Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông năm nay do Học viện Ngoại giao và các cơ quan đối tác phối hợp tổ chức. Hội thảo quy tụ gần 50 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ 23 quốc gia và các tổ chức quốc tế, gần 100 đại biểu từ các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra còn có 22 đại sứ, cùng đông đảo phóng viên trong và ngoài nước.
Cạnh tranh tư duy định hình trật tự quốc tế
Phát biểu khai mạc hội thảo, đại sứ, tiến sĩ Phạm Lan Dung, quyền giám đốc Học viện Ngoại giao, khẳng định Biển Đông luôn là điểm nóng, với các vấn đề tranh chấp lãnh thổ và khác biệt về yêu sách biển.
Tuy nhiên, bà kỳ vọng các bên liên quan vẫn kiên định nỗ lực theo đuổi hòa bình và ngoại giao. Quyền giám đốc Học viện Ngoại giao khẳng định giống như quá trình mài giũa đá, những bước tiến trong ngoại giao đòi hỏi thời gian, kiên nhẫn và sự lạc quan.
Tiếp sau đại sứ Lan Dung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu chính trong phiên mở màn hội thảo.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định thế giới đang đứng trước bước ngoặt lớn. Sự chuyển dịch sang một thế giới đa cực đã trở thành thực tế định hình trật tự thế giới, chứ không còn là một cuộc tranh luận học thuật trừu tượng. Tuy nhiên bước chuyển này đang diễn ra theo những cách thức vẫn còn chưa chắc chắn và nếu không được quản lý đúng cách, có thể gây ra thảm họa.
Theo ông, cạnh tranh giữa các cường quốc không còn đơn thuần là về tài nguyên, lãnh thổ hay không gian hàng hải. Cạnh tranh bây giờ còn nhằm thống trị các ý tưởng và tầm nhìn sẽ định hình hệ thống quốc tế trong tương lai.
Nói cách khác, đó là "cuộc chiến nhận thức" - một cuộc đấu tranh để “kể” những câu chuyện làm nền tảng nhận thức cho các tranh chấp và xung đột ở nhiều nơi trên thế giới.
Tại Biển Đông, "cuộc chiến nhận thức" này không còn là điều mới mẻ. Hầu như trong mọi vụ việc, các bên đều kể theo một cách khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Những câu chuyện mâu thuẫn đó có thể đưa khu vực này đến đỉnh điểm căng thẳng.
Thứ trưởng Việt chia sẻ: "Giống như một thủy thủ cần một ngôi sao chỉ đường để tìm phương hướng, chúng ta cần các luật lệ và nguyên tắc đã được thiết lập để neo giữ các chính sách và hành động của mình.
Liên quan đến vấn đề này, tôi không thấy bất kỳ chuẩn mực và nguyên tắc nào phù hợp hơn đối với Biển Đông so với những chuẩn mực và nguyên tắc được ghi nhận trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)”.
Thứ trưởng cũng cho biết việc Việt Nam đề cử ứng cử viên đầu tiên vào vị trí thẩm phán ITLOS giai đoạn 2026-2035 tái khẳng định Việt Nam sẵn sàng cống hiến vào hoạt động của ITLOS; đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ, kiên định đối với UNCLOS nói riêng và tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế nói chung.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt hy vọng hội thảo sẽ làm phong phú thêm kiến thức chung, đưa ra những ý tưởng, sáng kiến hoặc khuyến nghị mới để cùng nhau thúc đẩy “câu chuyện” về Biển Đông được định nghĩa bởi hợp tác và kết nối, thay vì cạnh tranh, đối đầu.
UNCLOS và hợp tác quốc tế trong những căng thẳng ở Biển Đông
Tại phiên dẫn đề, bà Catherine West, quốc vụ khanh phụ trách khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao và Phát triển Anh, nhấn mạnh sự thịnh vượng chung của các quốc gia phụ thuộc vào một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nghĩa là giữ cho các tuyến đường biển quan trọng ở Biển Đông được thông suốt.
"Các lợi ích an ninh chung đòi hỏi chúng ta phải bảo vệ các nguyên tắc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, thông qua các khuôn khổ pháp lý quốc tế đang bảo vệ các nguyên tắc này, như UNCLOS", bà nói.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh khu vực Biển Đông trong thời gian gần đây ghi nhận nhiều vụ đụng độ giữa tuần duyên Philippines và hải cảnh Trung Quốc. Cuối tháng 8-2024, cả Bắc Kinh và Manila đều tố lẫn nhau việc tàu bên kia cố tình đâm vào tàu bên mình ở bãi Sa Bin.
Hồi tháng 7, phía Philippines cho biết Manila và Bắc Kinh đạt được một thỏa thuận tạm thời. Theo đó, thỏa thuận cho phép Philippines tiếp tế nhu yếu phẩm hằng ngày và thực hiện các nhiệm vụ luân phiên đến tàu BRP Sierra Madre ở bãi Cỏ Mây.
Nằm trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bãi Cỏ Mây cách đảo Palawan của Philippines khoảng 200km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 1.000km. Philippines để tàu BRP Sierra Madre mắc cạn tại bãi Cỏ Mây và bố trí một số binh sĩ trên tàu nhằm khẳng định chủ quyền.
"Trong năm nay, chúng ta đã chứng kiến một loại sự vụ nghiêm trọng và kéo dài, cho thấy một trong những đợt gia tăng căng thẳng mạnh mẽ nhất trong nhiều năm gần đây", đại diện Anh chia sẻ chung nhận định về Biển Đông.
Theo bà West, những hành động và các phản ứng mà các vụ đụng độ kích động có thể làm tăng nguy cơ cho những tính toán sai lầm nghiêm trọng, cũng như đe dọa trực tiếp đến luật pháp quốc tế.
"Giữ cho một Biển Đông an toàn là ưu tiên của chúng tôi. Và cách duy nhất chúng tôi có thể đạt được điều đó là hợp tác cùng các đối tác, bao gồm cả những đối tác đang hiện diện ở đây", bà nhấn mạnh tính kết nối của hội thảo.
Trong khi đó nghị sĩ Tim Watts - đồng bộ trưởng Bộ Ngoại giao Úc - nhấn mạnh ủng hộ một khu vực mà các tranh chấp khi phát sinh được giải quyết bằng đối thoại và theo các quy tắc, chứ không phải bằng vũ lực.
Tuy nhiên, ông Watts lưu ý những quy tắc và chuẩn mực, trong đó có quy tắc về giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, đang bị thách thức. "Chúng ta đang chứng kiến những yêu sách hàng hải không phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS” - ông nêu.
Úc khẳng định sẽ tiếp tục lên tiếng về những lo ngại với hành động nguy hiểm và bất hợp pháp ở Biển Đông, đồng thời mở rộng hợp tác hàng hải để đóng góp cho an ninh và thịnh vượng trong khu vực.
Ông Niclas Kvarnström - tổng vụ trưởng phụ trách châu Á - Thái Bình Dương, Cơ quan Đối ngoại Liên minh châu Âu (EEAS) - nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông với EU khi mà khoảng 1/3 lượng hàng hóa nhập khẩu qua đường biển và 1/4 lượng hàng hóa xuất khẩu của EU đi qua khu vực này. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng hiện nay, ông cho biết sự ổn định và an ninh khu vực cũng ảnh hưởng đến an ninh và hòa bình quốc tế.
Ông bày tỏ quan ngại trước số vụ việc nguy hiểm ngày càng tăng xảy ra tại Biển Đông, gây nguy hiểm đến tính mạng và vi phạm quyền tự do hàng hải và hàng không mà các quốc gia được hưởng theo luật pháp quốc tế.
Ông nhấn mạnh UNCLOS cần đóng vai trò như “la bàn” để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Bên cạnh đó, đại diện EU nhấn mạnh vai trò của ASEAN trong việc giải quyết các tranh chấp trong khu vực, ủng hộ tiến trình do ASEAN dẫn dắt nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử COC hiệu quả, thực chất, nhấn mạnh cam kết hợp tác với ASEAN vì lợi ích của hòa bình và an ninh ở Đông Nam Á.
3 hiến kế để phát huy chuẩn mực ở Biển Đông
Ông Sidharto Reza Suryodipuro, tổng cục trưởng Hợp tác ASEAN, Bộ Ngoại giao Indonesia, trưởng SOM ASEAN Indonesia - nêu ba lĩnh vực các nước ASEAN có thể thúc đẩy để giải quyết vấn đề Biển Đông.
Đầu tiên, ASEAN cần củng cố vai trò trung tâm trong việc quản lý tranh chấp Biển Đông, thông qua việc thống nhất quan điểm và đối phó với những thách thức mới.
Thứ hai, các nước cần tăng cường nỗ lực đẩy nhanh đàm phán Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC) với Trung Quốc, đảm bảo mục tiêu hoàn thành trước năm 2026 của khối.
Cuối cùng, ASEAN cần thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin, tiêu biểu là những biện pháp trong khuôn khổ Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác khu vực Đông Nam Á (TAC).
Các sáng kiến về kiểm soát vũ khí cũng có thể góp phần hạ nhiệt căng thẳng. Các sáng kiến này có thể khởi đầu ở mức minh bạch và duy trì liên lạc về các hoạt động quân sự và có thể tiến dần đến các biện pháp quản lý vũ khí cao hơn.
Bên cạnh các vấn đề về an ninh, Quốc vụ khanh Anh Catherine West cũng đề cập đến các ảnh hưởng khí hậu và tự nhiên ở Biển Đông.
Theo bà West, với một diện tích lớn các rạn san hô của thế giới, khu vực này có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn và đảo ngược tình trạng suy giảm hệ sinh thái tự nhiên. Cùng với đó, việc mực nước biển ngày càng dâng cao có nguy cơ dẫn đến các tranh chấp hàng hải ngày càng trầm trọng.
"Nước Anh đang áp dụng chuyên môn của mình để hỗ trợ", đại diện của Anh khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận