28/06/2015 19:05 GMT+7

Hồi ký Trần Văn Khê: Kỳ 8 - Những cuộc tao ngộ thú vị

GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ
GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ

TTO - Từ sau năm 1976, hàng năm tôi đều về nước ít nhứt một lần. Tháng 3 năm 1977 tôi trở về Việt Nam, vì chưa có đường bay thẳng từ Pháp về Sài Gòn nên tôi phải ghé Hà Nội mặc dầu lần này do trong Nam mời.

GS Trần Văn Khê (phải) với nhạc sĩ Văn Cao năm 1987

Tại Hà Nội tôi được gặp chủ tịch Tôn Đức Thắng, mà tôi vẫn kêu bằng anh Hai vì cụ là chồng của chị Hai Oanh, một người bà con sống cùng làng với gia đình tôi. Đêm biểu diễn giới thiệu ra mắt vở đại ca kịch A Sao tại Nhà hát lớn, bác Tôn có đi dự và tôi cũng được mời. Khi vãn hát, anh Đỗ Nhuận là tác giả vở kịch tới chào rồi nhân đó thưa với bác:

- Báo cáo Chủ tịch, hôm nay có anh Trần Văn Khê là nhà nghiên cứu âm nhạc về nước.

Tôi giựt mình vì đó là lần đầu tiên nghe chữ “báo cáo”. Bác Tôn quay lại thấy tôi bèn hỏi:

- Ủa, em về hồi nào?

- Thưa được vài bữa rồi.

- Vậy tới chỗ anh Hai đi, gặp lại bà con, có chị Hai, cháu Hạnh (con gái bác Tôn), bây giờ nó có cháu ngoại rồi.

Tôi thưa:

- Dạ tùy theo giờ giấc thuận tiện của Chủ tịch em xin tới thăm.

Bác cười:

- Đừng có kêu vậy, anh Hai thì kêu anh Hai.

Ngay sáng hôm sau có xe đón tôi đến nhà bác. Gặp tôi bác nói:

- Đừng lên nhà trên, anh Hai thích ở nhà dưới hơn, mặc pyjama ăn sáng cho khỏe.

Hàn huyên xong hai anh em chụp một tấm ảnh kỷ niệm mà tôi vẫn còn giữ cho đến nay.

>> Kỳ 1: Thời thơ ấu

>> Kỳ 2: Lập gia đình

>> 

>> 

>> 

>> 

>> Kỳ 7: Quy cố hương

>> 

Rời Hà Nội vào Nam tôi lại gặp thêm những chuyện thú vị khác. Tại Sài Gòn có tổ chức liên hoan ca nhạc Cải lương tài tử qui tụ những nghệ sĩ kỳ cựu trong Nam. Ngoài ra còn có những diễn viên các đoàn cải lương miền Bắc tham dự và cả những nghệ sĩ miền Nam tập kết ra Bắc trở về.

Tôi đề nghị Ban tổ chức mời nhạc sư Vĩnh Bảo tham dự liên hoan nhưng anh còn ngần ngại vì cảm thấy chưa hoàn toàn hòa nhập với xã hội mới. Cuối cùng anh Vĩnh Bảo nhận lời với tất cả sự e dè và yêu cầu người giới thiệu anh trong liên hoan phải là tôi. Theo chương trình, khi nhạc hội bế mạc, Ban tổ chức trao tặng giấy chứng nhận ghi lời cám ơn cho những người tham dự để làm kỷ niệm, anh Vĩnh Bảo cũng đề nghị tôi trao cho anh. Anh Lưu Hữu Phước rất cảm thông và đồng ý làm theo những yêu cầu của anh Vĩnh Bảo.

Hôm đó anh Vĩnh Bảo đờn hết sức xuất sắc. Khi kết thúc chương trình, như đã giao ước tôi trao tờ giấy chứng nhận cho anh. Bất ngờ anh Vĩnh Bảo gục vào vai tôi bật khóc nức nở, tôi xúc động ôm anh, anh Lưu Hữu Phước chứng kiến cảnh này cũng thấy mủi lòng.

Một cuộc gặp gỡ thú vị khác là tôi tiếp xúc được với những nhân vật kỳ cựu của hát bội như bà Năm Đồ, cô Ba Út và anh Thành Tôn. Viện Nghiên cứu Âm nhạc mời ba nghệ sĩ này đến trụ sở để cho tôi chụp ảnh và ghi âm những điều cần biết trong nghệ thuật hát bội miền Nam. Anh Thành Tôn cắt nghĩa cho tôi hiểu rõ những nguyên tắc trong vũ điệu: thế nào là “tay trắng tay đen”, phong cách “trụ bộ trống chiến”, “gian quay xỏ néo” đặc trưng của bộ múa, có trên có dưới, có đông có tây, có đầu có đuôi, tay đâu mắt đó... cùng những danh từ chuyên môn trong hát bội.

Rồi anh em hát bội cũng như sân khấu cải lương mời tôi nói chuyện về hát bội và cải lương. Tôi từ chối:

- Làm sao tôi rành những bộ môn kịch nghệ truyền thống bằng các anh chị!

- Nhưng chúng tôi muốn nghe người không phải trong nghề mà hiểu và thưởng thức được rồi nói về nghề nghiệp của chúng tôi, như vậy mới thú vị hơn.

Tôi lâm vô cảnh phải múa rìu qua mắt thợ, cũng giống như việc tôi nói chuyện tụng kinh cho các nhà sư nghe trước đây. Nhưng rõ ràng không phải tự ý tôi muốn làm mà do sự yêu cầu thiết tha của các anh em trong nghề khiến tôi không thể từ chối.

Sau hai tháng lưu lại trong nước, tháng 5 tôi trở về Pháp và nhận được giấy mời dự đại hội của Hội đồng Quốc tế Âm nhạc Dân gian tổ chức tại Honolulu (Mỹ) vào tháng 8. Đồng thời trường Đại học Berkley gần thành phố San Francisco cũng mời tôi tham dự một hội thảo quốc tế về âm nhạc cùng tổ chức trong thời gian này.

Tại Honolulu, tôi nói chuyện về sinh hoạt âm nhạc Việt Nam ngày nay, minh họa bằng băng cassette ghi âm trích đoạn ca trù, chèo, quan họ, đồng thời chiếu hình dàn nhạc dân tộc, dàn nhạc chèo. Những nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam tại Mỹ rất thú vị nói với tôi:

- Cũng nhờ ông về nước thâu thập những hình ảnh đó mà chúng tôi mới có khái niệm về sinh hoạt âm nhạc của dân tộc Việt Nam ngày nay.

Tôi cũng đưa ra tập kỷ yếu của những cuộc hội nghị về quan họ tổ chức ở Bắc Ninh trong đó có mấy chục bài tham luận về quan họ. Những nhà nghiên cứu trên thế giới đều tiếc không có những bản dịch bằng tiếng Anh để họ tham khảo.

Từ Honolulu tôi bay qua thành phố San Francisco để dự một hội nghị khác về âm nhạc tại Đại học Berkley. Khi tôi tới Berkley nhiều bạn bè ở khắp các bang tại Mỹ gọi điện thoại hỏi thăm, chẳng hạn như Phạm Duy lúc đó đang ở Florida, hay Nguyễn Thành Nguyên, một người bạn ở Hà Nội trước đây nay làm giáo sư ở San Francisco. Tôi cũng được mời đi dự một buổi hòa nhạc ở Los Angeles, không ngờ được gặp lại rất nhiều người quen tại đây như nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, nhạc sĩ Lữ Liên, nghệ sĩ cải lương Việt Hùng.

Đến tháng 10 tôi qua Tiệp Khắc dự hội nghị của Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO nhân ngày Quốc tế Âm nhạc. Dịp này có cả anh Lưu Hữu Phước đại diện Việt Nam qua tham dự.

Tôi được mời trình bày âm nhạc Việt Nam, như thường lệ tôi mặc áo dài khăn đóng. Anh Lưu Hữu Phước nói nhỏ với tôi:

- Khê ơi, qua mấy nước tư bản muốn bận sao cũng được chớ ở đây là nước xã hội chủ nghĩa, Khê bận vậy người ta nói mình phong kiến.

Tôi không đồng ý:

- Phong kiến là tại cái đầu của mình chớ không phải tại bộ đồ. Khi ra giới thiệu âm nhạc mà mặc quốc phục thì chưa cần nói người ta đã thấy dân tộc Việt Nam rồi. Còn nếu mặc đồ Tây phải sau một hồi người ta mới nhận ra tôi nói về âm nhạc Việt Nam.

- Bộ mặc đồ Tây đờn không hay bằng áo dài khăn đóng sao?

- Dầu không hay hơn đi nữa thì cái vẻ bên ngoài cũng ủng hộ cho cái bên trong vì thông thường nghệ thuật phải toàn diện. Chẳng hạn như trong nghệ thuật uống trà, tại sao không uống bằng ly giấy, không dùng tô mà phải chọn chén thiệt nhỏ? Tại sao rượu champagne phải uống với đúng loại ly của nó mới thấy ngon? Tiếng đờn cũng vậy, khi nghệ sĩ biểu diễn mặc áo dài khăn đóng trang trọng tự nhiên người nghe cũng cảm nhận tiếng đờn hay hơn. Thành ra dầu ai nói gì thì nói tôi nhứt định bận quốc phục.

Anh Phước có cái lý của anh, xuất phát từ tình cảm của một người bạn nên muốn nhắc nhở tôi. Tuy nhiên tôi vẫn giữ quan điểm của mình, hễ nơi nào không cho tôi mặc áo dài khăn đóng là tôi không đờn. Rốt cuộc buổi hòa nhạc hôm đó thành công và không ai có ý kiến gì về quốc phục của tôi.

Năm 1978 tôi về nước theo lời mời của Viện Nghiên cứu Âm nhạc, do đó toàn bộ chương trình làm việc và các cuộc tiếp xúc của tôi tại đây đều do Viện Âm nhạc sắp xếp. Tôi có nhiều buổi nói chuyện ở Trường Âm nhạc, các trường trung học phổ thông và trường Đại học Tổng hợp.

GS Trần Văn Khê, GS - nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và GS - nhạc sĩ Tô Vũ (từ trái qua) tại Viện Nghiên cứu âm nhạc năm 1982 - Ảnh: tư liệu

Ngoài ra năm 1978 cũng là năm đầu tiên có cuộc liên hoan để chuẩn bị cho Đại hội âm nhạc của dân tộc ít người tại Buôn Ma Thuột. Anh Lưu Hữu Phước mời tôi tham dự, nhờ đó tôi mới biết Buôn Ma Thuột theo tiếng địa phương có nghĩa là “làng của cha mẹ người tên Thuột”, chớ trước kia tôi vẫn kêu theo cách gọi của người Pháp là Bam Mê Thuột.

Tôi gặp tất cả các đoàn ca múa của dân tộc MNông, Êđê, Gia Rai..., nói chuyện với các anh chị em, chụp hình những nhạc cụ và ghi âm nhiều bài hát trữ tình. Tôi thật ngạc nhiên khi nhận ra âm nhạc Tây Nguyên phong phú và lãng mạn vô cùng. Chẳng hạn anh Kpa Ylang dịch cho tôi nghe nội dung lời chàng trai nói với người yêu trong một bài hát đối ca nam nữ:

Chúng ta yêu thương nhau mà lại ở cách một con sông
nhưng con sông này còn có thể qua được
khó nhứt là cha mẹ không ưng thuận
cho chúng ta cưới nhau
Trước bao khó khăn trong cuộc đời này
ước gì chúng mình được làm đôi chim bay bổng
trên trời cao
để không có con sông nào chia cách
không có uy lực nào ngăn cản chúng ta đến với nhau

Bài tình ca đẹp làm sao, không phải chỉ vì các âm thanh hòa quyện vào nhau với giọng cao giọng thấp mà ý nhạc lời ca gây xúc động trong tâm hồn. Tôi bàn với Kpa Ylang tìm cách tập trung những bài ca này dịch ra tiếng Việt rồi in thành sách để phổ biến âm nhạc Tây Nguyên. Kpa Ylang gốc người dân tộc Banar có tên Việt Nam là La Mai Chững, một người nghiên cứu rất sâu sắc văn hóa Tây Nguyên.

Thời kỳ này ở Buôn Ma Thuột có phong trào khuyến khích người Thượng thay đổi tập quán ăn mặc giống như người ở đồng bằng, mặc quần áo thay vì quấn khố. Một buổi tối gặp tôi, vài người trong đoàn ca múa nói:

- Biểu bận quần thì tôi đờn không hay, chỉ khi bận khố tôi đờn mới hay.

Tôi đem chuyện này nói với anh Lưu Hữu Phước:

- Theo tôi, khuyến khích họ bận quần áo là một việc các bạn cho là tốt, nhưng riêng người nghệ sĩ nên để cho họ được thoải mái khi biểu diễn chớ không nên bó buộc họ.

Anh Phước thông cảm:

- Phải rồi, khi biểu diễn thì họ cứ ăn mặc tùy theo ý thích của mình.

Vì vậy lần đó các nhạc công đều bận khố trên sân khấu và quả nhiên họ biểu diễn rất hay.

Trong chuyến đi Tây Nguyên tôi được dịp thấy tận mắt, nghe tận tai, chụp rất nhiều ảnh màu các nhạc cụ, xiêm y và cảnh sinh hoạt của các đồng bào miền núi, làm phong phú thêm vốn hiểu biết của tôi về âm nhạc dân tộc.

Trở về Sài Gòn, có ba nơi hết sức đặc biệt, không liên quan gì đến chuyên môn của tôi nhưng lại gởi thơ tới Viện Nghiên cứu Âm nhạc đề nghị tôi đến nói chuyện. Đó là Trường Phục hồi nhân phẩm, nơi tập trung những người trước đây bán phấn buôn hương nay được đưa vào học nghề rồi sẽ được trở về xã hội để làm lại cuộc đời. Nơi thứ hai là Trung tâm cai nghiện ma túy và cuối cùng là Trại thanh niên phạm pháp ở Xuyên Mộc. Tôi đồng ý nhận lời tới nói chuyện tại cả ba nơi này.

Tám giờ sáng ngày 5/4/1978, xe của Viện Nghiên cứu Âm nhạc đưa tôi lên Thủ Đức, dự kiến tới nhà trường khoảng tám giờ rưỡi để nói chuyện đến 11 giờ. Nhưng dọc đường xe bị hư phải chờ sửa chữa, đến mười giờ rưỡi mới lên tới nơi. Lúc đó đã gần tới giờ cơm trưa, Ban giám hiệu bèn hỏi ý kiến các học viên nên chờ sau giờ cơm hay là nghe tôi nói chuyện ngay, mọi người yêu cầu nghe trước rồi ăn cơm sau.

Tôi nói chuyện về đề tài âm nhạc trong môt tiếng đồng hồ, sau đó một cô tên là Nguyễn Thị Kim thay mặt toàn thể học viên lên nói đôi lời. Cô mở đầu bằng câu:

- Thưa chú, cho phép cháu gọi là “chú” chớ không gọi là “giáo sư”, bởi vì giáo sư thì phải nói chuyện trong trường đại học hay trường âm nhạc, chớ hiếm có giáo sư nào chấp nhận tới những nơi như thế này. Đã đồng ý tới nơi đây nói chuyện phải là người nhân ái, vì vậy xin cho phép cháu được xưng hô như trong chỗ tình thân.

- Khi biết Ban giám hiệu gởi thơ mời chú tới trường, chị em ở đây không tin rằng chú nhận lời, vì vậy nghe tin chú sẽ đến đây chị em rất bất ngờ. Đến sáng nay chờ hoài không thấy chú lên thì cũng không ai ngạc nhiên vì nghĩ rằng mặc dầu chú nhận lời nhưng sau đó có thể viện lý do bận bịu này kia để không tới.

Đó cũng là lẽ thường tình và chị em ở đây cũng không lấy thế mà phật lòng. Do đó khi chú tới thật chị em rất lấy làm lạ. Đến khi nói chuyện thì chú đưa mọi người từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Chú không đề cập những chuyện xa xôi mà chỉ nói chuyện ngay trong đất nước Việt Nam, bằng lời lẽ mộc mạc quen thuộc của người dân Nam bộ.

Khi chú cất lên một câu hát ru, xin thưa thật với chú cháu đã nghẹn ngào chảy nước mắt, tưởng chừng như nghe lại tiếng mẹ mình ru con ngày xưa. Khi chú hò thật giống y như bà con anh em chúng cháu ở nhà quê cất giọng hò. Hơn 20 năm nay cháu chưa hề có dịp nghe lại lời ru giọng hò và câu chuyện chú nói nãy giờ đã đưa tụi cháu trở về quê hương nguồn cội.

- Hôm nay sau khi nghe chú nói chuyện, chị em nhờ cháu đại diện để nói lời cám ơn. Thưa chú, lời cám ơn suông không đủ mà phải cám ơn bằng hành động. Vì vậy cháu thay mặt chị em ở đây mà hứa rằng năm sau khi trở về nước chú sẽ không còn gặp chúng cháu tại nơi này nữa. Mỗi người trong chúng cháu sẽ cố gắng học cho được một nghề để rồi trở về sống cuộc đời bình thường trong xã hội: đó là cách mà chúng cháu cám ơn chú.

Tôi ngồi nghe mà chảy nước mắt, lòng xúc động không thể tả. Tôi không tưởng tượng được cô gái này có thể nói một cách suôn sẻ, mạch lạc, tự nhiên và chân tình đến như vậy. Tôi ra về lòng thấy ấm áp, hy vọng biết đâu trong số chị em nơi đây sẽ có nhiều người cùng một suy nghĩ như cô Kim, thực hiện lời đã hứa để khi trở về trong xã hội sẽ làm lại cuộc đời và quên đi một quá khứ không mấy tốt đẹp.

Sau khi ăn cơm tại nhà trường, một giờ trưa tôi đi tiếp đến Trung tâm cai nghiện ma túy. Các bác sĩ vui mừng đón tiếp, hướng dẫn tôi đi thăm bệnh nhân và giải thích cách điều trị đặc biệt theo phương pháp riêng khá hiệu nghiệm của Việt Nam.

Các anh nói vui rằng gọi là “phương pháp đặc biệt” không phải vì mình giỏi hơn người mà chỉ vì nghèo hơn người! Thông thường những nơi cai nghiện áp dụng phương pháp dùng thuốc đặc trị thay thế chất ma túy, giảm lần lần lượng thuốc sử dụng mỗi ngày để bệnh nhân khỏi bị “sốc”.

Nhưng lúc bấy giờ thuốc men rất thiếu thốn, Trung tâm buộc lòng phải cho bệnh nhân cai liền tức thì. Thật không có gì kinh khủng cho bằng khi lên cơn ghiền mà không có thuốc, người bệnh quằn quại, lâu lâu lại giựt bắn người, mồ hôi tuôn đầm đìa trông vô cùng thiểu não. Các bác sĩ nói:

- Chúng tôi chỉ có cách điều trị duy nhứt là châm cứu vào các huyệt để hạn chế bớt cơn ghiền đang hành hạ bệnh nhân. Ngoài ra chúng tôi áp dụng một phương cách mà có lẽ ít nơi nào làm, đó là dùng tình thương để xoa dịu. Chúng tôi ôm người bệnh vô lòng, lấy khăn lau mặt, nói những câu vỗ về: “Cố gắng đi em, rồi nó sẽ qua”. Cách làm này rất hiệu nghiệm, khi nghe những lời nói trìu mến, được sự vỗ về của bác sĩ, người bệnh đang vật vã mau chóng qua cơn.

Tại đây tôi cũng nói chuyện về âm nhạc, sau khi nghe xong các em đặt câu hỏi:

- Giáo sư ở bên Pháp chắc biết được cách người ta áp dụng để cai ma túy, nghe nói họ chỉ toàn sử dụng thuốc tây phải không?

Tôi thừa nhận đúng như vậy thì các em than phiền:

- Vậy mà ở đây trị toàn bằng cam thảo, rễ tranh, hà thủ ô, toàn các thứ lá với rễ cây không thôi, chẳng biết có hiệu nghiệm hay không!

Tôi trả lời:

- Nghe các em nói vậy tôi nhớ tới một chuyện khác. Khi ở bên Tây, có người bạn Pháp hỏi tôi: “Anh sống ở đây đã lâu, anh nhận xét thế nào về cách ăn uống của chúng tôi?”. Tôi trả lời rằng mỗi dân tộc có cách ăn khác nhau, tôi không dám phê bình cách ăn của người Pháp mà chỉ nói về cách ăn của người Việt Nam. Theo tôi người Việt Nam ăn một cách toàn diện, khoa học và dân chủ.

- Chúng tôi ăn trước hết bằng mắt, thức ăn phải bày biện cho đẹp. Thứ nhì là ăn bằng mũi, sử dụng những gia vị rất nồng như nước mắm, rau thơm, cà cuống, cho tỏa mùi thơm ngào ngạt. Thứ ba là chúng tôi ăn bằng xúc giác, thức ăn gắp bỏ vô miệng phải gồm nhiều dạng: dai dai của thịt, mềm mềm của bún, giòn rụm của bánh tráng, hoặc có thêm đậu phộng rang, hành ngò cho thơm. Cuối cùng thì tai phải nghe tiếng nhai giòn rụm, bẻ bánh tráng rốp rốp, húp sùm sụp, có vậy ăn mới thấy khoái. Đó chính là cách ăn toàn diện.

- Kế đến, tôi nói rằng người Việt Nam ăn một cách khoa học, bởi vì thông thường mặn là dương, chua và ngọt là âm, vì vậy nước mắm mặn nên phải pha thêm đường mà nấu chè thì phải dằn chút muối. Kho thịt, kho cá bao giờ cũng có bỏ đường, món nào chua thì chấm với muối.

Ngược lại, ở bên Pháp khi ăn bưởi chua các bạn lại cho thêm đường, tôi ăn không thấy ngon. Đường là âm mà bưởi chua cũng là âm thành ra “âm thịnh dương suy”, các bạn ăn như vậy có thể dễ bị bịnh hơn chúng tôi. (Thỉnh thoảng sau đó vài người bạn Pháp của tôi bắt chước cách ăn món chua bỏ vô chút muối và nói rằng cảm thấy ngon hơn).

Ngoài ra chúng tôi còn phân biệt nhiệt với hàn, cá trê, thịt vịt, cua đinh là món hàn phải ăn với nước mắm gừng là món nhiệt. Người Việt Nam không đưa ra nguyên tắc hay phương pháp nào trong ăn uống, nhưng nếu xem xét kỹ thì thấy rằng rất phù hợp với khoa học.

- Cuối cùng tôi cho là chúng tôi ăn dân chủ vì thức ăn dọn hết trên bàn, ai thích món gì ăn món nấy. Còn người Pháp thì, xin lỗi bạn, tôi không ưa món khoai tây tán mà nhiều khi đến nhà bạn bè dọn cho tôi một dĩa, nếu không ăn là bất lịch sự nên tôi bắt buộc phải ăn chớ không được quyền lựa. Trong khi đó nếu dọn ra hết trên bàn, món nào không ưa tôi không gắp, hạp khẩu vị thì gắp thêm.

Kể xong chuyện này tôi kết luận:

- Tôi nói như vậy để các em thấy rằng không phải cái gì phương Tây cũng hay hơn mình. Họ có cách điều trị của họ, còn mình trị theo điều kiện của mình. Vấn đề là xét xem những vị hà thủ ô, cam thảo mà chúng ta đang sử dụng ở đây có đem lại kết quả hay không? Các em nên so sánh tình trạng của mình lúc mới vào đây với hiện nay, sau một thời gian chữa trị, nếu thấy tiến bộ tức là thuốc có hiệu nghiệm. Không nhứt thiết phải có thuốc của phương Tây điều trị mới là tốt, chúng ta không nên vọng ngoại.

Mọi người cười vui, chấp nhận chữa trị bằng phương pháp dân tộc và nói rằng sẽ không mang nặng mặc cảm nữa. Trong buổi gặp gỡ này tôi chỉ thuật chuyện vui cho các em nghe chơi, kể chuyện ăn mà kỳ thật là nói về việc uống thuốc, đồng thời đề cập cả về con người và văn hóa Việt Nam, mong các em xóa bỏ được tự ti mặc cảm và tinh thần vọng ngoại.

Nơi cuối cùng tôi đến là Xuyên Mộc. Đường đi xa, vô sâu tận trong rừng. Tôi hình dung trại giam giữ thanh niên phạm pháp phải có lính gác phía trước, tường cao kiên cố, có rào kẽm gai, nên khi tới nơi tôi hơi ngỡ ngàng trước một không gian khác hẳn. Không có người gác ở cổng, vừa vô bên trong, thấy một thanh niên đang đi tới trên tay cầm dao mác tôi cũng hơi e ngại, nghĩ rằng hẳn người này đã từng giết người mặc dầu cậu vừa đi vừa hát nghêu ngao. Nhìn quanh tôi không thấy tường cao, hàng rào kẽm gai, chỉ có một sân khấu lộ thiên rất lớn ở chính giữa. Tôi hỏi sân khấu để làm gì thì được trả lời:

- Mỗi cuối tuần chúng tôi tổ chức văn nghệ, diễn kịch và hát cho nhau nghe tại đây. Thỉnh thoảng cũng mời những đoàn ca nhạc ở thành phố lên diễn cho mọi người xem.

Tôi vừa bất ngờ vừa bồi hồi xúc động. Một hồi chuông reng lên, mọi người tụ họp lại đón chào khách mới đến. Trước tiên, tôi được đưa đi thăm trại ở gồm nhiều gian nhà, mỗi gian dành cho mười người với chỗ ngủ riêng biệt, từng phòng tự cử ra một người chỉ huy. Nam nữ ở hai dãy riêng, bên dãy nữ thấy một cô da đen nhánh, tôi hỏi thăm mới biết cô là người Ấn Độ lai, vì phạm tội giết người nên bị đưa về đây.

Thấy một nhóm các em cầm dao mác đi ngoài sân, tôi thắc mắc và được cho biết các em đi trồng trọt, tự chăm bón đủ các loại rau trái để cung cấp cho bữa ăn hàng ngày, rồi còn đi đốn cây chặt lá trên rừng. Các em nói rằng lúc đầu mới lên đây cũng được canh giữ rất nghiêm ngặt. Sau một thời gian khi Ban quản giáo đã giải thích để các em hiểu việc đưa các em lên đây không phải để trừng phạt mà là cải hóa, rèn luyện cho các em một nếp sống khác, từ đó các em có thay đổi trong suy nghĩ mà kỷ luật trong trại cũng lần lần được nới lỏng. Tôi rất ngạc nhiên bởi từ trước tới nay chưa bao giờ thấy một trại giam như vậy. Các em nghe tôi nói chuyện âm nhạc mà vui cười rất thoải mái.

Được dịp tới nói chuyện ở những nơi đó tôi hết sức vui khi nghĩ rằng tiếng nói của mình không chỉ để dạy học trò hay đến với những ai tha thiết muốn học hỏi hoặc những người muốn tìm hiểu vì hiếu kỳ. Ngoài ra còn có những người tuy không quan tâm đến âm nhạc, nhưng khi được nghe lời ca tiếng nhạc cổ truyền êm ái và dịu dàng, tự nhiên tâm hồn họ trở về gắn bó với quê hương, với văn hóa của dân tộc.

Nghĩ lại tôi mới thấy lời nói chơi lâu nay của mình vậy mà thành thiệt. Tôi thường cho rằng mình không chỉ nói chuyện âm nhạc mà là “giảng đạo nhạc”, giúp người khác tìm ra một con đường đi: vì đạo chính là con đường chớ không phải chuyện gì cao xa. Tôi rất tự hào được làm một người giảng đạo nhạc. Nhờ những chuyến đi này mà tôi nghe được lời nói chân tình của cô Kim, giải tỏa được phần nào thắc mắc của các em đang cai nghiện ma túy về phương thuốc điều trị và nhận thức được nơi họ tới không phải là chốn rừng thiêng nước độc mà là nơi họ tìm thấy lẽ sống một cách xứng đáng trong cuộc đời.

Trở về Paris, đầu tháng 8 tôi lại tới thành phố Dresden (Đông Đức) dự cuộc gặp gỡ do Hội đồng Quốc tế Âm nhạc Dân gian tổ chức hội thảo về đề tài “Điệu thức trong âm nhạc”.

Sang tháng 9 tôi đại diện cho UNESCO qua Ấn Độ dự hội nghị tại tỉnh Hyderabad. Chuyến đi này tôi gặp rất nhiều rắc rối!

Trước đó bạn tôi là ông Menon đang giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Ca vũ nhạc Ấn Độ tại Bombay, mời tôi sau khi đến Hyderabad sẽ lưu nói chuyện tại Trung tâm của ông, sau đó sẽ giới thiệu âm nhạc Việt Nam trên Đài Truyền hình Bombay.

Máy bay của Hãng Hàng không Pháp (Air France) từ Paris đến Hyderabad phải ghé qua thủ đô Téhéran của Ba Tư để lấy nhiên liệu, sau đó quá cảnh tại New Delhi rồi tôi phải đổi đường bay, đi máy bay nội địa xuống tỉnh này. Nhưng khi máy bay vừa đáp xuống phi trường Téhéran thì bỗng nhiên phát cháy, tôi ngồi ngay cửa sổ nên nhìn thấy rõ ngọn lửa bùng lên ở chỗ bánh xe chạm đất. Cô tiếp viên hàng không trấn an mọi người:

- Xin quí vị đừng lo sợ, sẽ có xe chữa lửa tới ngay. Trong trường hợp nguy cấp hành khách sẽ được xuống bằng cửa thoát hiểm phía sau.

Tôi bình tĩnh lấy hành lý xách tay đầy đủ và chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để rời khỏi máy bay. Xe chữa lửa hú còi inh ỏi ào ào chạy tới và cuối cùng dập tắt được ngọn lửa. Cô tiếp viên hướng dẫn hành khách theo cửa sau rời khỏi phi cơ và yêu cầu mọi người nhận lại hành lý vì máy bay phải nằm lại đây để sửa chữa.

Năm đó ở Ba Tư nổ ra cuộc cách mạng Hồi giáo, ông Khomeini vừa lên cầm quyền nên việc kiểm soát tại phi trường rất chặt chẽ. Vì vậy vừa xuống sân bay tất cả hành khách phải nộp hộ chiếu và mỗi người được phát một con số. Tôi cảm thấy e ngại, một lần nữa lại bị “thu hồi hộ chiếu”. Tôi nghĩ mình giờ đây chỉ còn là một con số, trong lòng hết sức băn khoăn không biết liệu họ có giữ hộ chiếu kỹ lưỡng hay không?

Tới khi lấy hành lý thì thêm chuyện rắc rối: hai va li của tôi bị thất lạc! Tôi báo cho nhân viên tại phi trường Téhéran và được trả lời:

- Theo Luật quốc tế nếu ông đi tới nơi đây là trạm cuối mà hành lý bị thất lạc thì mới khai báo với chúng tôi. Trường hợp của ông máy bay chỉ ghé ngang đây để lấy xăng nên chúng tôi không nhận lời khai này. Tới New Delhi ông sẽ khai báo với hãng Air France tại nơi đó.

Vậy là tôi chỉ còn cái túi xách tay với hai cây đờn cò và đờn tranh. May mắn tôi đã cẩn thận để trong túi xách tay một ít tài liệu, tạm thời có thể sử dụng tuy không đầy đủ gồm bài tham luận tại Hyderabad, vài chục tấm hình màu để minh họa khi nói chuyện về âm nhạc Việt Nam tại Bombay cùng với một số dây đờn tranh dự phòng. Ngồi chờ hồi lâu thì được thông báo việc sửa chữa máy bay sẽ phải mất hai ba ngày. Ngay lúc đó không có sẵn máy bay khác để đi tiếp nên hành khách được đưa về ở khách sạn do hãng máy bay đài thọ, chỉ có điều không được phép ra ngoài vì tình hình ở Téhéran chưa được ổn định.

Tôi phải lưu lại đây 24 giờ đồng hồ, hết sức nóng ruột vì sợ trễ ngày khai mạc hội nghị. Hôm sau phi trường Téhéran chuyển hành khách sang chuyến bay khác, nhưng vì không đủ chỗ nên họ xét giải quyết ưu tiên cho những người có công chuyện hết sức quan trọng. Tôi báo với nhân viên phi trường tôi cần đi sớm để dự hội nghị của UNESCO nhưng người này trả lời:

- Ông để từ từ chúng tôi xem xét, ai tới đây cũng nói có việc gấp đòi được ưu tiên hết.

Phải đợi tới khi bạn tôi, ông Ghotbi, giám đốc Đài Truyền hình Téhéran, đến can thiệp thì họ mới giải quyết cho tôi đi vào ngày hôm sau. Tôi tới New Delhi trên chuyến bay của Hãng Pan American, sau đó sẽ phải đổi máy bay nội địa để tới Hyderabad. Tới Delhi đã 11 giờ rưỡi khuya, coi lại cũng không có hai va li của mình, tôi yêu cầu Hãng Pan American chứng nhận việc tôi mất hành lý, nhưng nhân viên hãng này không chịu:

- Ông đi vé của Air France nên họ chịu trách nhiệm chớ không phải chúng tôi.

Tôi hỏi:

- Vậy thì văn phòng của Air France ở đâu?

- Bữa nay nhằm ngày nghỉ không có ai làm việc hết.

- Tôi đi trên máy bay của các ông do đó ông phải có phận sự ghi nhận việc này.

- Chúng tôi không gánh trách nhiệm của Air France.

- Nhưng ít nhứt ông phải chứng nhận là tôi đã mất hành lý sau khi xuống chuyến bay này. Có đền bù hay không là chuyện của Air France, phần ông chỉ ghi nhận việc tôi bị mất hành lý.

Nghe vậy họ mới chịu làm giấy. Khi hỏi thăm tôi biết được tới chiều hôm sau mới có máy bay đi Hyderabad. Lúc đó đã gần 12 giờ khuya, tôi yêu cầu Hãng Pan American:

- Tôi không thể ngồi ở phi trường suốt đêm nay, các ông phải giải quyết cho tôi vô ở tại khách sạn trong New Delhi và đài thọ cả tiền taxi cho tôi, đó là Luật quốc tế.

Nhưng hãng này không đồng ý:

- Đó là trách nhiệm của Air France chớ không phải của chúng tôi.

Còn đang cãi lý qua lại, chợt nhìn thấy văn phòng của Air France bật đèn sáng, tôi bèn qua gõ cửa, nhưng ở đó chỉ có người trực văn phòng, nghe tôi thuật chuyện ông ta nói:

- Việc này không thuộc trách nhiệm của tôi.

Tôi bực mình hỏi lại:

- Vậy là không ai chịu trách nhiệm hết phải không? Tôi sẽ viết một bức thơ về việc Hãng Hàng không Pháp không lo chu đáo cho hành khách khi chuyến bay bị trục trặc kỹ thuật.

Thấy tôi phản ứng mạnh người này bèn đồng ý giải quyết cho tôi về ở khách sạn Ashoka tại Delhi đồng thời cho vé đi taxi không tốn tiền. Qua việc này mới thấy may là tôi biết luật lệ quốc tế lại chịu khó đi tới đi lui, cãi qua cãi lại mới được giải quyết, chớ nếu không chắc là phải ngồi tại phi trường cho tới bữa sau.

Nhưng chuyện rắc rối tới đó chưa chấm dứt! Trong phòng ngủ của khách sạn quốc tế Ashoka không có bàn chải đánh răng cũng không có đồ cạo râu. Thường thì các khách sạn quốc tế đều có bán những thứ này nên tôi hỏi thăm để mua thì được trả lời:

- Tại đây sắp có nạn lụt nên toàn bộ đồ đạc của khách sạn được dời đi nơi khác. Khách chỉ ở tạm tại đây, ông phải lưu ý khi nào chúng tôi gọi điện thoại báo động là phải xuống ngay để được đưa đến vùng cao hơn, chỗ này thấp nước lụt tràn vô là chết.

Quả nhiên khi mở cửa sổ nhìn xuống đường tôi thấy mọi người gồng gánh khuân vác đồ đạc dời đi nơi khác. Tôi đành nằm đó chịu trận, ngủ chập chờn suốt đêm, sáng dậy không có bàn chải đánh răng cũng không cạo râu được. Ngoài đường mọi người vẫn ùn ùn kéo nhau chạy lụt, tình cảnh có vẻ nguy hiểm nhưng tôi không lo sợ bởi vì khách sạn đang có một số người lưu lại đây, lúc nguy cấp thế nào cũng có xe đưa mọi người di tản. May mắn không có chuyện gì xảy ra, sau khi ăn trưa, lúc 12 giờ xe đưa tôi trở lại phi trường. Tôi vẫn mặc bộ quần áo đi đường, tay xách hai cây đờn, xuống tới phi trường Hyderabad là gần 4 giờ chiều. Mấy người ra đón tôi rất vui mừng:

- Từ hôm qua tới nay chúng tôi lo quá, chỉ sợ ông không tới kịp thì không có ai đại diện cho UNESCO trong ngày bế mạc. Hiện hội nghị đang tới chương trình thảo luận, bây giờ đã là 4 giờ mà 5 giờ ông phải đọc tham luận nên chúng ta phải đi thẳng tới hội nghị.

- Nhưng hai ngày nay tôi chưa cạo râu cũng không đánh răng, tôi lại đang mặc bộ đồ đi đường chớ không phải quần áo dự hội nghị.

- Không sao, chuyện ông nói quan trọng hơn cách ông ăn mặc.

Không thể làm gì khác hơn, tôi đành đi ngay cho kịp giờ. Sau khi tôi đọc tham luận với đề tài “Ảnh hưởng tốt hay xấu của khoa học trong việc phát triển âm nhạc truyền thống”, nhiều đại biểu đặt câu hỏi và muốn gặp tôi khi hết giờ. Tan hội nghị tôi rất mừng, vội vã xin được trở về khách sạn ăn uống và quan trọng nhứt là đi mua ít đồ dùng cần thiết. Tới khách sạn lúc 7 giờ rưỡi tối, tôi hỏi nhân viên tiếp tân:

- Xin chỉ cho tôi chỗ mua bàn chải đánh răng, đồ cạo râu và áo quần.

- Rất tiếc hiện nay đang là tháng Ramadan, mùa chay của Hồi giáo, nên sau 7 giờ chiều mọi người chỉ đọc kinh thôi chớ không mua bán gì hết.

Vậy là tôi đành phải đi ngủ! Hôm sau dậy thật sớm, trước khi tới hội nghị tôi ghé mua được bàn chải với dao cạo. Còn quần áo thì mấy tiệm ở đây chỉ bán áo quần Ấn Độ, rốt cuộc tôi đành phải mua tạm vài sơ mi màu xanh đỏ vàng đặc trưng của người bổn xứ. Nhưng điều này không hề chi vì người Ấn Độ dự hội nghị rất đông, mọi người chỉ tưởng tôi lập dị không thích bận đồ tây thôi. Tôi lưu lại Hyderabad gần một tuần lễ, mặc đồ Ấn Độ, ăn cơm Ấn Độ và tham dự hội nghị.

Tôi cũng tới sân bay Hyderabad khai mất hành lý nhưng nơi đây không có văn phòng đại diện của hãng Hàng không Pháp nên đành bó tay. Sau khi hội nghị kết thúc tôi bay qua Bombay, việc đầu tiên là tới thẳng văn phòng của Air France. Họ cho biết:

- Theo qui định khi nào mất hành lý phải khai báo trong vòng 48 giờ đồng hồ. Đến nay đã hơn một tuần lễ rồi, chúng tôi rất khó kiểm tra xem hành lý của ông lạc đi đâu. Thôi bây giờ ông chịu khó làm đơn khiếu nại để chúng tôi chuyển về bên Pháp định liệu. Thơ trả lời cho ông cũng phải đợi hơn 10 ngày.

Không còn cách nào khác hơn, tôi phải làm giấy khiếu nại, khai tỉ mỉ đồ đạc trong hai va li bị lạc.

Tại Bombay tôi nói chuyện ở Trung tâm Ca vũ nhạc và sau đó là một buổi giới thiệu âm nhạc trên Đài truyền hình. Giảng tại Trung tâm, ăn mặc thế nào cũng được, nhưng nan giải nhứt là tôi không có quốc phục để mặc khi giới thiệu nhạc truyền thống Việt Nam trên truyền hình. Ông Menon bàn với tôi:

- Quần chúng thấy anh đờn nhạc cổ truyền Việt Nam mà bận âu phục loại đi đường sẽ không thích đâu. Tôi nghĩ ra cách này: con gái tôi dẫn anh ra chợ mua một áo lụa và cái quần kiểu nhạc sĩ Ấn Độ để anh mặc, rồi tôi có cách nói.

Con gái ông Menon mua cho tôi một áo lụa rất đẹp và một quần trắng kiểu Ấn Độ cùng với đôi dép da. Bữa đó ông Menon giới thiệu hết sức tuyệt vời:

- Tôi xin giới thiệu ông Trần Văn Khê là một giáo sư người Việt Nam sẽ biểu diễn nhạc truyền thống Việt Nam. Ông Trần Văn Khê sinh sống tại Pháp, là người đã từng giới thiệu âm nhạc Ấn Độ trong Bảo tàng viện Guimet ở Paris. Vì vậy khi ông đến đây các nhạc sĩ của chúng ta do quý cái tình của ông đã giới thiệu nhạc Ấn Độ nhiều nơi trên thế giới nên gởi tặng một bộ y phục nhạc sĩ Ấn Độ để làm kỷ niệm. Hôm nay, đáp lại sự ưu ái của các nhạc sĩ Ấn Độ, ông Trần Văn Khê mặc bộ đồ này và đờn nhạc Việt Nam cho các bạn nghe.

Thính giả có mặt tại Đài Truyền hình vỗ tay hoan nghinh. Tôi rất vui vì người bạn giới thiệu mình rất khéo và đã “chuyển bại thành thắng”. Tôi lưu lại đây vài ngày, được các bạn đưa đi xem nhiều cảnh đẹp trong thành phố. Khi họ trả thù lao, tôi nhận thấy Trung tâm Ca vũ nhạc trả cho tôi số tiền 100 roupies (một roupie gần bằng một franc của Pháp) như thường trả cho một giáo sư thỉnh giảng (vì tôi nói chuyện là chính, chỉ đờn minh họa vài bản) còn Đài Truyền hình trả cho tôi số tiền 300 roupies là mức thù lao dành cho nghệ sĩ (tôi biểu diễn đờn truyền thống kèm theo lời giải thích) nghĩa là tại đây thù lao của người nghệ sĩ gấp ba lần tiền lương người giáo sư.

Đó cũng là một chuyện làm tôi suy nghĩ. Bên Pháp thì lương giáo sư lớn hơn người giới thiệu nhạc cổ điển, nhưng lương người giới thiệu nhạc cổ điển thua người giới thiệu nhạc trẻ có khi đến năm sáu lần. Việc đánh giá về công việc làm của một người trong xã hội phần nhiều không định theo giá trị của công việc mà người ta thường đánh giá qua mức thu hút và sức hấp dẫn đối với quần chúng.

Rõ ràng âm nhạc ngày nay không còn là môn nghệ thuật để mọi người toàn tâm toàn ý phụng sự mà đã biến thành mọt món hàng để người ta mua bán. Món hàng nào ăn khách thì giá cao, còn món hàng nào bán không chạy thì giá thấp. Nhận ra điều này tôi cảm thấy hơi buồn, nhưng dĩ nhiên đành phải chấp nhận vì đó là một điều không thể thay đổi được.

Sau chuyến đi Hyderabad trở về Pháp, 6 tháng sau hãng Air France báo cho tôi hay họ đã tìm thấy hành lý của tôi ở... Hongkong. Tôi nhận lại hai chiếc va li còn y nguyên, không mất một món đồ nào, với lời xin lỗi của Air France.

Chuyến đi này quả thật quá rắc rối. Nhưng tôi luôn được cái may là lúc nào cũng “tiền hung hậu kiết”, sau cùng thì mọi việc đâu cũng vào đó.

Trở về Việt Nam năm 1978, tôi ẵm được đứa cháu đích tôn đầu tiên là Trần Tri Hòa, tôi đặt tên này để tưởng nhớ đến cậu Năm Nguyễn Tri Khương. Mỗi năm tôi về nước đám cháu nội ngoại lớn lên lần lần, đứa nào cũng quấn quýt tôi và giành nhau nằm gần ông.

Buổi chiều đi học về đám cháu tập trung tới khách sạn để tối ngủ chung với tôi, Diễm Tiên hồi nhỏ đeo ông ngoại không thể tưởng được nhưng khi lớn biết nhường các em, chịu cho Cẩm Thy và Đào Tiên nằm hai bên tôi, Tri Hòa nằm dưới chân.

Tối tối tôi kể chuyện đời xưa cho mấy cháu nghe, tới đoạn gay cấn hồi hộp nhứt thì ngưng lại hẹn hôm sau kể tiếp. Tụi nhỏ xuýt xoa tiếc rẻ, nôn nóng chờ mau tới ngày mai để nghe đoạn kết. Tôi cưng chiều nhưng cũng nghiêm khắc với các cháu, hễ đứa nào không ngoan thì phạt không cho nghe kể chuyện đời xưa, kể ra đó là một hình phạt hết sức nặng nề đối với chúng nó. Tuy về nước chủ yếu là để nghiên cứu nhưng tôi cũng ấm lòng nhờ sống trong tình thương của các con các cháu.

Sau Việt Nam tôi đi Ba Lan dự nhạc hội với đề tài “Gặp gỡ Đông Tây” tổ chức ở làng Bydgoszcz. Người đón tôi tại phi trường là bà Zeranska, giáo sư phụ tá tại trường Đại học Varsovie do bà đại giáo sư Czcekanoska cử đi. Bà chào tôi và nói:

- Bà Czcekanoska nhờ tôi làm thông dịch cho giáo sư. Tôi cũng nghiên cứu về Shashmakom, một điệu thức vùng Tashkent (Liên Xô) nên nhân dịp này sẽ trao đổi với giáo sư thêm về chuyên môn.

Quả là tôi gặp may, bỗng nhiên có được một người thông dịch vừa đẹp, vừa lo lắng cho tôi chu đáo, nói thông thạo tiếng Pháp, lại có thể bàn chuyện về âm nhạc với nhau. Nhân dịp này bà Czcekanoska mời tôi sau nhạc hội ghé qua Varsovie giảng tại trường đại học của bà một buổi về âm nhạc Việt Nam.

Tiếp đó tôi được Nhạc viện ở Genève (Thuỵ Sĩ) mời qua thuyết trình về nhạc truyền thống Việt Nam có giáo sư Baud Bovy giới thiệu. Ngoài ra còn một buổi nói chuyện trên đài phát thanh của thành phố này. Người tiếp tôi tại đây là Laurent Aubert, về sau chúng tôi còn nhiều dịp liên hệ với nhau. Lần đó tôi rất xúc động khi được ông mời ăn tối và nói rằng:

- Tôi thú vị mời được ông tới nhà chúng tôi ăn cơm. Năm tôi sanh ra đời, cha tôi mua mấy trăm chai rượu cất trong hầm rượu của gia đình, dặn tôi sau này khi nào có khách quý tới nhà thì đem ra đãi. Hôm nay tôi hân hạnh mời ông uống chai rượu cha tôi mua vào đúng năm sanh của tôi.

Đêm đó tôi uống ly rượu thấy rất ngon vì hưởng được cả cái tình của người có lòng quí mến mình.

Trích Hồi ký Trần Văn Khê (Phương Nam phát hành)

Kỳ 9: Một chuyến đi Bắc Triều Tiên

GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp