Thí sinh hồi hộp trước giờ thi môn toán tại điểm thi trường Dự Bị ĐH, TP.HCM thuộc cụm thi trường ĐH Sư Phạm TP.HCM |
Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Hội Toán học đã cho biết Ban chấp hành Hội Toán học đã có nhiều cuộc họp và thống nhất sẽ có một kiến nghị bằng văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc này.
Trao đổi về quan điểm của Ban chấp hành Hội Toán học, GS.TSKH Phùng Hồ Hải - phó chủ tịch, tổng thư ký Hội Toán học, cho biết các ý kiến của thành viên Ban chấp hành Hội Toán học đều cho rằng quyết định chuyển đổi hình thức thi môn Toán sang hình thức trắc nghiệm là một quyết định gấp gáp khiến học sinh, giáo viên chưa có sự chuẩn bị cần thiết.
Trong khi đó, phương án thi được Bộ GD-ĐT thông báo là dựa trên phương án đã thực hiện từ ba năm qua tại ĐHQG Hà Nội.
Tuy nhiên cho tới nay Ban chấp hành Hội Toán học chưa hề được biết tới một đánh giá chính thức nào về tính hiệu quả của các kỳ thi này.
Nếu thay đổi thì phải chứng minh được ưu điểm về chuyên môn của phương thức thi trắc nghiệm với môn Toán. Còn nếu chưa chứng minh được thì không nên thay đổi đột ngột.
Ông Hải cũng đặt vấn đề, trong kì thi THPT quốc gia năm trước, đề thi môn Toán đã có các bước cải tiến tích cực.
"Quan điểm của chúng tôi là cứ phát huy mặt tích cực của kì thi trước, không nên thay đổi vào thời điểm này".
“Ban chấp hành Hội Toán học kiến nghị Bộ GD-ĐT giữ nguyên hình thức thi tự luận đối với môn Toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT trong năm 2017”, ông Hải cho biết đây là đề nghị chính thức của Hội Toán học.
Phó viện trưởng viện toán học Việt Nam Phùng Hồ Hải tại buổi gặp gỡ báo chí vào chiều 12-9 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Giải thích thêm về lý do không đồng tình với việc thi môn Toán theo hình thức trắc nghiệm, đại diện Hội Toán học cho biết, môn Toán là một môn thi bắt buộc trong tất cả các đánh giá như trong thi tốt nghiệp, trong xét tuyển đại học đa số các ngành nên diện ảnh hưởng của môn Toán rất rộng. Vì vậy việc thay đổi này sẽ có thể dẫn đến hệ lụy khó kiểm soát là tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Học sinh không thể yên tâm với việc học như trước đây, nhưng lại phải thi theo cách mới.
Về mặt chuyên môn, Ban chấp hành Hội Toán học cũng cho rằng phương án thi trắc nghiệm môn Toán không phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.
Mục tiêu của môn Toán không phải chỉ dạy cho học sinh kỹ năng cụ thể tính đạo hàm, tích phân mà quan trọng nhất là dạy cho học sinh phương pháp tư duy, khả năng đặt vấn đề, giải quyết vấn đề. Điều này không phải dành cho toán học mà dành để học nhiều môn học khác sau khi thi học sinh có thể quên một số kiến thức cụ thể.
Còn phương pháp tư duy sẽ được ngấm vào và trở thành một phần của họ để ứng dụng vào các môn học khác. Nếu áp dụng phương thức thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT đối với môn Toán sẽ phá hủy hoàn toàn mục tiêu đó.
Theo quan sát của các nhà toán học, học sinh Việt Nam ra nước ngoài có thế mạnh về Toán. Vì vậy việc thay đổi này có thể ảnh hưởng lâu dài trong mục tiêu truyền thụ tư duy toán học.
Không nên giải quyết sự bất cập này bằng một bất cập khác Nhân việc phản đối môn Toán thi trắc nghiệm vào năm 2017, đại diện Hội Toán học cũng nhắc lại việc năm 2007, Bộ GD-ĐT đã phải dừng việc chuyển môn Toán sang thi trắc nghiệm (theo lộ trình chuyển các môn thi từ tự luận sang trắc nghiệm được thực hiện 3 năm trước đó). Lý do của việc dừng lại này chính là từ sự phản đối từ công luận, đặc biệt là từ cộng đồng toán học, các nhà toán học có uy tín cũng như các nhà giáo nhiều kinh nghiệm, tiêu biểu như GS Hoàng Tụy. Nhiều thành viên của Hội Toán học cho rằng Bộ GD-ĐT không nên giải quyết bất cập là tiêu cực thi cử bằng một bất cập khác là chuyển môn Toán sang thi trắc nghiệm với hi vọng giảm tiêu cực khi máy móc thay thế con người trong chấm thi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận