10/11/2014 13:49 GMT+7

​“Hồi sinh” xe lửa hơi nước

SƠN LÂM - MẬU TRƯỜNG
SƠN LÂM - MẬU TRƯỜNG

TT - Đêm cuối cùng của tháng 10, một hồi còi khác thường cất lên giữa không gian thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, báo hiệu một sự hồi sinh.

Chiếc đầu máy xe lửa đã khởi động sau tám tháng lắp ráp - Ảnh: Trần Đình Hùng
Chiếc đầu máy xe lửa đã khởi động sau tám tháng lắp ráp - Ảnh: Trần Đình Hùng

Cùng với hồi còi, chiếc đầu máy xe lửa Tự lực 141-190 đậu trên đường ray số 2 của Công ty xe lửa Dĩ An xục xịch, phụt những luồng khói trắng trở lại sau gần 30 năm ngừng hoạt động.

Gần 20 công nhân lấm dầu mỡ khắp người đồng loạt vỗ tay, nhìn thành quả của tám tháng miệt mài lắp ráp, sửa chữa nay đã “động đậy”.

Rời cần kéo còi, ông Nguyễn Văn Hiến - kỹ sư trưởng của chương trình khôi phục đầu máy xe lửa Tự lực 141-190 - chầm chậm ngả mũ, quệt mồ hôi rồi thở phào: “Cuối cùng nó cũng đã sống lại”.

Từ đống sắt vụn

Âm thanh từ chiếc còi bằng đồng được hơi nước thổi vào nghe thanh mảnh và vang vọng hơn tiếng còi của các đầu xe lửa chạy bằng dầu hiện nay.

Ông Hiến, mắt vẫn không rời khỏi làn hơi nước bốc lên trắng xóa từ ống khói chính trên đầu tàu, kể: “Sau giải phóng, xe lửa hơi nước chủ yếu hoạt động ở miền Bắc. Từ năm 1996, xe lửa hơi nước ngừng hoạt động trên các tuyến đường trường, thỉnh thoảng chỉ chở khách du lịch theo yêu cầu và phục vụ vận chuyển nội bộ trong ga, cho đến năm 2003 thì chính thức dừng hẳn. Lâu lắm rồi tôi mới nghe được tiếng còi thân thuộc này”.

Đầu máy xe lửa Tự lực 141-190 là loại đầu máy chạy bằng hơi nước, đốt than, được sản xuất vào năm 1966 ở Trung Quốc và đưa về hoạt động tại tuyến đường Hà Nội - Hải Phòng.

Biết chiếc xe lửa này từ những ngày đầu tiên, ông Hiến giới thiệu rành rẽ: “141 là ký hiệu của kiểu phân hiệu công nghệ đầu máy xe lửa Mikado, tức là phần đầu máy xe lửa sẽ có một bánh nhỏ điều hướng, đến bốn bánh lớn chịu lực và một bánh nhỏ sau cùng phân phối hướng. 190 là thứ tự sản xuất của chiếc xe.

141-190 có một nồi hơi mang thể tích 4m3, kéo theo một xe có khả năng chứa 10 tấn than và 16m3 nước, số nhiên liệu nước đủ để kéo được 20 toa khách lưu thông đoạn đường dài 50km”.

Sau khi có chủ trương thay thế xe lửa hơi nước bằng xe lửa chạy dầu vào năm 1996, chiếc 141-190 được đưa về Xí nghiệp vận dụng đầu máy Hà Nội và “xếp xó”. Trước khi buông hồi còi hôm nay, 141-190 đã từng là một đống sắt vụn.

Năm 2009, với chủ trương phục hồi đầu máy hơi nước để đưa vào khai thác du lịch, 141-190 cùng với hai đầu máy hơi nước khác được Công ty TNHH dịch vụ du lịch đường sắt Đông Dương mua lại để phục hồi.

Chương trình phục hồi lúc đầu được ký kết với Nhà máy xe lửa Gia Lâm, phân chia làm hai giai đoạn “giải thể” và lắp ráp hoàn chỉnh. Nhưng sau khi chiếc đầu máy 141-190 được rã ra thành một mớ bulông, ốc vít thì chương trình tạm dừng.

Tưởng đã ngừng hẳn, nhưng sau đó các thiết bị của 141-190 được chuyển vào Công ty xe lửa Dĩ An để tiếp tục công tác phục hồi. Đó là thời điểm vào cuối năm 2010.

Tiếp câu chuyện, ông Phạm Hồng Phi - giám đốc Công ty xe lửa Dĩ An - cho biết: “Nhân công thì có nhiều, nhưng các bộ phận kỹ thuật đặc thù để hỗ trợ cho việc lắp ráp xe lửa hơi nước gần như không có, phải đến tháng 2-2014, công việc phục hồi 141-190 mới bắt đầu tiến hành”.

Từ một đống bộ phận chi tiết rời rạc, được ký hiệu tên bằng những nét phấn thô từ Hà Nội, các phân xưởng của Công ty xe lửa Dĩ An bắt đầu tìm hiểu để sửa chữa.

Nhiều phần thiết bị thất lạc trong quá trình vận chuyển, nhiều thiết bị đã gỉ sét tới mức không thể sử dụng được, tất cả đều được phục hồi, thay mới...

Thậm chí có bộ phận như hệ thống bơm nước phải được mượn tạm từ đầu máy xe lửa hơi nước đang trưng bày ở Đà Lạt về.

Sau tám tháng, chiếc 141-190 mới có thể hoàn thành. Ông Phi cười tự hào: “Có thể nói dù đồ nguyên thủy chưa tới 80%, nhưng chiếc 141-190 này đã hồi sinh 100% nguyên bản”.

Tiếp nối lịch sử

Đã 68 tuổi, ông Nguyễn Văn Hiến vẫn thoăn thoắt trèo lên leo xuống buồng lái, tận lực thử hộp số, kiểm tra dầu.

Vốn là một kỹ sư chuyên về đầu máy hơi nước, dù đã nghỉ hưu nhưng chưa bao giờ ông Hiến mất hi vọng về một ngày lại được nghe tiếng còi hơi vang ra từ đám khói hơi nước.

“Về hưu, nhưng nhà tôi vẫn luôn đầy ắp tư liệu về công nghệ đầu máy hơi nước. Ban đầu chỉ là định để mai sau lỡ con cháu có ai cần, nhưng không ngờ chính tay mình còn được lắp ráp một chiếc đầu máy hơi nước” - ông Hiến kể.

Đống thiết bị 141-190 vào miền Nam, cũng là ngày ông Hiến xa nhà, quên cuộc sống hưu trí nhàn nhã để thực hiện giấc mơ cuối đời.

Từ lúc bắt đầu lắp ráp, Công ty xe lửa Dĩ An cũng từng mời thêm nhiều chuyên gia từ nước ngoài về để làm kỹ sư trưởng. Nhưng lần lượt đều lắc đầu trước một đống thiết bị vương vãi, bởi hầu hết chuyên gia đều chỉ chuyên môn một bộ phận.

Có người chuyên về lĩnh vực nồi hơi, có người chuyên động cơ truyền lực, có người chuyên về kỹ thuật máy bơm, nhưng gần như không có ai đủ kiến thức tổng hợp để tự tin theo đuổi công trình.

Thế là từ bản vẽ thiết kế và kinh nghiệm hơn 30 năm sửa chữa đầu máy hơi nước, ông Hiến lại một lần nữa tự học, truyền đạt và cùng các kỹ sư trẻ của Công ty xe lửa Dĩ An mày mò nghiên cứu về “đứa con tinh thần” này.

Cùng kỹ sư trưởng Nguyễn Văn Hiến, người được ông Phi tin tưởng giao trách nhiệm chủ nhiệm chương trình khôi phục đầu máy xe lửa là ông Trần Đình Hùng.

Từng là một trong những người hộ tống tám đầu máy xe lửa bánh răng từ Đà Lạt về Phan Rang - Tháp Chàm để đưa qua châu Âu vào năm 1990, sau đó được Thụy Sĩ mời làm việc nhiều năm để điều phối chương trình hoạt động của các tuyến xe lửa hơi nước phục vụ khách du lịch tại đây, ông Hùng gật đầu ngay khi được ông Phi nhờ giúp đỡ phục vụ dự án khôi phục đầu máy hơi nước ở Việt Nam.

“Cha tôi là một người lái tàu tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt - Phan Rang. Bản thân tôi cũng phục vụ ngành đường sắt và may mắn được theo dõi hoạt động của các đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước ở châu Âu. Chẳng gì vui hơn là được góp tay để xe lửa hơi nước hoạt động trở lại trên quê hương mình, để thế hệ tương lai có thể tận mắt chứng kiến một công nghệ quan trọng, gắn bó với một thời kỳ phát triển của Việt Nam” - ông Hùng cười kể.

Tháng 2-2014, sau nhiều đêm miệt mài gần như thức trắng, ông Hùng đã lập một bản kế hoạch dài đến 21 trang, chi tiết từng công đoạn lắp ráp để tiếng còi đầu máy hơi nước có thể vang lên vào đúng đầu tháng 11.

Ngay trong Công ty xe lửa Dĩ An, 141-190 đang phun khói. Không xa, các bộ phận của một chiếc xe lửa hơi nước khác mang số hiệu 141-165 cũng được đưa vào từ Hà Nội đang đậu trên đường ray số 10.

“Nếu chủ đầu tư cần gấp, chẳng bao lâu nữa sẽ có thêm một xe lửa hơi nước hồi sinh” - ông Phi nói.

Tàu phục vụ tuyến Đà Nẵng - Huế

Ông Hoàng Quốc Hội - tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ du lịch đường sắt Đông Dương - cho biết: “Với mục tiêu khởi động lại chương trình du lịch bằng xe lửa hơi nước, cách đây hơn 10 năm, chúng tôi đã bắt đầu tiến hành tìm chọn, mua được ba chiếc đầu máy xe lửa hơi nước đang xếp xó trong nhà ga. Thế mà phải đến hôm nay mới làm hồi sinh được một chiếc.

Với địa hình phong phú, tuyến đường sắt Đà Nẵng - Huế là tuyến đầu tiên chúng tôi cho mở tour du lịch xe lửa hơi nước. Hiện tại, các thủ tục để khai thác tour du lịch này đang được tiến hành. Công việc trước mắt là sẽ tiếp tục phục dựng lại hệ thống toa tàu theo đúng nguyên bản và hồi sinh nốt hai đầu máy còn lại”.

SƠN LÂM - MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp