Phóng to |
Xuân Quý giờ là một cô bé lanh lẹ, nói năng hoạt bát - Ảnh: H.Khoa |
Sự hồi sinh của bé Xuân Quý ngày hôm nay là điều kỳ diệu của khoa học mà các chuyên gia Bỉ, các y bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 và nhiều bệnh viện khác ở TP.HCM chung sức mang lại với tất cả tấm lòng và tình thương đối với người bệnh. Ca ghép gan cho bé Xuân Quý được thực hiện ngày 5-12-2005, kéo dài 15 tiếng. Thời điểm đó, bé Xuân Quý là bệnh nhi được ghép gan nhỏ tuổi nhất VN.
Nhớ nhất “ông ngoại”
"Ghép tạng là một trong ba thành tựu y học của thế kỷ 20. Là phương tiện cuối cùng để cứu sống những bệnh nhân bị suy tạng giai đoạn cuối. Năm 1990 thế giới thực hiện ghép tạng và 14 năm sau chúng ta đã tiếp cận được thành quả này. Việc thực hiện ghép gan thành công cho bé Xuân Quý không chỉ mang ý nghĩa cứu sống bệnh nhi mà còn là tiền đề đẩy nhanh các tiến bộ y học về chẩn đoán hình ảnh, miễn dịch, chăm sóc hồi sức" |
12g ngày 25-2, chúng tôi tìm đến nhà bé Xuân Quý ở P.Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM. Trước mặt tôi, Xuân Quý không còn là đứa trẻ nhỏ xíu, nước da vàng ệch, hay khóc nhè và luôn được cha mẹ bế trên tay hôm nào ở Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Bé Xuân Quý hôm nay mặc chiếc áo màu hồng, tóc gài băngđô, mắt đeo kính cận, dáng đi lanh lẹ, nói năng hoạt bát. Bé tự vào bếp lấy chén, mở nồi cơm điện và xúc cơm rồi mang ra bàn ngồi ăn.
Bé ăn ngon lành hai chén cơm với đồ ăn là nồi mì gói nấu với các loại nấm, thịt và các loại rau củ.
Vừa ăn, bé vừa trả lời các câu hỏi của chúng tôi một cách rất hồn nhiên, trẻ con. Bé kể đang học lớp 5 Trường tiểu học Lê Văn Thọ.
Hỏi bé học có giỏi không, bé mạnh dạn trả lời: “Hồi học lớp 1, lớp 2 con được học sinh giỏi, nhưng lên lớp 3, lớp 4 chỉ được học sinh tiên tiến”. Hỏi vì sao con học không còn giỏi như trước thì bé cười “tại con mê ngủ quá”. Bé còn kể cho chúng tôi rằng bé thấy trong người khỏe mạnh, bình thường và ngày nào bé cũng uống hai viên thuốc vào mỗi buổi sáng và chiều.
Hỏi bé nhớ ai nhất trong các y bác sĩ đã chăm sóc, điều trị cho mình, bé nói ngay “ông ngoại”, nhưng vì sao nhớ và nhớ điều gì nhất ở ông ngoại thì Xuân Quý cười hồn nhiên “con chỉ biết là thấy nhớ thôi chứ không biết vì sao lại nhớ”. Ông ngoại chính là GS.BS Trần Đông A - nguyên phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, người có công rất lớn trong việc thực hiện ca ghép gan cho bé Xuân Quý.
Ngồi ăn cơm cùng con gái, anh Lê Văn Thuận - cha bé Xuân Quý - cho biết sau ba tháng được ghép gan ở bệnh viện, tháng 3-2006 bé Xuân Quý được xuất viện về nhà. Hằng ngày bé uống thuốc chống thải ghép và định kỳ mỗi tháng đến bệnh viện tái khám một lần. Nhìn con gái ngày hôm nay, anh Thuận bảo “khó nói hết một cách trọn vẹn tất cả những cảm xúc mà vợ chồng tôi đã trải qua”.
Anh Thuận nhớ lại khi chưa được ghép gan, bé Xuân Quý ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Khi bé được hơn 1 tuổi, một bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị cho bé nói nếu không được ghép gan thì bé chỉ có thể cầm cự sống được đến 3 tuổi.
Bác sĩ này cũng nói cho anh biết Bệnh viện Nhi Đồng 2 đang chuẩn bị thực hiện ghép gan cho trẻ em và khuyên anh đưa bé sang đó, may ra có cơ hội cứu chữa. Và anh đưa con gái sang Bệnh viện Nhi Đồng 2, với suy nghĩ chỉ còn một chiếc vé cuối cùng để đưa con mình trở về cuộc sống.
Anh đã đặt hết niềm tin vào 60 giáo sư, bác sĩ, điều dưỡng tham gia ca ghép gan hơn tám năm trước và họ đã không phụ lòng tin của anh.
“Vừa là thân nhân người bệnh, vừa là người trong ngành y, tôi muốn làm một điều gì đó để thể hiện sự biết ơn của gia đình tôi với các giáo sư bác sĩ đầu ngành, các điều dưỡng, hộ lý... đã mang con gái tôi từ tay thần chết trở về với gia đình” - anh Thuận xúc động nói và kể cho tôi gần như hết tên các bác sĩ đã tham gia ca ghép gan và điều trị, chăm sóc cho bé Xuân Quý. Trong đó có hai người anh Thuận nhớ đến nhiều nhất là GS.BS Trần Đông A và bác sĩ Phạm Thị Ngọc Tuyết, trưởng khoa tiêu hóa - gan mật Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Niệm Phật phù hộ
Hỏi thăm bác sĩ Ngọc Tuyết về bệnh nhi Xuân Quý, bà vui hẳn lên và tâm sự với tôi bao chuyện về ca ghép gan đầu tiên này. Được giao nhiệm vụ chuẩn bị cặp ghép gan (người cho và người nhận), bác sĩ Tuyết rất lo lắng vì cả người cho và người nhận gan đều cần được chăm sóc và kiểm tra sức khỏe nghiêm ngặt với hàng trăm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh.
Trong đó, quan trọng nhất là phải giữ cho bệnh nhân đến ngày ghép không bị bất cứ bệnh gì, trong khi bệnh nhân bị suy gan thường có rất nhiều biến chứng. Nếu có trục trặc về sức khỏe của cả người cho và người nhận gan thì ca ghép không thể thực hiện được.
“Nghĩ lại tôi thấy rất cảm phục GS Đông A. Ông là người rất lạc quan và luôn động viên tôi phải cố gắng làm và tiếp nhận bé Xuân Quý về chăm sóc, điều trị... trước khi ghép gan. Ông bảo với tôi: mình có tiền (UBND TP hỗ trợ kinh phí cho ca ghép), có người hỗ trợ phẫu thuật, có bệnh nhân đang tuyệt vọng chờ chết... phải cố gắng làm thôi. Và tôi lao vào công việc, tìm hiểu việc chuẩn bị cho bệnh nhân ghép gan cũng như người cho gan và làm tất cả mọi thứ theo yêu cầu của các chuyên gia Bỉ và bệnh viện. Trong khi chờ ghép gan, bé Xuân Quý nhiều lần bị biến chứng nặng. Có khi bị viêm phổi nặng, có lúc ói ra máu ồ ạt, nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào” - bác sĩ Ngọc Tuyết xúc động kể lại.
Trước khi ca ghép diễn ra một ngày, bác sĩ Tuyết cảm thấy áp lực đè nặng, tâm trạng luôn bồn chồn lo lắng. Tối về nhà rồi nhưng bà vẫn liên tục gọi điện thoại vào bệnh viện hỏi thăm tình hình sức khỏe hai mẹ con bé Xuân Quý. Bà cũng chưa bao giờ đi chùa hay niệm Phật nhưng đêm trước ca ghép bà cứ lo hoài, không thể đi ngủ sớm được thì ngày mai khó làm việc được tốt. Và bà đã ngồi niệm Phật bà Quan Âm, rằng chưa bao giờ bà cầu xin điều gì nhưng hôm nay bà xin Phật bà phù hộ cho mẹ con bé Xuân Quý vượt qua ca ghép gan sinh tử.
Tiếp cận nhanh tiến bộ y học
Hỏi về ca ghép gan đầu tiên này ở bệnh viện, GS Đông A nhớ như in ngày ghép gan bé Xuân Quý mới được 23 tháng tuổi và chưa biết nói. “Bây giờ con bé đã học lớp 5, phát triển gần như bình thường, nói chuyện như sáo, thông minh, lanh lẹ. Tôi rất hạnh phúc. Bác sĩ Otte và bác sĩ Reding cũng rất vui vì đã cứu sống được bé Xuân Quý và nhiều bệnh nhi khác” - giọng bác sĩ Đông A ngập tràn cảm xúc.
Bác sĩ Đông A nhớ lại: ca ghép gan cho bé Xuân Quý dường như muốn thử thách cả tập thể y bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 2, các chuyên gia đến từ Bỉ và các đồng nghiệp bệnh viện bạn đến hỗ trợ. Cả tháng trời trước và sau khi thực hiện ca ghép gan, gần như ông ăn ngủ trong bệnh viện. Ca ghép gan bị trục trặc, khi thì do mạch máu của thùy gan người mẹ cho quá nhỏ, khi thì bị viêm phúc mạc, lúc lại bị chảy máu, khiến bệnh nhân phải mổ tổng cộng bốn lần. Dù ca mổ kéo dài ngoài dự kiến và có quá nhiều “sóng gió” do có những tình huống không thể nào lường trước được hết nhưng tất cả đều qua đi và một cuộc sống mới đã hồi sinh trọn vẹn, đẹp như một giấc mơ.
Và hôm nay những người viết lên giấc mơ ấy đã nở nụ cười hạnh phúc và tự hào vì những cố gắng, nỗ lực của mình vì sinh mạng của bệnh nhân đã được đền đáp một cách xứng đáng.
Xúc tiến thành lập trung tâm ghép tạng nhi
Phóng to |
Bé Xuân Quý trước lúc vào phòng ghép gan (chụp qua cửa kính phòng mổ ngày 5-12-2005) - Ảnh: l.th.h. |
Ngày 5-12-2005, Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiến hành ca ghép gan đầu tiên cho bệnh nhi Lê Ngọc Xuân Quý (2 tuổi, Q.12, TP.HCM). Người cho gan là chị Võ Thị Ngọc Hạnh, 31 tuổi, mẹ ruột của bệnh nhi. Êkip phẫu thuật ghép gan gồm 60 giáo sư, bác sĩ, điều dưỡng của Đại học Saint - Luc (Bỉ), Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bình Dân và Nhân Dân Gia Định... Bệnh nhi được cắt bỏ toàn bộ gan và được ghép một phần gan lấy từ người mẹ.
TS.BS Lê Quang Định, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết để thực hiện ca ghép này, bệnh viện đã có sự chuẩn bị nhiều năm về nhân lực, trang thiết bị. Ca ghép không chỉ có ý nghĩa về mặt nhân văn, giúp cứu sống những bệnh nhi bị suy gan nặng do bệnh teo đường mật bẩm sinh mà còn thúc đẩy hàng loạt chuyên khoa khác của bệnh viện phát triển đồng bộ theo. Đến nay Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã thực hiện ghép gan cho bảy bệnh nhi và ghép thận cho 10 bệnh nhi với kết quả tốt. Hiện bệnh viện vẫn đang cử bác sĩ đi học nước ngoài để tiến đến tự thực hiện ghép gan cho bệnh nhi. Bệnh viện cũng đang xúc tiến việc thực hiện đề án xây dựng trung tâm phẫu thuật và ghép tạng nhi tại bệnh viện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận