02/11/2015 07:52 GMT+7

Hội nghị thượng đỉnh Nhật-Trung-Hàn: Mới chỉ cam kết, thiếu đột phá

TRẦN PHƯƠNG (tranphuong@tuoitre.com.vn)
TRẦN PHƯƠNG ([email protected])

TT - Tại cuộc gặp hôm qua, ba nhà lãnh đạo Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc thống nhất sẽ hàn gắn lại quan hệ và thúc đẩy hợp tác kinh tế, an ninh.

Ba lãnh đạo Nhật - Hàn - Trung tay nắm tay tại hội nghị ba bên ở Seoul ngày 1-11 - Ảnh: Reuters
Ba lãnh đạo Nhật - Hàn - Trung tay nắm tay tại hội nghị ba bên ở Seoul ngày 1-11 - Ảnh: Reuters
Các bên đã thống nhất đối mặt với lịch sử một cách thẳng thắn và hướng tới tương lai” - Tuyên bố chung sau cuộc gặp

“Chúng tôi cùng thống nhất là hợp tác ba bên đã khôi phục hoàn toàn nhân dịp hội nghị này” - AFP dẫn lời Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye tại cuộc họp báo cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa ba bên kể từ năm 2012 do căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ và các vấn đề lịch sử. Tuy nhiên, kết quả đạt được được đánh giá không có nhiều đột phá.

Tổng thống nước chủ nhà Park Geun Hye cho rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế giữa ba nước ngày càng sâu sắc, bất chấp các tranh cãi liên quan đến các vấn đề chính trị và an ninh. Các nhà lãnh đạo tuyên bố sẽ thường xuyên tổ chức hội nghị ba bên và hội nghị năm sau sẽ diễn ra ở Nhật Bản.

Tổng thống Hàn Quốc cho biết thêm các bên đã thống nhất sẽ sớm kết thúc Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm tạo ra khu vực thương mại lớn nhất thế giới. RCEP dự kiến bao gồm 16 thành viên (10 nước ASEAN và Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand), với 3,14 tỉ dân. Quá trình đàm phán RCEP bắt đầu từ năm 2012.

Theo các quan chức Hàn Quốc, một khi được thiết lập, RCEP sẽ là “nền tảng vững chắc cho đầu tư và thương mại ổn định trong khu vực”.

Giới phân tích cũng đánh giá đây sẽ là đối trọng của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn đầu ở Thái Bình Dương, mà Hàn Quốc và Trung Quốc đều không phải là thành viên.

Bà Park cũng nói rằng ba bên sẽ đẩy nhanh các cuộc đàm phán tự do thương mại ba bên, tăng cường hợp tác về thương mại điện tử, nhập khẩu năng lượng và các vấn đề khác như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Tuy nhiên các cuộc thảo luận về dịch vụ, đầu tư và một số lĩnh vực khác còn tồn tại nhiều khác biệt. Để khám phá các lĩnh vực hợp tác mới, ba nước cũng sẽ thành lập cơ quan tham vấn nghiên cứu các chính sách của chính phủ.

Ba nước cũng tái khẳng định “sự phản đối mạnh mẽ” việc phát triển vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và cam kết tìm cách nối lại cuộc đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của CHDCND Triều Tiên.

Bên cạnh hội nghị chính, ba nước cũng có cuộc gặp gỡ song phương con thoi. Ông Lý Khắc Cường và bà Park Geun Hye hôm 31-10 đã chứng kiến lễ ký kết một loạt biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thương mại, trong đó tăng lượng thực phẩm xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Trung Quốc và hợp tác nghiên cứu về robot.

Ông Lý cũng có cuộc gặp trực tiếp lần đầu tiên với ông Shinzo Abe hôm 1-11, tuy nhiên cuộc gặp thu hút nhiều sự chú ý là giữa ông Abe và bà Park vào ngày 2-11.

Theo Wall Street Journal, một vấn đề được chờ đợi là tranh chấp biển, đặc biệt là tình hình ở Biển Đông, nhưng Thủ tướng Abe đã tránh bình luận công khai về các tranh chấp đang nóng. Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lên tiếng cảnh báo ông Abe không nêu ra vấn đề Biển Đông tại cuộc gặp với ông Lý Khắc Cường.

Kyodo News dẫn nguồn tin từ các quan chức cho biết thủ tướng Nhật dự kiến sẽ phản đối việc Trung Quốc thay đổi hiện trạng trên vùng biển tranh chấp và hối thúc Bắc Kinh tôn trọng sự tự do đi lại và luật pháp quốc tế.

Mỹ tự tin về việc phải có mặt ở Biển Đông

Hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định tranh chấp trên Biển Đông càng khiến các nước trong khu vực cần sự hiện diện an ninh của Mỹ.

“Sự chú ý dành cho các tuyên bố tranh chấp ở Biển Đông, tính nổi bật của những tranh chấp này đang khiến nhiều nước trong khu vực muốn tăng cường sự hợp tác an ninh với Mỹ” - ông Carter nói khi chuẩn bị đến Hàn Quốc tham dự cuộc họp cấp cao.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ cũng cho biết hội nghị các bộ trưởng quốc phòng Đông Nam Á tại Malaysia sắp tới cũng sẽ thảo luận về các diễn tiến trên Biển Đông, đặc biệt là tốc độ nạo vét biển và các hoạt động quân sự của Trung Quốc.

TRẦN PHƯƠNG ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp