Hợp ca tiết mục Tiến về Sài Gòn trong chương trình Bài ca thống nhất tối 25-4 - Ảnh: Quang Định |
Hội Nhà báo Việt Nam, Học viện Báo chí và tuyên truyền, Thông tấn xã Việt Nam, báo Quân Đội Nhân Dân, truyền hình Viettel và Đại học Tổng hợp Vienna (Cộng hòa Áo) cùng tổ chức hội thảo này.
Chuỗi hội thảo gồm ba chủ đề lớn diễn ra trong hai ngày 24 và 25-4 tại Hà Nội: báo chí về đề tài chiến tranh: lý luận và thực tiễn, tác nghiệp của phóng viên chiến trường, kinh nghiệm sử dụng các thể loại báo chí trong kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam.
PGS.TS Trương Ngọc Nam, giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền, cho biết báo chí thế giới từ khi hình thành đến nay luôn gắn bó như một nhân tố đặc biệt mỗi khi xuất hiện các cuộc chiến tranh, thu hút các nhà báo dấn thân bất kể hiểm nguy.
Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, Việt Nam đã có hơn 1.000 nhà báo từ các phía tham gia đưa tin. Hàng trăm nhà báo Việt Nam đã hi sinh.
Ông nhấn mạnh một trong những ví dụ điển hình của báo chí thế giới, đặc biệt là báo chí Mỹ, về vấn đề cuộc chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 1954-1975 là đã góp phần thay đổi chính kiến của người dân Mỹ từ ủng hộ cuộc chiến tranh những năm đầu sang phản đối cuộc chiến, góp phần đưa Mỹ đến quyết định phải rút khỏi Việt Nam.
Ông Dương Đức Quảng, cựu phóng viên chiến trường Thông tấn xã Việt Nam, chia sẻ những phóng viên chiến trường Việt Nam bước vào cuộc chiến luôn tâm niệm phải cung cấp thông tin trung thực, khách quan và không phải chỉ với tư cách người cầm bút, cầm máy ảnh mà còn là người lính.
Để có được những bức ảnh trung thực, khách quan, những phóng viên chiến trường đã phải đánh đổi bằng cả xương máu.
Cựu phóng viên chiến trường Chu Chí Thành nhấn mạnh những thông tin từ báo chí Việt Nam do các phóng viên chiến trường cung cấp luôn mang tính nhân văn. Ông kể lại câu chuyện rằng vì truyền thống nhân hậu nên khi ông gửi bức ảnh một phi công Mỹ chết ở Việt Nam, cùng ảnh vợ con phi công này, thì tòa soạn đã không đăng trên mặt báo.
“Đời tôi rất may mắn khi chụp được bức ảnh trao trả tù binh của hai phía ở sông Thạch Hãn (1973). Tôi cảm nhận được hạnh phúc tột cùng của những người tù binh hai phía được trao trả, vì họ tưởng rằng mình không bao giờ còn được sống nhưng họ đã được sống” - ông Chu Chí Thành kể lại.
* Ngày 25-4 tại Bình Dương, bốn trường đại học gồm KHXH&NV Hà Nội, KHXH&NV TP.HCM, Khoa học Huế và Thủ Dầu Một đã đồng tổ chức hội thảo quốc tế “Việt Nam - 40 năm thống nhất, phát triển và hội nhập 1975-2015”.
Hơn 300 tham luận của các đại biểu trong nước và giáo sư từ nhiều trường đại học trên thế giới đã phân tích nhiều khía cạnh về cuộc đấu tranh thống nhất đất nước Việt Nam, quá trình hợp tác quốc tế cũng như con đường phát triển của Việt Nam trong 40 năm qua.
Hát mừng Bài ca thống nhất Chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2015), tối 25-4, Thành ủy TP.HCM và báo Nhân Dân đã phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật Bài ca thống nhất tại Nhà hát TP.HCM. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải đã thay mặt ban tổ chức, lãnh đạo TP trao tặng 20 phần quà cho các bà mẹ VN anh hùng, thương bệnh binh, gia đình chính sách có công với cách mạng trên địa bàn TP. Chương trình diễn ra hào hùng và khép lại trong không khí thân tình, ấm áp khi các lãnh đạo và khán giả cùng hát hòa theo tiết mục kết thúc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận