23/11/2021 09:06 GMT+7

Hội nghị Văn hóa 2021: Hiện thực hóa các hệ giá trị của con người Việt Nam trong thời đại mới

TTXVN
TTXVN

TTO - Ngày mai 24-11-2021, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch sẽ tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tại thủ đô Hà Nội.

Hội nghị Văn hóa 2021: Hiện thực hóa các hệ giá trị của con người Việt Nam trong thời đại mới - Ảnh 1.

Ông Phùng Xuân Nhạ

Ông Phùng Xuân Nhạ - phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, trưởng Ban tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc - thông tin những vấn đề đặt ra tại hội nghị quan trọng này.

Diễn đàn để lắng nghe

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội nghị là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ngay từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định ba mặt trận quan trọng của cách mạng nước ta là chính trị, kinh tế và văn hóa.   

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4-6-2020 "Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI"

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục xác định quan điểm chỉ đạo "Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên…". 

Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.

Định hướng phát triển đất nước 2021-2030

Như vậy, nhiệm kỳ Đại hội XIII đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là: "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế".

Hệ giá trị quốc gia lần đầu tiên được xác định trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, giữ vai trò chi phối, bao trùm hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam, chuẩn mực văn hóa cụ thể của con người Việt Nam và hệ giá trị gia đình Việt Nam. Đây là vấn đề mới, cần được nghiên cứu, xác định. 

Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức

Thời gian qua, việc nỗ lực đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam đã được tiến hành công phu, đang tiếp tục mở ra các hướng đúc kết và xây dựng mới. Tất cả các kết quả nghiên cứu đang ở dạng đề xuất, gợi mở với nhiều phương án khác nhau. 

Để thực hiện những yêu cầu Đảng đề ra, cần thiết xác định một hệ giá trị được sự đồng thuận cao, được khẳng định là những giá trị định hướng cho toàn xã hội và từ đó tổ chức triển khai đồng bộ, bài bản, thực tiễn, cụ thể và kiên trì trong thực tiễn đời sống.

Việc biến nhận thức thành hành động và hiện thực hóa các hệ giá trị của con người Việt Nam trong thời đại mới chính là công việc cần triển khai. Trong đó, tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. 

Từng bước khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. 

Đồng thời tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc. Hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, nhân sinh quan tiến bộ, nhân văn. 

Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn. Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, lối sống của con người. Gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân...

Trong giai đoạn mới, tập trung hoàn thiện thể chế văn hóa, thực hiện vai trò kiến tạo của Nhà nước bảo đảm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, tâm hồn, thể chất; nâng cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước. 

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức, lối sống. Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Phát huy vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong xây dựng văn hóa và hoàn thiện nhân cách con người. 

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, tăng cường khả năng tiếp cận văn hóa của người dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội; huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm hoàn thiện các thiết chế văn hóa, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, văn hóa các dân tộc thiểu số, phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật, phát huy các giá trị tích cực trong tôn giáo, tín ngưỡng, phát triển truyền thông đại chúng, truyền thông mới, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, tăng cường hiệu quả nghiên cứu khoa học về văn hóa, nghệ thuật; xây dựng và quản lý thị trường văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Định hướng phát triển văn hóa và con người trong giai đoạn mới

1. Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người, trách nhiệm, năng lực của các cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò của văn hóa và con người trong phát triển bền vững đất nước, xác định phát triển văn hóa, xây dựng con người là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. 

Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng con người với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng cấp…

2. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về văn hóa, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa ở trung ương và địa phương, đề cao vai trò, vị trí, nhiệm vụ của cấp cơ sở. 

Tập trung đầu tư các thiết chế văn hóa quy mô quốc gia, đồng bộ hóa hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, tạo hệ thống dịch vụ văn hóa công hiện đại, phù hợp đặc thù vùng, miền, dân tộc; ưu tiên đầu tư xây dựng, tổ chức hoạt động các thiết chế văn hóa cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; phát huy vai trò của chủ thể văn hóa trong xây dựng, tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa cơ sở, không áp đặt, khuôn mẫu; khuyến khích thành lập và tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ phát triển, hoạt động các thiết chế văn hóa ngoài công lập.

3. Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng chính sách sử dụng cán bộ văn hóa hợp lý, phù hợp với chuyên môn, trình độ, năng lực ở tất cả các cấp quản lý. Hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ đặc thù đối với trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân. 

Đầu tư phát triển các trường văn hóa nghệ thuật trên cả nước theo định hướng mới, khoa học, hiện đại, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khuyến khích nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia giảng dạy các ngành nghệ thuật đặc thù. Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh các bộ môn nghệ thuật truyền thống dân tộc.

4. Xây dựng văn hóa trong chính trị, trong kinh tế. Chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Coi trọng xây dựng văn hóa trong kinh tế. 

Tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển văn hóa. Phát huy ý thức và tinh thần dân tộc, động viên toàn dân, trước hết là các doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng, phát triển các thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.

5. Phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật trong chuỗi sản xuất sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa; phát triển mạng lưới doanh nghiệp. 

Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài. Tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam trở thành các sự kiện thường niên, có uy tín khu vực và thế giới.

6. Tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế khác đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người. Xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế, phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư, đặc biệt là ở vùng còn khó khăn. 

Khuyến khích hình thành các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản. Xây dựng một số công trình văn hóa trọng điểm. Các địa phương, các cơ quan, công sở, trường học, khu công nghiệp, doanh nghiệp, khu dân cư... có thiết chế văn hóa phù hợp để người dân tham gia hoạt động và hưởng thụ văn hóa.

7. Phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xây dựng con người Việt Nam theo tinh thần nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. 

Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên mạng Internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên...

8. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới. 

Phát huy tài năng, tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia phát triển văn hóa của đất nước, trở thành cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. 

Chú trọng truyền bá văn hóa Việt Nam, dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam. Xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài và trung tâm dịch thuật, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. 

Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển văn hóa đối ngoại; hỗ trợ quảng bá nghệ thuật quốc gia và xuất khẩu các sản phẩm văn hóa ra nước ngoài.

Hội nghị Văn hóa 2021: Giữ gìn và làm giàu có thêm bản sắc, tâm hồn dân tộc Hội nghị Văn hóa 2021: Giữ gìn và làm giàu có thêm bản sắc, tâm hồn dân tộc

TTO - Cách đây 75 năm, ngày 24-11-1946, trong phát biểu khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất diễn ra ở Nhà hát lớn, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định sứ mệnh cao cả của văn hóa là: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi".

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp