Từ những vườn điều, vườn tiêu, cà phê cằn cỗi, sau 20 năm, vùng đất Trảng Bom như được "hồi sinh" bởi những khu công nghiệp đông đúc, những vườn trái cây xanh um, trĩu quả, trải dài thẳng tắp.

Hồi sinh từ vùng đất tiêu, điều cằn cỗi - Ảnh 1.

Hiện nay, huyện Trảng Bom được xem là "thủ phủ chuối" của tỉnh Đồng Nai với tổng diện tích trồng chuối hơn 6.000 ha. Đây cũng là một trong những địa phương có diện tích trồng chuối xuất khẩu lớn nhất nước. Thời điểm này, các hộ dân trồng chuối ở huyện Trảng Bom đang tất bật với vụ thu hoạch chính trong năm.

Sở dĩ, diện tích chuối cấy mô xuất khẩu tăng nhanh do có nhiều lợi thế như: cho lợi nhuận cao hơn nhiều cây trồng khác; là cây hàng năm nên nông dân dễ dàng điều chỉnh mùa vụ thu hoạch; trong trường hợp loại cây này không phù hợp hoặc giá xuống quá thấp thì có thể dễ dàng chuyển sang mô hình sản xuất khác…

Hồi sinh từ vùng đất tiêu, điều cằn cỗi - Ảnh 2.

Vốn gắn bó với cây mía, thanh long trên 20 năm, thế nhưng khi nhận thấy sự hiệu quả của mô hình trồng chuối cấy mô, ông Trương Hùng Dũng (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) đã mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng. Hiện nay, diện tích trồng chuối của gia đình ông lên đến 40ha.

"Năm vừa rồi trung bình 1ha chuối thu lời khoảng 300 triệu đồng sau khi trừ tất cả chi phí. Đây là mức lợi nhuận cao nhất mà gia đình tôi thu được trong suốt mấy mươi năm gắn bó với vườn tược", ông Dũng hào hứng chia sẻ.

Vừa qua, ông Dũng đã chi tiền đầu tư hẳn một chiếc máy bay phun thuốc cho vườn chuối của mình nhằm tiết kiệm nhân công, nâng cao hiệu quả canh tác. Bên cạnh đó, ông còn định hướng phát triển mô hình trồng chuối theo hướng khép kín.

Cụ thể, ông tận dụng lượng chuối dạt, phụ phẩm từ cây chuối để làm thức ăn cho bò và dùng phân bò bón lại cho cây, từ đó vừa tiết kiệm chi phí vừa bổ sung chất dinh dưỡng cho đất. Mô hình này của ông thu hút khá nhiều nông dân ở các tỉnh lân cận tìm đến học hỏi kinh nghiệm.

Hồi sinh từ vùng đất tiêu, điều cằn cỗi - Ảnh 3.

Bên cạnh chuối, bưởi, cây ca cao cũng được xem là một thế mạnh của huyện Trảng Bom. Đến nay, trên địa bàn huyện có 140 ha ca cao có chứng nhận VietGAP.

Trước đây, ở xã Trung Hòa, nông dân chuyên trồng điều với năng suất thấp, giá bán không ổn định, nhiều hộ gia đình bỏ bê không chăm sóc dẫn đến lợi nhuận kém. Từ thực tế đó, ông Nguyễn Thanh Lập cùng một số hộ nông dân nơi đây đã thử nghiệm trồng ca cao xen điều.

Thấy hiệu quả, ông chuyển hẳn sang trồng ca cao và cùng chính quyền địa phương vận động các hộ dân liên kết với nhau thành lập Tổ hợp tác ca cao Trung Hòa. Đến nay, tổng diện tích trồng cacao của tổ hợp tác này đã lên đến 70ha.

Hồi sinh từ vùng đất tiêu, điều cằn cỗi - Ảnh 4.

"Cây ca cao rất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, mà chi phí lại nhẹ. Hai vợ chồng tôi đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn dư sức trồng và chăm sóc 1ha ca cao trước nhà", ông Lập tự tin cho biết.

Với 1ha ca cao này, 1 năm vợ chồng ông Lập có thể thu được 250 triệu đồng. Trừ chi phí khoảng 50 triệu, đôi vợ chồng già có thể "bỏ túi" ít nhất 200 triệu/năm.

"Trồng ca cao này nhàn lắm, nắng thì vô nhà, mát thì ra hái trái, tỉa cành, mà làm dưới mấy tán cây ca cao này cũng mát mẻ chứ có cực nhọc gì đâu. Nhờ có nó mà vợ chồng già chúng tôi ăn tiêu thoải mái, không cần phụ thuộc vào con cháu", ông Lập bộc bạch.

Theo bà Vũ Thị Minh Châu - chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, mặc dù nông nghiệp không còn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế huyện, nhưng đây vẫn được xem là ngành kinh tế nền tảng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của huyện.

Vì vậy, Trảng Bom luôn chú trọng phát triển nông nghiệp theo chiều sâu; vận động bà con nông dân sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP); nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; tạo ra sản phẩm nông sản sạch, an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng.

"Địa phương xác định nông nghiệp chất lượng cao là hướng đi phù hợp với thực tế, nhu cầu của thị trường nên tập trung nguồn lực, con người để thay đổi phương thức sản xuất, canh tác mang lại hiệu quả tối ưu cho bà con nông dân", bà Châu nhấn mạnh

Hồi sinh từ vùng đất tiêu, điều cằn cỗi - Ảnh 5.
Hồi sinh từ vùng đất tiêu, điều cằn cỗi - Ảnh 6.

Hiện nay huyện Trảng Bom có 4 khu công nghiệp là: Sông Mây, Hố Nai, Bàu Xéo, Giang Điền và có một cụm công nghiệp vật liệu xây dựng mới hình thành là cụm công nghiệp Hố Nai 3.

Theo báo cáo của UBND huyện Trảng Bom, hiện nay công nghiệp chiếm hơn 70% trong cơ cấu GDP toàn huyện. 20 năm qua các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nơi đây đã thu hút 223 dự án FDI với vốn đầu tư hơn 2,5 tỉ USD.

Hồi sinh từ vùng đất tiêu, điều cằn cỗi - Ảnh 7.

Giá trị sản xuất của ngành công nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước. Đến nay, công nghiệp đã chiếm hơn 70% trong cơ cấu kinh tế của huyện với tổng vốn đầu tư đạt 3,417 tỉ USD.

Bà Vũ Thị Minh Châu - chủ tịch UBND huyện Trảng Bom cho biết: "hiện nay huyện đang khuyến khích, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có công nghệ sản xuất hiện đại, công nghệ sạch, hướng đến nền công nghiệp phát triển theo hướng bền vững".

Còn đối với lĩnh vực thương mại, du lịch và dịch vụ, giá trị sản tăng trưởng trong giai đoạn 2004-2022 đạt 17,54%/năm (so với năm 2010). Riêng năm 2022, ngành dịch vụ đạt 24.899 tỷ đồng, tăng gấp 18,4 lần so với năm 2004. Tổng mức bán lẻ hàng hóa bình quân đạt 20,9%/năm, tăng hơn 27 lần so với năm 2004.

Hồi sinh từ vùng đất tiêu, điều cằn cỗi - Ảnh 8.
Hồi sinh từ vùng đất tiêu, điều cằn cỗi - Ảnh 9.

Thời điểm tách huyện từ 20 năm trước, dẫu gặp bao khó khăn, thế nhưng bấy giờ Trảng Bom vẫn được xem là "miền đất hứa" khi được lớp lớp người dân di cư từ khắp nơi trên cả nước tìm về sinh sống.

Hồi sinh từ vùng đất tiêu, điều cằn cỗi - Ảnh 10.

Khi mới tách huyện, dân số huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) chỉ khoảng 200.000 người, đến nay đã gần 400.000 người. Riêng các khu công nghiệp của huyện đã thu hút hơn 120.000 lao động trong nước và ngoài nước. Nhiều người lúc đầu chỉ có ý định đến đây làm ăn, dần dà họ đã quyết tâm ở lại, góp công, góp sức xây dựng Trảng Bom ngày càng giàu đẹp.

Không chỉ là nơi quy tụ của người dân nhiều vùng miền trên cả nước, Trảng Bom còn được biết đến là một huyện đa dạng dân tộc với 42 dân tộc anh em cùng sinh sống. Dù là lớp trẻ hay người lớn tuổi, dù ở địa phương nào, dân tộc nào di cư đến, họ đều chung sống chan hòa, lao động hăng say để làm giàu cho bản thân và thúc đẩy nền kinh tế huyện.

Hồi sinh từ vùng đất tiêu, điều cằn cỗi - Ảnh 11.

Ông Hà Đăng Bùi – một người dân từ miền Bắc vào sinh sống tại xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom mấy chục năm nay trải lòng: "ở đây có nhiều dân tộc, nhiều vùng miền nhưng chúng tôi có tinh thần cộng đồng, tinh thần tương trợ giúp đỡ lẫn nhau rất tốt. Đây phải nói là thế mạnh và vùng đất Trảng Bom này quả thật là nơi "đất lành chim đậu"".

Chính sự đa dạng vùng miền và dân tộc đã tạo nên sự đa dạng văn hóa, phong phú đời sống tinh thần người dân và tạo thành nét đặc trưng riêng cho vùng đất Trảng Bom.

Hồi sinh từ vùng đất tiêu, điều cằn cỗi - Ảnh 12.
N.CHÂN - V.BÌNH
HẢI TRIỀU - THẾ KIỆT
HẢI PHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp