Một buổi sinh hoạt của Hội quán Làng bột Sa Đéc - Ảnh: THÀNH NHƠN
Từ một năm nay, cứ đến ngày 29 hàng tháng thì cư dân của Làng bột Sa Đéc lại có buổi gặp gỡ, nói chuyện với nhau. Cuộc gặp còn có các cán bộ của Trung tâm khuyến công tỉnh Đồng Tháp; phòng Kinh tế, Trung tâm y tế, Trạm chăn nuôi- thú y thành phố cũng có mặt để nghe và giải đáp thắc mắc của bà con.
Bà Lê Thị Bé (ngụ xã Tân Phú Đông, TP. Sa Đéc) cho biết, bà vừa thay các thiết bị cũ sản xuất bột thành các thiết bị chất liệu inox để đảm bảo vệ sinh. Thay đổi này cũng từ buổi nói chuyện với cán bộ an toàn vệ sinh thực phẩm. "Nhờ vậy mà tui tự tin hơn khi quy trình sản xuất làm hài lòng khách hàng", bà Bé nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Mười (ngụ phường 2, TP. Sa Đéc) nói, khi tham gia hội quán, từ những kiến thức được chia sẻ tại những buổi sinh hoạt, cơ sở của ông cũng đã đầu tư gần 20 triệu để thay đổi cối, bồn, máy đánh tơi bằng inox. Từ đó chất lượng cũng như số lượng bột của cơ sở đã tăng lên đáng kể.
"Ngoài hỗ trợ kiến thức, cải tiến sản xuất, các thành viên trong Hội quán cũng góp vốn xoay vòng, hỗ trợ các thành viên cần vốn không phải chịu lãi vay bên ngoài…", ông Mười chia sẻ.
Từ số thành viên ban đầu chưa đến 40 người, hiện nay số thành viên của hội quán đã tăng lên 65 người. Nhiều thành viên đầu tư thay đổi máy móc, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ban Chủ nhiệm Hội quán còn làm đầu mối để tìm đầu ra cho sản phẩm bột gạo khi ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp để cung ứng bột tươi xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Nương - chủ nhiệm Hội quán làng bột Sa Đéc cho biết, do người làm bột có được tiếng nói chung nên không còn sợ bị thương lái ép giá như trước.
Ông Bùi Quang Dương - chủ tịch UBND xã Tân Phú Đông, TP. Sa Đéc cho rằng sau khi tham gia hội quán thì người làm bột đã có ý thức nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó, đối tác và người tiêu dùng cảm thấy tin tưởng hơn khi sử dụng sản phẩm bột tại làng nghề trăm tuổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận