Góc giao dịch tác quyền tại Hội sách Hàn Quốc tổ chức thành công ở TP.HCM năm 2018 - Ảnh: L.ĐIỀN
Hội sách TP.HCM định kỳ tổ chức cách năm vào tháng 3 đang bị hoãn do dịch bệnh COVID-19. Trong bối cảnh không phải đơn vị nào cũng "mặn mà" đến với hội sách, việc lùi sự kiện lần này là một dịp để những người chung tay làm nên hội sách cùng nhìn lại để có bước chuyển mới.
Còn những gì có thể làm tốt hơn cho Hội sách TP, để hội sách xứng tầm là một sự kiện văn hóa không chỉ cho người dân Sài Gòn mà còn là điểm hẹn của giới đọc sách các tỉnh thành lân cận? Trong khi chờ hội sách được tổ chức trở lại, Tuổi Trẻ lấy ý kiến một số cá nhân từ những đơn vị gắn bó với hội sách.
Thêm hoạt động cho giới làm sách
Đã 20 năm kể từ khi TP triển khai Hội sách TP.HCM lần thứ 1, tôi nghĩ nhất thiết hội sách nên mạnh dạn đổi mới so với 10 lần trước. Cụ thể, thay vì chủ yếu bán sách, triển lãm, giao lưu, hội sách nên đẩy thêm một bước xa hơn: 70% dành cho độc giả - người dân TP; 30% dành cho giới làm sách (để trong tương lai 50%-50%, và rồi 30%-70%).
Điều đó có nghĩa là hội sách nên dành ra hai khu vực riêng biệt để những người làm xuất bản trong và ngoài nước tổ chức những hoạt động có liên quan.
Khu vực thứ nhất: triển lãm và giới thiệu thành tựu xuất bản của TP.HCM và cả nước; trao đổi và mua bán tác quyền; giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm với NXB và đại lý tác quyền nước ngoài; tọa đàm về những câu chuyện nghề - như bản quyền, như sách lậu - sách giả, như xu hướng xuất bản thế giới và ứng phó của các đơn vị trong nước...
Khu vực thứ hai: tập trung vào xuất bản số - khu vực này là gian hàng của các công ty sản xuất ebook, audiobook và các đơn vị sản xuất các loại hình sách dựa trên nền tảng công nghệ khác...
Ông Nguyễn Thành Nam (phó giám đốc NXB Trẻ)
Mong tìm thấy diện mạo riêng của từng đơn vị xuất bản
Tôi đã đi đủ 10 hội sách. Đó là một sự kiện hấp dẫn đối với một người đọc. Có điều qua thời gian, và đến hội sách gần nhất thì tôi nghĩ rằng sự kiện này đã đến lúc phải thay đổi. Bởi độc giả có còn đến hội sách chỉ vì muốn mua sách giảm giá nữa không?
Tôi thực lòng mong có một hội sách là nơi hội tụ của các đơn vị xuất bản (NXB và công ty sách) hơn là hội tụ các đơn vị phát hành. Vì như vậy mới thể hiện được diện mạo phong phú và đa dạng của ngành xuất bản. Như vậy, mỗi thương hiệu, mỗi NXB sẽ trưng bày các tựa sách riêng của họ, sách ở mỗi gian hàng sẽ hoàn toàn khác nhau.
Như vậy, người đọc như tôi có thể trở đi trở lại nhiều lần mới đi hết các gian hàng, để thấy rõ ai đang xuất bản cái gì, cái gì đang là xu hướng. (Ví dụ, một chủ đề có nhiều nhà đang cùng xuất bản, nhìn qua là thấy ngay). Và nếu mê sách, có khi độc giả dễ (phải) bỏ tiền mua nhiều hơn.
Hội sách cũng nên là điểm hẹn của giới làm sách chuyên nghiệp. Chẳng hạn, bố trí một khu vực dành cho các tác giả, dịch giả và biên tập viên được không?
Những người hành nghề chuyên nghiệp của ngành xuất bản tập trung trao đổi chuyên môn, vai trò của họ là rất quan trọng, năng lực và công sức của họ quyết định phần lớn chất lượng nội dung của sách. Tôi mong rằng sự kiện lớn của ngành sách sẽ trở thành điểm hẹn của họ, thay vì phải kéo nhau ra một quán hàng nào đó bên ngoài để nói chuyện.
Hội sách cũng nên có không gian cho tác giả độc lập đăng ký giao lưu giới thiệu cuốn sách của mình, vì chúng ta đang nhìn thấy sự xuất hiện của ngày càng nhiều tác giả độc lập, tự xuất bản và tự phát hành sách của họ. Đó là một xu hướng đáng chú ý chứ.
Và địa điểm, hội sách có thể tổ chức trong nhà không?
Đông Vy (tác giả, phó giám đốc phụ trách nội dung của Phương Nam)
Bỏ quy định về mức chiết khấu
Việc quy định chỉ giảm giá sâu vào hai ngày cuối cùng của hội sách khiến nhiều người dân tránh đi vào các ngày đầu, khiến có thể giảm một lượng lớn khách đáng kể và gây quá tải vào ngày đầu hội và ngày cuối hội.
Việc để mức chiết khấu tự do theo quyết định của người bán sẽ giúp các đơn vị tự chủ động trong việc xây dựng chính sách bán hàng. Và tất nhiên không đơn vị nào lại dại dột giảm giá quá sâu tới mức làm chính họ gây thua lỗ.
Một việc cần thay đổi, theo tôi là nên giảm gian hàng, tăng hoạt động tương tác giữa độc giả với sách: Cần xem xét mức giá như thế nào là hợp lý để các đơn vị có được một không gian bày sách tại hội, nếu các đơn vị tham gia chỉ dám thuê những gian hàng be bé vì lý do giá thuê cao thì đây là nét không đẹp của hội.
Tại nhiều hội sách quốc tế mà tôi từng tham gia có thể nhận thấy rõ nét những khác biệt, đặc trưng của từng đơn vị... thông qua không gian bày sách, cách trang trí... Tất nhiên để làm được điều này cần có không gian rộng hơn, có thể ít nhất là 50m2 trở lên cho mỗi gian hàng chứ không chỉ là 9m2 như hiện nay.
Lệ Chi (giám đốc Chibooks)
Phạm Minh Thuận (tổng giám đốc Fahasa):
Ứng dụng công nghệ cho hội sách
Ông Phạm Minh Thuận
Theo dõi các kỳ hội sách ở Frankfurt, tôi thấy năm 2020 quy mô về sách của hội chỉ còn 50% so với năm 2004. Là bởi công nghệ tham gia vào lĩnh vực sách rất nhiều.
Trước đây người ta phải mang sách đến gặp nhau và nói chuyện, còn bây giờ người ta ngồi nhà cũng làm việc được với nhau rồi. Xu thế online - từ buôn bán, trao đổi thông tin đến thỏa thuận, tọa đàm... đã tham gia vào rất nhiều trong quá trình các đối tác gặp gỡ nhau. Thế nên tôi cho rằng Hội sách TP.HCM không còn nhiều dư địa đâu.
Đã đến lúc hội sách cần một cách làm mới. Ở những lần đầu tiên cần những nguồn kinh phí của những đơn vị tài trợ về công nghệ thì mới được, chứ các doanh nghiệp trong ngành sách thì hoặc do không có tầm nhìn hoặc do không đủ kinh phí nên không làm được, không triển khai các ứng dụng công nghệ cho hội sách được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận