29/05/2020 11:32 GMT+7

'Hồi sinh' thắng cảnh hồ Tịnh Tâm - Trồng lại sen trắng Huế

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - Hồ Tịnh Tâm - một trong Thần Kinh nhị thập cảnh (20 cảnh đẹp đất kinh đô) mà vua Thiệu Trị làm thơ khen tặng - đang được chỉnh trang lại để “hồi sinh”, sau một thời gian dài biến mất khỏi bản đồ du lịch xứ Huế.

Hồi sinh thắng cảnh hồ Tịnh Tâm - Trồng lại sen trắng Huế - Ảnh 1.

Cây cầu tre bắc từ đê Kim Oanh sang đảo Phương Trượng trong hồ Tịnh Tâm được làm lại từ tre thừa ở các công trình trùng tu di tích - Ảnh: NHẬT LINH

Hồ Tịnh Tâm nay thuộc phường Thuận Thành (TP Huế). Hồ vốn là một đoạn sông Kim Long được cải tạo lại, tên ban đầu là ao Ký Tế. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), triều Nguyễn đã huy động tới 8.000 binh lính tham gia việc cải tạo hồ, biến nó trở thành một vườn ngự uyển bên ngoài Đại nội của hoàng gia.

Trong chùm thơ Thần Kinh nhị thập cảnh của vua Thiệu Trị viết về 20 thắng cảnh đất kinh đô Huế, bài Tịnh hồ hạ hứng (cảnh hồ Tịnh Tâm trong kinh thành Huế) xếp thứ 3. Tuy nhiên, do nhiều biến cố lịch sử, hồ Tịnh Tâm hiện nay chỉ còn là phế tích. Các công trình kiến trúc trong hồ bị tàn phá. Diện tích xung quanh hồ cũng bị lấn chiếm.

Để "hồi sinh" một trong những thắng cảnh đất kinh kỳ này, chính quyền Thừa Thiên Huế đã lên kế hoạch cải tạo, di dời dân cư lấn chiếm đất hồ Tịnh Tâm. Tuy nhiên, dự án này chưa thể thực hiện được bởi chưa có nguồn kinh phí phù hợp.

Ông Lê Công Sơn - chánh văn phòng Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - cho biết trước mắt trung tâm đang tận dụng nguồn sẵn có để cải tạo, chỉnh trang lại khu vực quanh hồ nhằm phục vụ làm sân khấu cho chương trình trình diễn áo dài trong dịp Festival Huế 2020 dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới.

Trung tâm sẽ tận dụng những phách gỗ thừa lấy từ các công trình trùng tu di tích để dựng lên một căn nhà rường (1 gian 2 chái) ở đảo Phương Trượng và một căn nhà bát giác ở đảo Bồng Lai trong lòng hồ; dùng các cây tre dư để dựng cầu Bích Tảo bắc từ đê Kim Oanh sang đảo Phương Trượng giữa hồ. Cây cầu này sẽ là điểm nhấn của sân khấu áo dài trong Festival Huế.

Việc gắn hồ Tịnh Tâm trở thành sân khấu cho một chương trình "đinh" của Festival Huế, theo ông Sơn, nhằm tận dụng mọi nguồn lực để "hồi sinh" cảnh quan của hồ.

Ngoài ra, nơi đây sẽ là điểm trưng bày hoa lan bốn phương trong dịp Festival Huế. Ông Sơn hi vọng sau Festival Huế, hồ Tịnh Tâm sẽ trở thành địa điểm để người dân, khách du lịch đến tham quan, hóng mát nhiều hơn thay vì bị hoang hóa bấy lâu nay.

Trong quá trình chỉnh trang hồ Tịnh Tâm, nhiều ý kiến của người dân đã được gửi tới lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế qua mạng xã hội Facebook về việc trồng hàng tre dọc đê Kim Oanh - tuyến đường chính hiện tại dẫn vào hồ. Theo đó, một kiến trúc sư đã đề xuất thay vì trồng tre hãy trồng các cây thân mộc có hoa như bằng lăng, lộc vừng, liễu rủ để vừa có bóng mát, vừa không che khuất tầm nhìn dọc hồ.

Tiếp nhận ý kiến trên, ông Phan Ngọc Thọ - chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - cảm ơn những đóng góp "tận tâm" của những người yêu Huế và cho biết sẽ xem xét trên tinh thần cầu thị. Hiện tỉnh đang xây dựng kế hoạch xử lý nước thải và cải tạo môi trường trong hồ Tịnh Tâm. Ngoài ra, UBND TP Huế cũng sẽ tuyên truyền để người dân không xả rác xuống hồ.

Trồng lại sen trắng Huế

Một điều khiến người Huế tiếc nuối chính là không còn được trồng loài hoa sen trắng xứ Huế quý hiếm trong hồ Tịnh Tâm như ngày xưa vì nước hồ bị ô nhiễm nặng nề.

Ông Lê Văn Chính (63 tuổi), người trồng sen trong hồ Tịnh Tâm hơn 40 năm nay, cho biết hiện toàn hồ chỉ trồng được giống sen cánh hồng cao sản có xuất xứ từ Đồng Tháp.

Cứ mỗi lần trời Huế đổ mưa, nước thải sinh hoạt của người dân ở trong kinh thành Huế đổ dồn xuống lòng hồ khiến nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. "Sen trắng xứ Huế là giống kiêu kỳ, không chịu được nước bẩn nên trồng được bấy nhiêu thì chết hết từng đó" - ông Chính nói.

Về chuyện này, Ông Lê Công Sơn cho biết sau khi chỉnh trang xong, trung tâm sẽ thu hồi hết diện tích trồng sen hồng của người dân để khoanh vùng trồng trở lại sen trắng xứ Huế...

Hồ Tịnh Tâm ô nhiễm nặng nề Hồ Tịnh Tâm ô nhiễm nặng nề

TTO - Hồ Tịnh Tâm là di tích lâu đời của cố đô Huế, một di tích cảnh quan kiến tạo dưới Triều Nguyễn; là nơi tiêu dao, an lạc của các bậc vua chúa. Dưới thời vua Thiệu Trị, hồ được xem là một trong 20 cảnh đẹp đất thần kinh.

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp