16/11/2022 07:57 GMT+7

Hội nghị thượng đỉnh G20: 'Thế giới đang trông chờ những tin tốt từ Bali'

DUY LINH (từ Bali, Indonesia)
DUY LINH (từ Bali, Indonesia)

TTO - Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 sáng 15-11, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh ông muốn hội nghị lần này phải thành công, không được thất bại bởi cả thế giới đang trông chờ những tin tốt từ Bali.

Hội nghị thượng đỉnh G20: Thế giới đang trông chờ những tin tốt từ Bali - Ảnh 1.

Một nhà báo tại trung tâm báo chí quốc tế tranh thủ đọc ấn phẩm đặc biệt về G20 của tạp chí Gatra ngày 15-11, với trang bìa có hình Tổng thống Joko Widodo - Ảnh: DUY LINH

Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp người đồng cấp Widodo chiều tối 14-11, nhà lãnh đạo Mỹ đã chúc mừng Indonesia vì một nhiệm kỳ G20 thành công trên cương vị chủ tịch. Vị tổng thống chủ nhà đã đáp lại một cách ngoại giao vì ông hiểu sẽ còn rất nhiều việc phải làm để thượng đỉnh G20 thực sự thành công.

Tôi hiểu đã phải có những nỗ lực phi thường để chúng ta có thể ngồi cùng nhau trong căn phòng này hôm nay.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 ngày 15-11

"Không được thất bại"

Có lẽ ít có cách nào lan truyền thông điệp đi khắp thế giới nhanh hơn việc cung cấp thông tin cho hàng trăm nhà báo quốc tế cùng lúc, và đó là cách Tổng thống Widodo đã làm sáng 15-11. Bài phát biểu của ông là thứ duy nhất vượt qua những cánh cửa đóng kín của phòng Hội nghị thượng đỉnh G20 để đến với trung tâm báo chí quốc tế cũng tại Bali.

"Chúng ta không nên phân mảnh thế giới. Chúng ta không được để thế giới rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh khác", nhà lãnh đạo Indonesia nêu thông điệp bằng tiếng Anh khiến các nhà báo tại trung tâm báo chí ngừng việc để theo dõi. Chấm dứt chiến tranh, giải quyết khác biệt thông qua đối thoại, đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu và vai trò dẫn dắt của G20 là các vấn đề chính được ông Widodo đề cập.

"Hôm nay, thế giới đang hướng về chúng ta. Liệu chúng ta thành công hay sẽ chứng kiến thêm một lần thất bại nữa? Đối với tôi, G20 phải thành công, không được thất bại", tổng thống Indonesia nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc.

Ông cũng thừa nhận công khai rằng với tư cách là nước giữ chức chủ tịch G20, Indonesia đã nỗ lực hết sức để thu hẹp những khác biệt rất sâu rộng. Tuy nhiên Tổng thống Widodo cảnh báo thành công sẽ chỉ đạt được nếu tất cả các bên cùng cam kết làm việc chăm chỉ, gạt bỏ sự khác biệt để tạo ra một kết quả cụ thể và có lợi cho thế giới.

Câu chuyện "thành công - thất bại" sau đó trở thành đề tài phiếm của một nhóm phóng viên Đông Nam Á tại trung tâm báo chí vào buổi trưa. "Nếu hạ tiêu chuẩn như thế nào là thành công, Jakarta có thể tránh được thất bại", một nhà báo Indonesia chia sẻ với Tuổi Trẻ. Trong bối cảnh hiện tại, việc đạt được thông cáo chung sau hội nghị cũng được xem là một thành công lớn của Indonesia, theo giới quan sát.

Vì sao phải thành công?

Kể từ khi tiếp quản chức chủ tịch G20 từ Ý vào cuối năm ngoái, Chính phủ Indonesia và Tổng thống Widodo đã rất nỗ lực để đảm bảo nhiệm kỳ thành công. Nhưng theo TS Ahmad Rizky M Umar thuộc ĐH Queensland (Úc), có một động cơ khác đằng sau việc Jakarta chuẩn bị nghiêm túc cho G20. Vì Indonesia tin rằng một nhiệm kỳ chủ tịch G20 thành công sẽ thúc đẩy đầu tư nước ngoài và đẩy nhanh phát triển kinh tế ở nước này, thu hút nguồn tài chính cho các dự án chiến lược nhưng ngốn rất nhiều tiền, bao gồm cả việc dời đô từ Jakarta đến tỉnh Đông Kalimantan.

"Cho đến thời điểm hiện tại Indonesia vẫn nuôi hy vọng ấy, và đó là lý do họ đã đặt rất nhiều nỗ lực không chỉ trong Hội nghị thượng đỉnh G20 mà còn ở B20 - diễn đàn G20 cho doanh nghiệp. Jakarta đã đảm bảo được một số hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển. Mặc dù không lớn như hy vọng, chẳng hạn tiền để xây dựng thủ đô mới, nhưng nói chung cũng đáng kể", ông Ahmad Rizky M Umar nhận xét với Tuổi Trẻ.

Indonesia đã có được vài thành công bước đầu, một trong số đó là ra mắt Quỹ ứng phó đại dịch toàn cầu trị giá 1,4 tỉ USD và có thể tăng thêm để giúp các nước thu nhập thấp/trung bình chuẩn bị cho đại dịch kế tiếp.

"Có thông tin họ đã đạt được đồng thuận về dự thảo thông cáo chung rồi, nhưng các lãnh đạo vẫn chưa duyệt thì mọi thứ còn mơ hồ lắm. Tôi nghĩ chắc chỉ có tuyên bố của các nhà lãnh đạo thôi, không phải thông cáo chung" - chị Ayu Mandala, điều phối viên của một hãng thông tấn quốc tế tại Indonesia, chia sẻ với Tuổi Trẻ về thông cáo chung, vốn đang được kỳ vọng sẽ là thành công tiếp theo của Indonesia.

Theo giới quan sát, khi thượng đỉnh G20 được tổ chức trong một năm có nhiều sự kiện bất thường và phân cực, việc đạt được các kết quả như trước là khó xảy ra. "Chúng ta không nên kỳ vọng G20 sẽ tạo ra kết quả "bình thường" như những năm trước hay một giải pháp chính trị của G20 cho xung đột ở Ukraine. Tôi nghĩ những thành công nhỏ là điều hợp lý nhất cho Hội nghị G20 năm nay", TS Ahmad Rizky M Umar nhận định.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov: Phương Tây Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov: Phương Tây 'chính trị hóa' tuyên bố G20

TTO - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc phương Tây 'chính trị hóa' tuyên bố chung của G20 khi tìm cách lồng việc lên án vấn đề Ukraine vào tuyên bố, đồng thời nói rằng điều kiện đàm phán của Kiev 'phi thực tế'.

DUY LINH (từ Bali, Indonesia)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp