Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì “hội nghị Diên Hồng” về giáo dục vùng ĐBSCL sáng 25-5 - Ảnh: THÙY TRANG
Ông Nhạ cho biết hội nghị trao đổi bàn bạc giải quyết bài toán không mới nhưng rất cần có sự đầu tư thêm và đầu tư sâu, đó là phát triển giáo dục ĐBSCL.
Theo Bộ trưởng Nhạ, vùng ĐBSCL trù phú, điều kiện thiên nhiên tốt, là một trong những khu vực tăng trưởng kinh tế trọng điểm. Mặc dù có sự cố gắng trong phát triển kinh tế, quan tâm tới các vấn đề xã hội, trong đó có giáo dục - đào tạo, vùng này vẫn còn nhiều khó khăn, vẫn là "vũng trũng" về giáo dục.
"Vấn đề đặt ra là phải nâng trũng, vun cao cho giáo dục ĐBSCL. Nhưng làm cách nào cần được phân tích kỹ, thấu đáo, đâu là nút thắt do khách quan, đâu là do chủ quan. Nếu không quyết tâm hóa giải những hạn chế của giáo dục thì khoảng cách giữa điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và cung cấp nguồn nhân lực sẽ ngày càng xa. Chúng ta cần bàn tương lai cho giáo dục ĐBSCL trong 5-10 năm tới", ông Nhạ đặt vấn đề
Đại diện tỉnh Long An chia sẻ những khó khăn như nhiều khi chỉ cách một con kênh thôi nhưng để đến trường, các em phải đi một vòng rất xa. Có những điểm trường lẻ chỉ có 18-20 học sinh học nhưng vẫn phải mở cho các em có chỗ học, phải phân bổ giáo viên, trong khi các em không thể hưởng thụ những cơ sở vật chất như của điểm chính.
"Chúng tôi thấy rằng việc sắp xếp các trường cần gắn liền với việc xây dựng nông thôn mới và xây dựng hệ thống giao thông", vị này đề nghị.
Lãnh đạo Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Long An “hiến kế” tại hội nghị sáng 25-5 - Ảnh: CHÍ QUỐC
Bà Trần Hồng Thắm, giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho rằng cần có cơ chế cụ thể về việc xác định và điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư cho giáo dục đào tạo theo hướng tăng chi đầu tư cho phát triển, giảm chi thường xuyên (hiện chiếm 82% ngân sách chi cho giáo dục) theo hướng tăng quyền tự chủ, điều chỉnh cơ cấu chi cho các bậc học, ngành học, ưu tiên đầu tư cho các trường mầm non và giáo dục phổ thông.
Còn ông Nguyễn Hùng Nhiên, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hậu Giang, đề xuất có chế độ hỗ trợ cho giáo viên mầm non. Theo ông Nhiên, đây là cấp học cần được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ bởi thời gian làm việc của mỗi cô giáo mầm non không phải 8 giờ như các ngành khác mà thực tế là 10-12 giờ/ngày, lương xuất phát điểm lại thấp.
Ông Nhiên nêu thực tế tại tỉnh Hậu Giang, do đang rất thiếu giáo viên nên một cô phải đảm trách lớp 25-40 trẻ nhưng không có chế độ hỗ trợ thêm. Trong khi theo quy định, lớp 2 buổi hoặc lớp bán trú phải có 2,2 cô/lớp trở lên.
Miền Tây vẫn còn được xem là “vùng trũng” về giáo dục. Trong ảnh: học sinh tỉnh Hậu Giang giờ tan trường - Ảnh: CHÍ QUỐC
Về nhân lực, ông Nhiên đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu cơ chế đặc thù riêng cho ngành giáo dục về vấn đề tinh giản biên chế. Vì hiện nay số học sinh, số lớp đều tăng, số biên chế giáo viên giảm sẽ khó khăn trong thực thi nhiệm vụ của ngành.
"Tinh giản biên chế đúng luật định thì từ năm 2015 đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015. Trung ương cần xem xét lại, bổ sung biên chế cho ngành giáo dục đào tạo, hoặc hợp đồng giáo viên để ngành thực hiện tốt nhiệm vụ", ông Nhiên nói.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết từ đề xuất, gợi ý các giải pháp của các địa phương, bộ sẽ tổng hợp và đề xuất Chính phủ cơ chế đầu tư cho giáo dục ĐBSCL.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cần sự phối hợp của các địa phương, trong đó các địa phương cần thống nhất cơ cấu nguồn chi phù hợp, từng bước nâng trũng cho giáo dục khu vực ĐBSCL.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận