt. Chương trình mang ý nghĩa đặc biệt nhằm thắt chặt tình cảm, mối quan hệ và sự hiểu biết lẫn nhau, đặc biệt là trong dịp Tết cổ truyền của Lào và Campuchia", anh nhấn mạnh.
"So với các năm trước, chương trình năm nay có quy mô lớn cả về số lượng thành viên tham gia lẫn địa điểm tổ chức. Đây là sự quan tâm, chăm lo của lãnh đạo thành phố dành cho sinh viên Lào và Campuchia đang học tập xa nhà, giúp các bạn cảm nhận được sự gần gũi và chia sẻ chân tình"
Anh Lê Hoàng Minh, phó ban Quốc tế Thành đoàn TP.HCM
Sau hội trại, các bạn sẽ tiếp tục tham dự tiệc chiêu đãi cùng lãnh đạo thành phố dự kiến diễn ra vào ngày 11-4. Ngoài ra, sắp tới, Thành đoàn TP.HCM cũng triển khai chương trình nhận gia đình nuôi cho sinh viên Lào đang học tập tại TP.HCM.
Một tình bạn đẹp
Hầu hết các sinh viên Lào và Campuchia đều sang Việt Nam học ngôn ngữ trong một năm đầu tiên, sau đó bắt đầu học các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt. Trong thời gian đầu còn bỡ ngỡ, sự giúp đỡ tận tình của những người bạn Việt Nam chính là yếu tố rất quan trọng giúp họ nhanh chóng vượt qua khó khăn.
"Thân thiện", "vui vẻ", "rất tốt bụng", "mới gặp mà như đã quen từ lâu" chính là những cụm từ mà hầu hết những người bạn quốc tế dùng để tả về các bạn Việt Nam khi được hỏi về cảm nghĩ.
"Các bạn rất nhiệt tình chỉ chúng tôi cách nói, cách sắp xếp từ ngữ trong câu, còn giúp dò bài mỗi khi cận kề kỳ thi", Vann Bophatouch, 22 tuổi, sinh viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ.
Sinh viên ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia nhanh chóng kết bạn, hoà đồng
Cùng tạo dáng cho một kiểu ảnh độc đáo
Không chỉ được bạn bè giúp đỡ, các bạn trẻ đến từ phương xa còn được tạo điều kiện tham gia vào rất nhiều chương trình, hoạt động để giao lưu, kết nối, giải trí và trên hết là để quên đi cảm giác nhớ nhà khi đi học xa.
Vann kể ngay từ khi mới sang Việt Nam học ngôn ngữ vào đầu năm 2017, cô đã được tham gia chương trình giao lưu văn hoá - ẩm thực ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia nhân dịp Tết cổ truyền Lào - Campuchia, được gặp gỡ rất nhiều người bạn mới.
"Lần đó tôi được một người bạn Việt Nam rủ ăn món bánh tráng trộn. Ban đầu tôi thấy lạ miệng và hơi khó ăn vì bánh tráng khá cứng, nhưng ăn riết rồi bây giờ thành ghiền luôn", Vann cười khúc khích.
Trong khi đó, Sathith lại nhớ về kỷ niệm lần đầu tiên được thấy các bạn nữ người Việt Nam mặc áo dài.
"Cảm giác ấy rất thú vị. Đó là năm 2014 khi tôi vừa bắt đầu học tiếng Việt. Người phụ nữ Việt Nam mặc trang phục truyền thống thật sự rất đẹp", cậu bạn 22 tuổi kể.
Sathith (áo vàng) tham gia một trò chơi tập thể tại hội trại
Hai cô bạn người Campuchia tranh thủ xây lâu đài bằng cát
Vừa là du học sinh vừa làm trong ban tự quản sinh viên Lào tại ký túc xá, Sathith cho biết bạn hài lòng về cuộc sống tại Việt Nam vì mọi tiện nghi đều đầy đủ và còn được bạn bè hỗ trợ tận tình.
Nolasin Maylisa, 21 tuổi, cô sinh viên Đại học Luật TP.HCM chia sẻ bạn được tạo điều kiện tham gia rất nhiều các chương trình giao lưu văn hoá văn nghệ do Ký túc xá sinh viên Lào tại TP.HCM, Lãnh sự quán Lào tại TP.HCM, Thành đoàn TP.HCM tổ chức.
"Tôi mong sẽ có dịp quay lại Việt Nam làm việc, đồng thời dùng các kiến thức gặt hái được từ đại học để xây dựng các văn bản pháp luật, bổ sung vào hệ thống luật pháp Lào", cô nói.
Theo anh Huỳnh Thanh Nhã, phó giám đốc Ký túc xá sinh viên Lào, các bạn du học sinh Lào và Campuchia hầu hết đều là cán bộ dự nguồn, sẵn sàng về nước để công tác.
"Tuy nhiên, ngay tại Việt Nam, các bạn cũng luôn được tạo điều kiện để sống và làm việc, tìm cơ hội nghề nghiệp tại thành phố và các địa phương khác", anh nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận