Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ tâm huyết về đứt gãy giá trị ở nông thôn tại hội thảo - Ảnh: BTC
Làng quê vô hồn, người quê chẳng còn chân quê
Phát biểu tham luận và thảo luận bàn tròn tại Hội thảo văn hóa năm 2022, ông Lê Minh Hoan - bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - chia sẻ nhiều trăn trở về sự khủng hoảng, đứt gãy về văn hóa ở nông thôn hiện nay.
Dẫn câu văn quen thuộc của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp "Tôi sinh ra ở nông thôn, cha mẹ tôi là nông dân", ông Hoan khẳng định ông cũng như hầu hết người Việt đều đi ra từ nông thôn, vì vậy đều có một vùng quê thương nhớ.
Bôn ba chốn thị thành nhưng "mỗi khi lòng xác xơ" chúng ta ai cũng muốn trở về quê để nạp đầy năng lượng yêu thương. Nhưng làng quê trong cơn lốc đô thị hóa đã đổi thay chóng mặt khiến người xa quê lâu ngày chưa về bị choáng ngợp, cảm giác lạc lõng như không phải quê mình.
Dần dần, những chuyến về quê chỉ còn như một nghĩa vụ, về rồi vội vã rời đi. Vội vì công việc, nhưng cũng vì làng quê không còn cảm xúc thân thuộc, quyến luyến như ngày nào.
Hàng rào cây xanh, những đường làng quanh co thênh thang, những miệt vườn xanh mướt, những ao làng, giếng làng làm mềm mại hồn quê… dần biến mất, chỉ còn những bê tông vô hồn. Người quê cũng chẳng còn chân chất, hiền lành, làng xóm chẳng còn "tắt lửa tối đèn có nhau" nữa…
Ý kiến của ông Hoan nhận được sự đồng tình của các chuyên gia văn hóa như PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm và cả kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào - người rất tâm huyết với việc xây dựng các công trình văn hóa cộng đồng giàu bản sắc ở các vùng nông thôn.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đề xuất bên cạnh chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, rất cần có một chương trình mục tiêu quốc gia về "Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
Thứ hai, ông đề xuất cần có những giáo trình giảng dạy văn hóa nông thôn trong các đoàn thể, tổ chức xã hội, đặc biệt cho học sinh từ những bậc học đầu tiên, bởi đó chính là thế hệ tiếp nối, giữ gìn cho dòng chảy liên tục văn hóa dân tộc.
"Đừng để bản sắc dân tộc mất dần đi trong nỗi tiếc nuối, trong lời cảm thán "giá như"!", ông Hoan nhắn nhủ.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết có cơ sở tin rằng một số nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới khi vào Việt Nam điều chỉnh thuật toán theo hướng gợi ý nhiều những thứ nhảm nhí cho người dùng - Ảnh: BTC
Sẽ có thuật toán gợi ý những nội dung hay cho người dùng mạng
Nói về văn hóa trên môi trường mạng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ câu chuyện khiến toàn xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh rất lo lắng, bất an thời gian gần đây đó là câu chuyện tràn lan rác độc trên mạng xã hội.
Ông Lâm cho biết tin vui về việc ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông thời gian qua đã đạt được một số thành tích. Việc xử lý các nền tảng xuyên biên giới không còn quá khó khăn nữa, bởi từ nhận thức, ý chí tới một số chính sách để xử lý việc này đã được hoàn thiện.
Nhưng ông mong rằng việc dọn rác trên mạng sẽ có sự chung tay của từng người dân tham gia cùng các cơ quan nhà nước. Bởi không thể cứ vứt rác ra đường rồi mắng mỏ người quét rác không dọn rác tốt.
Ông cũng cho biết sắp tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ động ngăn chặn rác độc từ gốc, chứ không phải như hiện nay để nó tràn lan trên mạng rồi đi dọn dẹp. Hiện nay, bộ chưa nắm được và chưa kiểm soát được thuật toán chia sẻ thông tin của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới.
Ông Lâm nói Bộ Thông tin và Truyền thông có cơ sở để nghĩ rằng một số nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới khi vào Việt Nam điều chỉnh thuật toán theo hướng gợi ý nhiều những thứ nhảm nhí cho người dùng. Thế hệ trẻ, các cụ già chính là đối tượng bị phơi nhiễm những thông tin nhảm, vớ vẩn.
"Chúng tôi cần thêm một số thời gian để khẳng định việc điều chỉnh thuật toán này là có thật. Khi nắm được thuật toán này thì sẽ tạo sự thay đổi căn bản, thay vì người dùng bị họ gợi ý những nội dung nhảm nhí thì các nền tảng mạng này sẽ gợi ý những nội dung tốt, hay có rất nhiều trên không gian mạng", ông Lâm nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận