19/11/2018 10:01 GMT+7

Hồi sinh nhà máy “chết lâm sàng” từ vốn tư nhân

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Vướng mắc lớn từ trước đến nay của vấn đề xử lý các đại dự án thua lỗ ngàn tỉ trong ngành công thương là không dùng vốn ngân sách và theo cơ chế thị trường.


Hồi sinh nhà máy “chết lâm sàng” từ vốn tư nhân - Ảnh 1.

Công nhân đóng gói sản phẩm AnPoly tại PVTex - Ảnh: NGỌC AN

Gỡ nút thắt tài chính

Với ba dây chuyền đưa vào sản xuất, có công suất 400 tấn/tháng, mới đây PVTex cùng đối tác là Tập đoàn An Phát Holdings (APH - doanh nghiệp nhựa Việt Nam có doanh thu hơn 4.000 tỉ đồng) đã giới thiệu sản phẩm sợi mang thương hiệu AnPoly, lần đầu tiên có mặt trên thị trường. Những container hàng đầu tiên không chỉ được khách hàng trong nước đón nhận, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm mà còn chinh phục được những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Để xử lý 12 đại dự án thua lỗ, yếu kém của ngành công thương, việc vực dậy những nhà máy được xem là đã "chết lâm sàng" như xơ sợi Đình Vũ không phải là điều dễ dàng. Theo ông Đào Văn Ngọc - chủ tịch kiêm tổng giám đốc PVTex, sản phẩm xơ sợi ra đời khi cầu thị trường thế giới thấp điểm, giá dầu thế giới lao dốc, nên giá nguyên liệu đầu vào của xơ sợi cũng biến động.

Đặc biệt, việc Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ đã thúc đẩy nhà máy xơ sợi Trung Quốc, kéo theo nhà máy của Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ đồng loạt phá giá xơ sợi nhằm chiếm thị trường. PVTex bị cạnh tranh gay gắt khi chi phí giá thành tăng trong khi giá bán không theo kịp. Do không có vốn hoạt động, nhà máy phải dừng hoạt động, đắp chiếu trong thời gian dài. Không có khả năng để trả nợ, PVTex lại vướng thêm vào vụ việc tranh chấp với nhà thầu EPC và các vụ kiện tụng với Khu công nghiệp Đình Vũ nên hướng ra ngày càng bế tắc.

Theo ông Ngọc, PVTex có công nghệ, thiết bị nhưng lại thiếu tài chính cùng hàng loạt khó khăn, vì thế khi bắt tay với APH từ tháng 4-2017, hình thành liên doanh với công ty sản xuất xơ sợi của Ấn Độ và nhà cung cấp dịch vụ thương mại của Singapore, đã khơi thông hướng ra cho nhà máy. Hiệu quả thấy rõ sau 6 tháng vận hành: công ty chẳng những trả được chi phí đã đầu tư mà còn có lãi 170 triệu đồng, tạo việc làm cho 200 lao động với mức thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng. Quan trọng là sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Điều gì khiến APH mạo hiểm rót vốn vào một dự án "chết lâm sàng" như vậy?

Ông Phạm Ánh Dương, chủ tịch HĐQT APH, không tiết lộ "rót" vào dự án này bao nhiêu, nhưng nói rằng đã cùng các chuyên gia nước ngoài mất tới 2 năm để nghiên cứu và khảo sát, đánh giá hiệu quả vận hành và lên phương án xử lý. Công ty cổ phần xơ sợi tổng hợp An Sơn được thành lập. Không chỉ vốn, APH còn hỗ trợ cả nhân lực để vận hành ba dây chuyền kéo sợi DTY. Theo vị này, ngoài thiết bị tiên tiến, quản lý chất lượng tốt, nguyên liệu đầu vào ổn định, APH còn tận dụng các mối quan hệ sẵn có với các đối tác để thiết lập kênh phân phối, bao tiêu sản phẩm, chăm sóc khách hàng...

"Việc hợp tác giai đoạn đầu tập trung chủ yếu vào sản xuất sợi DTY và dự kiến đến năm 2019 sẽ sản xuất thêm xơ PSF. Đến nay PVTex sẵn sàng gia nhập thị trường với giá cả cạnh tranh" - ông Dương nói.

Giải quyết bài toán giá và thị trường

Mục tiêu đến cuối quý 4-2018, quy mô sản xuất sợi DTY lên 10 dây chuyền, công suất đạt 700-750 tấn/tháng và khi vận hành toàn bộ nhà máy với 29 dây chuyền trong năm 2019, công suất sẽ đạt 400 tấn sợi DTY mỗi ngày.

Ông Dương nhìn nhận tiềm năng của PVTex rất lớn khi thị trường xơ sợi của Việt Nam mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu, còn lại đều phải nhập khẩu, vì thế nếu vận hành toàn bộ nhà máy, công ty rất có lợi thế với miếng bánh 50% thị phần nội địa này.

Dù vậy, chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam Nguyễn Sơn cho rằng thách thức phía trước vẫn còn nhiều. Nội câu chuyện thời gian đầu tư quá dài, tổng vốn lên tới hơn 7.000 tỉ, sẽ trở thành một gánh nặng nợ lớn, với áp lực chi phí khấu hao không nhỏ trong việc đưa ra mức giá cạnh tranh.

Theo ông Trần Sỹ Thanh - chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), sau khi gỡ được nút thắt lớn nhất là quyết toán với tổng thầu EPC mà không phải bồi thường, hiện tại để PVTex hoạt động hiệu quả cần phải có chiến lược phát triển dài hạn, trong đó cụ thể hóa các việc đàm phán với các nhà tài trợ vốn, các đối tác trong việc giãn, hoãn thời gian trả nợ...

Ông Nguyễn Hoàng Anh - chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - nói rằng việc nhà máy ra mắt sản phẩm sợi AnPoly mới đây cho thấy việc hợp tác đã có hiệu quả, dù "đó chỉ mới là bước đầu". "Ủy ban cũng sẽ tạo điều kiện hỗ trợ tối đa để các bên triển khai và vận hành tốt nhà máy" - ông Hoàng Anh nói.

PVTex có tổng vốn đầu tư ban đầu 325 triệu USD (7.000 tỉ đồng), hoạt động từ tháng 5-2015 nhưng đến tháng 9-2015 ngừng hoạt động, hơn 1.000 nhân công buộc phải nghỉ việc, để lại khoản lỗ 1.255 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:

TTO - Sáng 27-10, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định tới năm 2020 sẽ giải quyết xong 12 dự án thua lỗ thuộc quản lý của Bộ Công thương.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp