07/12/2015 10:19 GMT+7

Hội nghị khí hậu Paris vào thời khắc quyết định

NGUYỄN QUÂN
NGUYỄN QUÂN

TT - Hôm nay, bộ trưởng 195 quốc gia tham gia đàm phán về thỏa thuận liên quan biến đổi khí hậu bắt đầu làm phần việc của mình, thay thế cho các nhà đàm phán vừa hoàn thành công việc.

Nhà hoạt động môi trường tham gia biểu tình ở Montreuil, gần Paris ngày 5-12 - Ảnh: Reuters
Nhà hoạt động môi trường tham gia biểu tình ở Montreuil, gần Paris ngày 5-12 - Ảnh: Reuters

Làn gió lạc quan đã xuất hiện tại Hội nghị khí hậu Paris sau khi bản dự thảo Hiệp định toàn cầu về chống biến đổi khí hậu được trình lên chủ tịch của COP21 là Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đúng thời hạn trưa 5-12. Đó là một bước được đánh giá là then chốt.

“Khoa học đã chỉ ra cho chúng ta thấy rằng chúng ta chỉ còn cửa hành động rất nhỏ
Bà Christiana Figueres (phụ trách mảng khí hậu của Liên Hiệp Quốc)

Le lói hi vọng

Giờ đây 195 quốc gia phải vượt qua những lợi ích riêng để có thể kịp đạt đến thỏa thuận chính thức vào ngày 11-12. “Tôi kêu gọi quý vị hãy thể hiện khả năng vượt qua những lợi ích vùng, quốc gia...

Cuộc đàm phán vẫn chưa kết thúc và thậm chí nó đang bước vào giai đoạn then chốt, đây là thời điểm có thể xuất hiện điều tốt nhất nhưng điều tồi tệ nhất cũng có thể xảy ra” - Tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố nhân một sự kiện bên lề tổ chức ở trung tâm hội nghị tại Bourget, ngoại ô Paris.

Theo lời Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, bản dự thảo thông qua ngày 5-12 là “một bước tiến bộ” nhưng “còn phải đào sâu và cụ thể hóa nó”.

Ông hi vọng bản dự thảo sẽ được hoàn thiện vào ngày 10-12 để có thể thông qua ngày 11-12. Đó là một việc không dễ dàng, như ông đã cảnh báo tại một phiên họp toàn thể: “Chúng ta chỉ còn vài ngày trong khi còn cả một núi công việc”.

Bà Laurence Tubiana, nhà đàm phán của phía Pháp, giải thích rõ hơn: “Chúng tôi có một đề cương đàm phán mới được các bên chấp nhận. Giờ đây phải viết tiếp phần diễn giải cho nó”.

Bản dự thảo được các nhà đàm phán thông qua sau một tuần làm việc miệt mài dài 48 trang và vẫn còn chứa đựng nhiều kịch bản mà các nhà chính trị sẽ phải bàn thảo bắt đầu từ hôm nay để đi đến một thỏa thuận chung toàn cầu.

Bà Laurence Tubiana nhấn mạnh: “Những vấn đề chính trị lớn vẫn còn đó và cần thảo luận. Chúng ta phải vận dụng hết năng lực, trí thông minh, khả năng thỏa hiệp, khả năng nhìn xa để có thể đạt đến kết quả mong muốn”.

Ông Nozipho Mxakato-Diseko, đại biểu của Nam Phi đang làm chủ tịch của nhóm 134 quốc gia đang phát triển (G77 + Trung Quốc), trấn an dư luận: “Nelson Mandela từng nói: trông có vẻ không thể làm được nhưng rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đấy”.

Còn đại biểu của Trung Quốc Su Wei cho rằng các nhà đàm phán đã quy tụ được “mọi nguyên phụ liệu để thực hiện món ăn. Giờ chỉ là việc nấu nướng”. Nhóm G77 + Trung Quốc cũng hứa “sẵn sàng đàm phán hết lòng trên cơ sở của dự thảo”.

“Thời của những ảo tưởng đã nhường chỗ cho thời của hành động

Diễn viên điện ảnh Mỹ Sean Penn tuyên bố khi tham gia sự kiện Ngày hành động bên lề Hội nghị COP21

Cả núi việc khó

Văn bản dài 48 trang mà các nhà đàm phán vừa đạt được tuy vậy còn rất nhiều điểm mà các bộ trưởng của nhiều nước chưa đạt được sự đồng thuận.

Trong số những điểm chưa đạt được sự nhất trí chung có mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất, có thể giảm xuống mức 1,5oC thay vì 2oC như đặt ra trước đó.

Mục tiêu giảm xuống này hiện đang được hơn 100 nước ủng hộ, gồm cả Pháp và Đức, chứ không chỉ gồm các đảo quốc nhỏ vốn sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên khi nước biển dâng.

Việc tài trợ cho các nước Nam bán cầu để thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như việc phân chia nỗ lực chống biến đổi khí hậu giữa các nước phát triển và đang phát triển vẫn là những điểm khó khăn nhất mà các bộ trưởng sẽ phải giải quyết trong những ngày tới.

Các nước phía Nam muốn hiệp định phải ghi rõ khoản tiền 100 tỉ USD/năm từ nay đến năm 2020 để giúp họ thích ứng với biến đổi khí hậu chỉ là một bước khởi đầu.

Trong khi đó, các nước Bắc bán cầu không muốn chỉ có họ bỏ tiền ra. Những quan điểm này đã gặp sự phản đối của các nước phát triển, trong đó yêu cầu các nước giàu phải thực hiện đúng cam kết.

Các đại biểu và các tổ chức phi chính phủ đặc biệt tỏ ra quan ngại về mức độ công việc phải hoàn thành. Bà Tasneem Essop, thuộc Tổ chức Quỹ thiên nhiên hoang dã, đánh giá: “Đó sẽ là cuộc chạy nước rút thật sự cho các bộ trưởng nếu họ muốn đạt được một thỏa thuận vững chắc từ nay đến thứ sáu”.

Còn ông Miguel Arias Canete, nhà đàm phán của Liên minh châu Âu, nhận định: “Cứ thẳng thắn với nhau: tất cả các vấn đề chính trị khó khăn đều chưa giải quyết được. Tuần lễ này sẽ là tuần lễ của thỏa hiệp”.

Nhưng chính vì lý do phải đạt được thỏa thuận bằng mọi giá nên cũng có những cảnh báo cho rằng các chính trị gia có thể thỏa hiệp để đạt đến một thỏa thuận với các chỉ tiêu thấp hơn.

Giờ đây thành công hay thất bại của hội nghị đặt lên vai trò điều phối của nước chủ nhà Pháp, đặc biệt là Ngoại trưởng Fabius kể từ hôm nay khi ông bắt tay vào làm việc với các bộ trưởng.

NGUYỄN QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp