23/09/2017 11:59 GMT+7

'Hội nghị Diên Hồng' ĐBSCL sẽ bàn cụm dân cư vượt lũ

VÂN TRƯỜNG - LÂM HOÀI
VÂN TRƯỜNG - LÂM HOÀI

TTO - Trong hai ngày 26 và 27-9 tại Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì “hội nghị Diên Hồng” đặc biệt quan trọng đối với ĐBSCL.

Hội nghị Diên Hồng ĐBSCL sẽ bàn cụm dân cư vượt lũ - Ảnh 1.

Trẻ em vui chơi bên cạnh những ngôi nhà bỏ hoang ở tuyến dân cư Cà Dăm, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An - Ảnh: Vân Trường

Hàng loạt vấn đề lớn liên quan đến sinh kế của người dân, trong đó có cụm dân cư vượt lũ, sản xuất nông nghiệp, hạ tầng giao thông - thủy lợi, cơ chế điều phối nguồn nhân lực và ngân sách trung ương... sẽ được các chuyên gia quốc tế và VN thảo luận để giúp Chính phủ đưa ra những quyết sách đột phá nhằm phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Hội nghị Diên Hồng ĐBSCL sẽ bàn cụm dân cư vượt lũ - Ảnh 2.

Đồ họa: VIỆT THÁI

Ông Trần Hữu Hiệp (ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ):"An cư" nhưng không "lạc nghiệp"

Hội nghị Diên Hồng ĐBSCL sẽ bàn cụm dân cư vượt lũ - Ảnh 3.

Ảnh: C.QUỐC

Sau hơn 15 năm thực hiện cho thấy chương trình xây dựng các cụm - tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL là một chủ trương đúng. 

Nó không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mà còn mang tính nhân văn sâu sắc vì đã giúp hơn 200.000 hộ với hơn 1 triệu dân vùng ngập lũ có chỗ ở an toàn.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận những tồn tại, hạn chế đã và đang xảy ra. 

Thứ nhất, việc chọn vị trí đầu tư xây dựng các cụm - tuyến dân cư chưa phù hợp, có biểu hiện chạy theo phong trào xây dựng và tiến độ. 

Hai là việc đầu tư "cắt khúc", hạ tầng giao thông, thương mại, điện, trường học, các thiết chế văn hóa không đồng bộ, chưa đảm bảo môi trường sống lâu dài, bền vững. 

Và đặc biệt là phát triển sinh kế cho người dân tại nơi ở mới chưa được chú trọng đúng mức. Đó là lý do nhiều người dân không vào ở hoặc xây dựng nhà xong không ở.

Một không gian sống mới của người dân cần phải được đảm bảo 2 điều kiện là "phần cứng" (hạ tầng kỹ thuật, nhà ở) cho an cư, nhưng "phần mềm" (sinh kế, thu nhập, học hành cho con cháu, sinh hoạt văn hóa, tinh thần) cho lạc nghiệp còn quan trọng hơn. 

Vì vậy, hệ quả là còn nhiều người nghèo vùng lũ chưa được hưởng lợi từ chính sách này và sự lãng phí nguồn lực đầu tư.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi (phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng):

Đề xuất chấp thuận mua bán lô nền

Để xử lý tình trạng cụm - tuyến dân cư ít người ở hoặc có tình trạng nhà bỏ hoang, tháng 12-2016, Bộ Xây dựng đã thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra, rà soát tình hình thực hiện chương trình xây dựng cụm - tuyến dân cư một số địa phương; đồng thời tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành để trao đổi và đề xuất hướng xử lý.

Trên cơ sở ý kiến của các bộ ngành, Bộ Xây dựng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiến nghị thực hiện một số giải pháp như:

- Cho phép địa phương chủ động điều tiết bán đấu giá nền linh hoạt được xây dựng trong giai đoạn 1 và giai đoạn 2 để có kinh phí đầu tư phát triển, duy tu và bảo trì hệ thống hạ tầng của cụm - tuyến.

- Chấp thuận việc mua bán lô nền để xây dựng nhà giữa những người thừa kế của các hộ được nhận lô nền hoặc giữa các hộ nghèo hoặc cận nghèo hoặc chấp thuận công nhận các trường hợp đã nhận chuyển nhượng lô nền hoặc nhà ở tại các cụm - tuyến để tránh tình trạng bỏ trống lô nền.

- Đối với lô nền còn thừa mà không còn hộ thuộc chính sách để bố trí thì cho phép địa phương bán đấu giá để thu hồi vốn xây dựng cụm - tuyến và có thêm nguồn kinh phí duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật của cụm - tuyến dân cư...

Hội nghị Diên Hồng ĐBSCL sẽ bàn cụm dân cư vượt lũ - Ảnh 4.

Đồ họa: N.KH

Tiền Giang: xây nhà ở khu vực đông dân

Ông Trần Phương Nam - phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang - cho biết trong hai giai đoạn chương trình cụm - tuyến dân cư vượt lũ, toàn tỉnh có 125 dự án. Hiện đã có trên 90% hộ dân vào ở, cuộc sống tương đối ổn định.

Theo ông Nam, ngay từ đầu tỉnh quyết định chọn địa điểm xây dựng cụm - tuyến dân cư là ở các khu vực đông dân, gần trung tâm xã, có trường học, trạm y tế, chợ.

Tập quán của người dân nông thôn không muốn đi quá xa nơi họ sinh sống, nên không xây dựng ở nơi đồng trống hoặc quá xa trung tâm xã.

Cũng vì không phải di dời xa và có điều kiện làm thuê làm mướn kiếm sống nên họ "an cư", không đòi trả nhà.

Đồng Tháp: không đưa ra đồng trống nữa

Ông Nguyễn Văn Dương - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - nói một số cụm - tuyến dân cư có tỉ lệ dân vào ở thấp (như ở huyện Tân Hồng) là do trong giai đoạn 1 quy hoạch xây dựng chưa hợp lý, hạ tầng giao thông chưa tốt, không kết nối được với trung tâm xã.

Giai đoạn 2 tỉnh rút kinh nghiệm chỉ xây dựng ở các khu trung tâm nên tỉ lệ dân vào ở cao, chỉ xây dựng ở gần trung tâm chứ không đưa ra đồng trống.

VÂN TRƯỜNG - LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp