27/06/2015 11:07 GMT+7

Hồi ký Trần Văn Khê: Kỳ 6 - Bôn ba bốn biển năm châu

Trần Văn Khê
Trần Văn Khê

TTO - Năm 1971, Diễn đàn Âm nhạc châu Á được tổ chức lần thứ nhì. Diễn đàn này được tổ chức lần thứ nhất vào năm 1969 do sáng kiến của ông Jack Bornoff, thư ký ban chấp hành Hội đồng Quốc tế âm nhạc và ông Alain Daniélou, cố vấn Hội đồng Quốc tế âm nhạc.

Tại viện âm nhạc của Đại học Sorbonne, GS Trần Văn Khê và con gái Thủy Ngọc giới thiệu nhạc Việt Nam vào năm 1968 - Ảnh tư liệu

>>
>>
>>
>>
>> Kỳ 5: Chuyện gia đình

>> 

Trước đó UNESCO đã có Diễn đàn Âm nhạc châu Âu, hằng năm các đài phát thanh châu Âu đem những chương trình phát thanh nhạc cổ điển hay cận đại của mình đến Paris để tham dự. Một ủy ban gồm các chuyên gia âm nhạc và đại diện các đài phát thanh sau khi nghe xong sẽ bỏ thăm cho điểm, tuyển lựa tiết mục xuất sắc nhất để tuyên dương. Tuy không có tặng thưởng hiện vật nhưng chương trình nào được tuyển lựa sẽ được rất nhiều đài phát thanh trên thế giới xin phát thanh, nhờ vậy chương trình đó được phổ biến rộng rãi.

Hai ông hỏi ý kiến tôi, nếu dựa theo mô hình này mà tổ chức Diễn đàn Âm nhạc châu Á liệu có thành công hay không. Tôi nghe vậy rất mừng, cho rằng dầu chưa biết thành công hay không nhưng được cái lợi là các nước châu Á sẽ thấy UNESCO cũng quan tâm đến âm nhạc châu Á.

Diễn đàn tổ chức lần đầu chỉ có bốn đoàn tham dự gồm Nhựt Bổn, Đài Loan, Ấn Độ, Ba Tư và Nhựt Bổn được giải nhứt. Lần này diễn đàn được mở rộng, tuy là thành viên của Ủy ban tuyển lựa từ hai năm trước, nhưng tôi không thể đề nghị Đài phát thanh Việt Nam tham dự vì trong nước còn đang chiến tranh. Cậu học trò người Đài Loan của tôi là Cheng Shui Cheng giới thiệu một chương trình độc tấu pipa (tì bà Trung Quốc) do người thầy của cậu biểu diễn. Tiết mục đó được tuyển chọn cùng chung với nhạc Ấn Độ.

Bắt đầu từ thời gian này công việc của tôi rất nhiều. Năm 1968 tôi được thăng chức nghiên cứu sư (Maitre de recherche au CBRS), nên ngoài công việc của mình, tôi phải chỉ đạo cho những người tùy viên nghiên cứu. Tôi lại được quyền tham gia chỉ đạo và hướng dẫn các thí sinh thi tiến sĩ nhạc học. Trong số các “Thành viên với tính cách cá nhân” chỉ có tôi sống tại Paris nên mỗi khi có vấn đề gì liên quan đến âm nhạc Á, Phi là Hội đồng Quốc tế âm nhạc lại mời tôi đến họp để hỏi ý kiến.

Tôi cũng giúp cho Trung tâm Nghiên cứu âm nhạc Đông phương mời những nhà nghiên cứu hay các nhạc sĩ có tên tuổi biểu diễn.

Tôi rất hài lòng vì không chỉ giới thiệu âm nhạc Việt Nam mà còn cả âm nhạc truyền thống của các nước khác để giúp người phương Tây hiểu thêm về nhạc châu Á, nhờ đó mà các mối quan hệ quốc tế của tôi ngày càng mở rộng.

Cũng vào năm 1971 tôi được mời đi dự hội nghị của Hội đồng Quốc tế âm nhạc tổ chức tại Moscow với tư cách là “Thành viên có tính cách cá nhân”. Đó là lần đầu tiên tôi đến một nước xã hội chủ nghĩa và được tiếp đãi khá trọng hậu.

Trưởng phái đoàn của Đoàn đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hòa là anh Đỗ Nhuận, tổng thơ ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Tôi nghe tên anh từ lâu và rất vui khi được diện kiến.

Tại hội nghị tôi được quen với các giáo sư của Cộng hòa dân chủ Đức, Hungary, Ba Lan, có thêm những người bạn trong lãnh vực âm nhạc và sau đó tôi được mời sang các nước xã hội chủ nghĩa nhiều lần.

Điểm đặc biệt là sau 10 ngày ở Moscow thì tôi được mời sang nói chuyện tại Trường đại học Carbondale của tiểu bang Illinois ở miền Nam nước Mỹ.

Đây là cuộc gặp gỡ về âm nhạc Việt Nam do giáo sư Nguyễn Đình Hòa dạy ngôn ngữ Việt Nam tại đại học này tổ chức. Tại đây tôi nói chuyện về lịch sử âm nhạc Việt Nam và các vấn đề liên quan đến nhạc ngữ như thang âm, điệu thức, tiết tấu... Ngoài ra còn có hai người ở Sài Gòn được mời tham dự là nhạc sư Vĩnh Bảo - cựu giáo sư Trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn, cũng là một nghệ nhân đóng đờn danh tiếng - giảng về cách đờn, cách đóng đờn và nhạc sĩ Phạm Duy nói về dân ca Việt Nam cùng những ca khúc mới. Ba anh em chúng tôi được anh chị Nguyễn Đình Hòa và các con của anh chị tiếp đãi rất nồng hậu.

Đã từ lâu tôi chưa được đờn chung với nhạc sĩ nào từ Việt Nam qua, cho nên cách đờn của tôi còn giữ nguyên chất ngây ngô, mộc mạc và quê mùa của thời còn đi học. Lần đó tôi được nghe tiếng đờn điêu luyện và sâu sắc của anh Vĩnh Bảo, vừa bay bướm vừa mượt mà, mang đầy sức sống mãnh liệt trẻ trung của dân tộc. Nhờ gặp anh mà cách đờn của tôi thay đổi rất nhiều.

Thân phụ anh Vĩnh Bảo vốn là học trò của ông nội tôi về đờn dân tộc, còn anh Vĩnh Bảo thì chơi thân với cậu Năm tôi. Tôi ngưỡng mộ anh qua tiếng đờn trong những cuộn băng của bác sĩ Phạm Kim Tương ghi âm từ bên nhà gởi qua. Vì vậy tuy chưa gặp nhau mà có cảm giác như đã quen từ lâu, nên lần này vừa gặp mặt chúng tôi đã trở thành thân thiết.

Ban tổ chức sắp đặt mỗi người ở một biệt thự riêng, hai chúng tôi ở hai nơi xa nhau, mỗi lần cần nói chuyện phải trao đổi qua điện thoại. Anh Vĩnh Bảo đề nghị tôi dọn qua ở chung, tôi đồng ý và ngày nào hai anh em cũng nói chuyện rồi đờn tới khuya. Anh tặng tôi một cây đờn mà tôi còn giữ cho đến nay, mặt đờn đóng bằng gỗ ngô đồng, tiếng đờn trong và đẹp vô cùng. Khi gặp anh, tôi vẫn còn đờn bài vọng cổ 16 nhịp, chính anh hướng dẫn cho tôi đờn bài vọng cổ 32 nhịp.

Gặp lại Phạm Duy lần này chúng tôi nói chuyện về sáng tác mới. Tuy không theo dõi sát nhạc mới nhưng tôi cũng rất thích nên thường trao đổi thơ từ với Phạm Duy ở Sài Gòn và anh Lưu Hữu Phước ở miền Bắc.

Khi ở Pháp tôi chỉ lo việc nghiên cứu, không có dịp gặp được các nhạc sĩ cổ nhạc hay tân nhạc. Do đó cuộc gặp gỡ ở Carbondale đem lại cho tôi nhiều bổ ích, đó là tiếng đờn dân tộc đương thời và những bài hát sáng tác theo phong trào mới. Trong một thời gian rất ngắn, tôi thâu thập được nhiều kiến thức từ những bậc thầy thượng thặng, học được những nét đặc biệt của mỗi người, đó cũng là một cơ duyên của tôi.

Ba tuần ở Carbondale qua mau như chớp mắt. Tôi trở về Pháp trước, anh Vĩnh Bảo ở lại thêm vài tháng để dạy một khóa đóng đờn, sử dụng loại gỗ có sẵn bên Mỹ chớ không phải bằng cây tung hay ngô đồng như ở Việt Nam. Đầu năm 1972, trên đường về nước anh Vĩnh Bảo ghé Paris ở chơi với tôi một tháng.

Dịp này anh dạy cho con gái tôi thêm những ngón đờn, nhận dạy một số học trò tại nhà tôi, đồng thời nói thêm về lịch sử âm nhạc dân tộc Việt Nam thời kỳ cận đại cho tôi nghe. Anh nhắc lại từng nhạc sĩ thời đó như Sáu Tửng, Năm Vinh, Mười Phú, Hai Thơm. Tôi thâu âm tất cả vào băng, đây là tư liệu rất quý do một nhân chứng sống ngay trong thời kỳ cận đại kể lại.

Mặc dầu rất bận rộn tôi vẫn luôn chú ý đến chuyện học của con, nhưng cũng không bao giờ ép con phải học theo đúng ý mình. Anh Vĩnh Bảo dạy đờn rất kỹ, Thủy Ngọc nhấn một chữ “xang” theo hơi Ai cả tiếng đồng hồ mà anh vẫn chưa vừa ý. Thủy Ngọc tiếp thu chậm mà lại dễ thối chí nên tôi phải tìm cách can thiệp. Tôi để micro ở phòng khách chuyền dây vào phòng làm việc của mình, mỗi khi anh Vĩnh Bảo dạy đến hồi căng thẳng, đoán biết Thủy Ngọc sắp sửa òa khóc tôi bèn lên tiếng sai con làm một việc gì đó để giải tỏa, nhờ vậy mà sau đó Ngọc mới tiếp tục học được.

Khi Thủy Ngọc thối chí không muốn học nữa, tôi cắt nghĩa cho con hiểu được học với bác Vĩnh Bảo ngay tại nhà là một điều may mắn vì những học trò khác thường phải năn nỉ bác mới nhận dạy và phải đổ đường từ xa tới để học. Khi Thủy Ngọc học khá hơn, anh Vĩnh Bảo đóng cho một cây đờn mà con tôi rất thích.

Một bữa anh Vĩnh Bảo và tôi cùng hòa đờn rất hào hứng ở một trường đại học. Trong số thính giả có ông Charles Duvelle, giám đốc Hãng OCORA, một cơ sở rất có uy tín trực thuộc đài phát thanh, chuyên cộng tác nhiều nơi để làm chương trình phát thanh, trong đó có việc in dĩa hát. Ông mời hai chúng tôi thâu thanh một dĩa hát nhạc tài tử lấy tên Nhạc truyền thống miền Nam Việt Nam để phát hành trong loạt dĩa âm nhạc truyền thống thế giới của OCORA.

Anh Vĩnh Bảo là một người rất giàu nghệ sĩ tính và làm việc tùy hứng, hễ không hứng thì không đờn. Buổi sáng hôm ghi âm, chương trình định sẵn gồm anh Vĩnh Bảo đờn tranh, tôi đờn tì bà bản Lưu thủy, Bình bán, Kim tiền; kế đó anh Vĩnh Bảo đờn xến, tôi đờn gáo bản Tây Thi Quảng; tiếp theo anh Vĩnh Bảo đờn tranh, tôi đờn kìm bản Phú lục. Cuối cùng là hai đoạn anh Vĩnh Bảo rao tùy hứng với đờn kìm và đờn tranh độc tấu. Ông Charles Duvelle rất thích nên đích thân tới nghe. Mọi người đã sẵn sàng để ghi âm, bỗng nhiên anh Vĩnh Bảo nói nhỏ với tôi:

- Tôi không có hứng mà lại thèm cà phê nữa, bây giờ mà đờn sẽ không hay đâu. Anh nói với ông Charles Duvelle cho mình một tiếng đồng hồ để đi uống cà phê.

Tôi đành phải nói với ông Charles Duvelle rằng bạn tôi là người rất giàu nghệ sĩ tính, khi không có hứng đờn sẽ không hay vì tiếng đờn không có hồn. Thật là may mắn, ông Duvelle hết sức thông cảm và đồng ý. Ông ra lịnh cho kỹ sư thâu thanh chờ khi nào nhạc sĩ Vĩnh Bảo sẵn sàng thì mới thâu.

Phòng thâu có sẵn máy pha cà phê, chỉ việc bấm nút là có nhưng anh Vĩnh Bảo không thích uống cà phê bột mà đòi uống cà phê phin.

Được người chủ tỏ ra thông cảm, được bạn chiều theo ý thích, anh Vĩnh Bảo cảm kích nên khi uống cà phê xong trở vô thâu thanh, anh hứng thú đờn xuất thần khiến tôi cũng hào hứng lây. Thâu thanh xong ông Charles Duvelle thú vị đến nỗi ngoài tiền thù lao còn ký một ngân phiếu tặng riêng nhạc sĩ đã cho ông hưởng được những giờ phút say sưa với âm nhạc.

Anh Vĩnh Bảo rất cảm động khi nhận tấm ngân phiếu, coi đó là lời khen bằng hiện vật của một người tri âm tri kỷ. Ông Charles Duvelle cũng chụp hình anh Vĩnh Bảo để in lên trên bìa dĩa hát.

Dĩa hát này bán rất chạy trong năm 1973 và khi in lại thành dĩa CD vào năm 1994 đã được tạp chí phê bình nhạc Diapason tặng danh hiệu Dĩa hát Diapason vàng vì là dĩa hát bán chạy nhứt trong năm. Hễ dĩa hát nào được dán huy hiệu đó ở ngoài bìa thì rất có uy tín. Riêng tôi lần nào nghe lại cũng thấy xúc động.

Có một sự tình cờ trùng hợp khi nghệ sĩ đờn tranh trẻ tuổi Hải Phượng qua Pháp hòa đờn với tôi vào năm 1994, người phụ trách Hãng dĩa OCORA lúc đó là ông Claude Samuel cũng muốn thâu thanh một dĩa hát.

Năm 1972 tôi hòa đờn cùng với anh Vĩnh Bảo, người bạn cùng thế hệ với mình. Hơn 20 năm sau, tôi lại cùng với Hải Phượng, tuổi bằng cháu ngoại tôi, thâu thanh một dĩa hát CD nhạc tài tử có tên “Đờn tranh Việt Nam xưa và nay”. Lần này tôi đề nghị ghi tên cháu trước vì tôi muốn đề cao lớp trẻ. Việc tôi là một người thầy mà tình nguyện đứng sau tên học trò làm cho mọi người ngạc nhiên. Nhứt là đối với Hãng OCORA, xưa nay họ chỉ toàn mời các bậc cao tuổi, nên học trò có đờn cũng chỉ để phụ họa, mà nói theo tiếng nghề nghiệp là ông thầy cứ đứng án bàn thờ tổ nghiệp nên lớp trẻ khó mà phát huy được tài năng.

Dĩa hát sau khi phát hành nhận được hai giải thưởng, một giải thưởng “Dĩa hát hay nhứt trong năm 1994” ở Đức và một giải hạng nhứt “Choc” của Tạp chí Thế giới âm nhạc ở Pháp. (Choc trong tiếng Pháp nghĩa là chấn động, ý muốn nói người nghe dĩa này sẽ có cảm giác như bị chấn động). Ông Laurent Aubert, nhà phê bình nhạc, đã nói rằng ông bị “chấn động” sau khi nghe dĩa hát này.

Trong cuộc đời nghiên cứu và hoạt động âm nhạc, tôi được hưởng những niềm vui mà dầu có tiền nhiều đến đâu cũng không mua được. Niềm vui này không phải do tôi được lợi lộc gì mà là vì tôi nhận rõ một điều bước đường đem nhạc dân tộc ra nước ngoài của mình ngày càng tiến xa hơn.

Vừa trở về Pháp, tôi phải lên đường sang Liên Xô tham dự Diễn đàn Âm nhạc châu Á do Liên Xô và UNESCO tổ chức tại Alma Ata, thủ đô nước Cộng hòa xã hội Xô viết Kazakhstan, một vùng có truyền thống âm nhạc đặc biệt, rất gần với châu Á.

Ủy ban tuyển lựa của diễn đàn gồm bảy thành viên do ông Narayana Menon người Ấn Độ làm chủ tịch, còn tôi là phó chủ tịch. Hai chúng tôi được tiếp đãi đặc biệt hơn năm thành viên kia, có xe hơi và thông dịch riêng, phòng ở rộng rãi và đủ tiện nghi. Ngoài việc tuyển lựa các tiết mục xuất sắc của những đài phát thanh châu Á như thường lệ, diễn đàn lần này còn tổ chức hội thảo về “Ngôn ngữ âm nhạc châu Á”.

Đây là lần đầu tiên Diễn đàn Âm nhạc châu Á được tổ chức tại một nước thuộc châu Á, có nhiều chương trình âm nhạc châu Á cho đại biểu tham dự diễn đàn và công chúng thưởng thức. Lại có một hội thảo quy tụ nhiều nhà nhạc học danh tiếng về nhạc châu Á. Đây là một tiền lệ rất hay để từ đó về sau các Diễn đàn Âm nhạc châu Á đều làm theo cách này.

Tôi đã viếng thăm Moscow, nay lại tới một vùng thuộc châu Á của Liên Xô, biết được thêm một phong cách khác. Đặc biệt có lần vào buổi sáng tôi được nghe đài phát thanh phát bài hát quan họ Yêu nhau cởi áo cho nhau do một ca sĩ Liên Xô hát bằng tiếng Việt. Tôi vô cùng xúc động khi thấy bài ca quan họ đã vượt ra biên giới của 49 làng quan họ tỉnh Bắc Ninh, đi khắp nước Việt Nam rồi ra thế giới. Khi ở Pháp tôi đã được nghe bài quan họ này một lần, nay lại nghe tận một nước cộng hòa xa xôi của Liên Xô.

Tại Alma Ata, tôi được nghe nhiều điệu nhạc vừa lạ vừa hay. Đặc biệt nhứt của vùng này là cây đờn dombra truyền thống, có thùng hình bầu dục, cần rất dài, phím không phải bằng tre hay kim loại mà bằng gân con trừu, có thể xê dịch được tạo thành những quãng không cố định, hoặc thấp hơn hoặc cao hơn các quãng thông thường một chút, nhờ vậy màu sắc thang âm hết sức phong phú.

Tôi đã được nghe tiếng đờn dombra trong một dĩa hát nên khi qua Kazakhstan tôi háo hức chờ nghe chính người dân tộc địa phương đờn. Nhưng khi quan sát cây đờn tôi bất ngờ thấy nó đã bị chỉnh lại, phím gân trước kia xê dịch được cho nghe những quãng không cố định, nay bị cột chặt lại. Tôi rất thất vọng bởi giờ đây khi đánh lên âm thanh nghe như tiếng đờn mandoline, với thang âm bình quân như đờn piano chớ không còn đầy màu sắc như ngày trước.

Trong hội nghị này đoàn Kazakhstan giới thiệu chương trình đại quy mô với dàn nhạc dân tộc gồm hàng trăm cây đờn dombra, bảy tám chục người hợp xướng, tất cả đều mặc trang phục truyền thống màu sắc rực rỡ. Sau đó tôi được tặng cây đờn dombra đổi mới mà tôi còn giữ cho đến nay.

Các bạn Liên Xô trong ban tổ chức biết tôi là người nghiên cứu âm nhạc châu Á nên mời dự tiệc trà để thăm dò ý kiến, hỏi cảm tưởng của tôi sau buổi trình diễn hôm qua. Tôi nói:

- Thưa các bạn, các bạn là những người am tường cũng như hiểu rõ thị hiếu và khuynh hướng thẩm mỹ của dân tộc mình, đã suy tư nghiền ngẫm rất lâu để tìm cách thể hiện cho hay. Tôi không biết gì về truyền thống Kazakhstan trong khi đó chỉ được nghe qua vài ba giờ đồng hồ thì làm sao dám phê bình.

Họ hỏi tôi có thích hay không, tôi trả lời:

- Điều này lại càng khó nói, bởi thích hay không là tùy thuộc vào quan điểm cá nhân, tùy thuộc sự hiểu biết của tôi, nếu không thích có khi là do tôi không hiểu. Tôi chỉ có thể nói là tôi nghe với sự tò mò nhiều hơn, tôi nghe bằng lý trí để tìm hiểu chớ chưa có được sự rung cảm của con tim. Xin các bạn cho một dịp khác, khi đã hiểu biết nhiều hơn sẽ trả lời với các bạn tôi thích hay không.

Theo phép tắc xã giao, khi người khách được mời tới nhà ăn cơm thì dù thức ăn nấu không ngon cũng không dám chê dở, nhưng nếu ngon sẽ khen liền. Có lẽ hiểu như vậy nên sau buổi biểu diễn ban tổ chức nhờ anh Zagorski thăm dò ý kiến của tôi. Anh là người bạn cùng làm việc chung trong Hội đồng Quốc tế âm nhạc, hai chúng tôi thường trao đổi thân mật vui vẻ với nhau. Buổi tối Zagorski ăn cơm với tôi, sau hai ba tuần rượu Vodka, anh nói:

- Các bạn tôi muốn biết ý kiến của anh nhưng anh thoái thác, nhưng nếu tôi hỏi liệu anh có chịu trả lời hay không?

- Tôi sẵn sàng trả lời vì anh là bạn của tôi.

- Anh cho biết nhận xét của mình về buổi biểu diễn của đoàn Kazakhstan?

- Tôi có hai điều muốn nói về cả hình thức lẫn nội dung. Về hình thức, tôi hết sức buồn bởi cả trăm nhạc sĩ mặc quần áo dân tộc đẹp đẽ vô cùng ngồi đàn dưới sự chỉ huy của một người mặc lễ phục theo phương Tây. Dàn hợp xướng bảy tám chục người mặc trang phục dân tộc rất rực rỡ nhưng người lĩnh xướng lại mặc áo đuôi tôm. Hình ảnh đó gây cho tôi cảm giác phương Đông chịu sự chỉ huy của phương Tây nên tôi không chấp nhận được.

Theo tôi thì trang phục biểu diễn phải đồng bộ từ người chỉ huy đến cả người hát. Việc để người ăn mặc theo phương Tây đứng chỉ huy người mặc theo phương Đông cho thấy các anh trong tinh thần còn lệ thuộc phương Tây. Còn về nội dung, tôi nhớ trước đây âm thanh tiếng đờn dombra nghe đầy màu sắc còn bây giờ thì không còn được như vậy nữa.

- Dàn nhạc có cả trăm cây đờn, nếu để như cũ thì mỗi đờn âm thanh mỗi khác sẽ không hòa được với nhau.

- Tại sao phải cần đến cả trăm cây để cho mất hết màu sắc, trong khi bản chất của cây đờn này chỉ cần một hai cây hòa với nhau đã đầy màu sắc và gây xúc cảm trong lòng người nghe. Số lượng nếu không đi đôi với chất lượng thì không còn giá trị, mà nếu lỡ sai một chỗ thì sai lầm đó lại bị nhân lên gấp trăm. Các anh sửa nhạc khí và cách đờn như vậy có hơn được cái cũ không?

- Có chớ, điểm hay là đờn hòa với nhau không lạc giọng, lại có cái lợi là khi đờn thiệt mau không bị lạc phím.

- Tuy hòa đờn không bị lạc phím nhưng lại thành đơn điệu. Thang âm của nhạc dân tộc Kazakh rất độc đáo, muốn đờn mau như khi dùng thang âm bình quân của piano thì không còn bản sắc dân tộc nữa. Đối với nghệ thuật không nên chú trọng tới chuyện nhanh hay chậm mà quan trọng là có đi vào lòng người hay không. Âm nhạc là tiếng nói. Đâu phải nói mau là hay. Về nội dung tôi thấy rằng đưa ra cây đờn như vậy chỉ làm cho nó xuống cấp. Tôi cũng mong mỏi được nghe lại tiếng đờn dombra truyền thống để có thể thưởng thức nét độc đáo của âm nhạc dân tộc Kazakh.

Nghe xong anh Zagorski nói:

- Anh nói nhiều điều tôi nghe cũng có lý. Nếu tôi lặp lại những lời của anh cho ban tổ chức buổi biểu diễn, anh có giận tôi không?

- Không, tôi nói điều này xuất phát từ lòng quý mến một người bạn. Tôi đã nói cho anh nghe rồi thì chuyện của tôi đã thành chuyện của anh và anh trọn quyền sử dụng theo ý mình. Nếu anh nói với các bạn không khéo hay lặp lại không thật đúng để họ giận tôi thì đó là lỗi của anh.

Hôm sau anh Zagorski nói lại với các bạn và có lẽ nhờ nói khéo nên ban tổ chức chẳng những không giận mà còn nhờ anh mời tôi ở lại thêm một tuần lễ. Tôi có việc bên Pháp nên không nhận lời mời.

Hai bữa sau ban tổ chức mời năm người nhạc sĩ truyền thống Kazakh tới đờn dombra “nguyên xi” và trình bày nhạc dân tộc chính cống. Tôi xúc động không thể nói được, còn tất cả những người tham dự đều khen ngợi. Sau bữa này tôi phân tích với anh Zagorski:

- Tính ra lần này về mặt kinh tế thì các anh lỗ, còn về mặt nghệ thuật thì thất bại. Các anh tốn công sửa đờn, bỏ tiền may quần áo cho cả trăm người, cơm ghe bè bạn tập dượt hàng tháng, vậy mà khi ra biểu diễn không làm mọi người xúc động. Trong khi đó chỉ với năm người vừa đờn vừa hát và đánh trống theo điệu dân gian, không tốn kém bao nhiêu mà chúng tôi hết sức thích thú. Các anh muốn làm đại quy mô nhưng rốt cuộc không đạt được kết quả về mặt nghệ thuật, bất quá chỉ có thể làm người ta nể phục vì sự đồ sộ. Nhưng âm nhạc không cần làm cho người ta kính nể mà phải làm rung động lòng người.

Anh Zagorski vỗ vai tôi:

- Anh thiệt lạ, mới qua không lâu đã thấy được nhiều điều mà chúng tôi chứng kiến hằng ngày lại không để ý.

Sự việc này càng củng cố thêm quan điểm của tôi là trong nghệ thuật số lượng phải đi đôi với chất lượng. Trong khi luyện tập, cần phải nắm bắt được kỹ thuật để phục vụ cho nghệ thuật, nhưng nếu dùng kỹ thuật để phô trương kỹ thuật thì chỉ mới đứng ở ngưỡng cửa của nghệ thuật mà thôi.

Trong giới nghiên cứu, kể cả những bạn trong khoa dân tộc học là những người thường đi điền dã tại các nước xa xôi, nhưng cũng hiếm người được đi nhiều như tôi. Đặc biệt ít có năm nào mà tôi lại đi nhiều, đi xa và thú vị bằng năm 1974.

Đầu mùa xuân tôi đến Rennes, một thành phố vùng Bretagne của Pháp để dự hội nghị về đề tài nhạc dân tộc truyền thống. Ba cha con tôi cùng tham dự để giới thiệu âm nhạc Việt Nam.

Tiếp theo tôi tham dự liên hoan quốc tế của Hội Thanh niên yêu nhạc quốc tế tổ chức tại Zagreb, thủ đô của Nam Tư. Hải bận công việc nên chỉ có tôi với Thủy Ngọc đi dự. Các con tôi ngoài việc góp sức cùng cha giới thiệu nhạc Việt Nam cũng là dịp học hỏi trên thực địa rất quý giá.

Liên hoan quy tụ nhiều ban nhạc của các nước, kỳ này đặc biệt có dàn nhạc cung đình và dàn nhạc dân gian của Triều Tiên tham dự. Viện Nhạc học Seoul dưới sự điều khiển của giáo sư Lee Hye Gu (Lý Huệ Cầu) đã dựng lại hai loại nhạc cung đình tang ak (đường nhạc) và hyang ak (hương nhạc) đã thất truyền từ lâu.

Nhạc công mặc áo thụng đỏ, đội mão đen, biểu diễn những bản nhạc tấu trong cung đình ngày xưa với những nhạc khí truyền thống đã được hoan nghinh nhiệt liệt. Báo chí phỏng vấn, các đài truyền thanh truyền hình đua nhau ghi âm, ghi hình và phát trong những chương trình đặc biệt.

Điều này làm tôi nhớ lại năm 1963 bà bá tước De Chambure có ghi âm chương trình nhạc cung đình Huế in trong dĩa của UNESCO được hai giải thưởng lớn dành cho dĩa hát bên Đức và bên Pháp. Nhưng chẳng biết giờ đây nhạc cung đình có còn được biểu diễn tại quê nhà không hay đã bị chìm trong quên lãng rồi! Nhìn thấy kết quả của nhạc Triều Tiên mà vui cho âm nhạc truyền thống châu Á đồng thời lo cho truyền thống của nước nhà.

Đến mùa hè, vào tháng 7 tôi lại có một chuyến viễn du rất thú vị đến châu Mỹ La tin dự hội nghị về âm nhạc truyền thống tổ chức tại hai nơi, thành phố Rio de Janeiro xinh đẹp ở cạnh bờ biển cát trắng, và thành phố Sau Paulo trù phú, dân cư đông đúc, ở phía trong lục địa của nước Brésil. Đây là lần đầu tôi đến một quốc gia nằm tại bán cầu phương Nam, được viếng hai thành phố đẹp nhứt của Brésil.

Đêm nhạc châu Á và châu Phi do tôi và bạn tôi, giáo sư nhạc sĩ Salah el Mahdi người Tunisie, giới thiệu. Hai chúng tôi rất vui mừng vì quen nhau đã lâu mà chưa bao giờ cùng đờn chung trong một chương trình nhạc hội quốc tế. Nhạc sư Salah el Mahdi chuyên đờn Ud, một nhạc khí giống như đờn tì bà. Ông cũng là tác giả bài quốc ca của nước Tunisie.

Dịp này đúng vào ngày sinh nhật thứ 53 của tôi. Trải qua quá nửa đời người, tôi xúc động được có một vài bạn tri âm tri kỷ từ các nơi xa xôi cùng dự hội nghị, thể theo lời mời của ông tổng thơ ký ban chấp hành Hội đồng Quốc tế am nhạc, đã đến uống với tôi một ly rượu chúc mừng. Tại đây tôi được tiếp đón một cách trang trọng để nói chuyện về âm nhạc Việt Nam, được viếng thăm nhiều danh lam thắng cảnh của đất nước xinh đẹp này.

Năm đó tôi có duyên với bán cầu phương Nam, mới đi Brésil về lại chuẩn bị đi Úc. Chỉ trong vòng mấy tháng, tôi từ châu Âu qua châu Mỹ La tin rồi đi tới châu Úc, tiếp xúc với nhiều dân tộc mà mỗi nơi có một phong cách hoàn toàn khác nhau.

Hội Quốc tế về giáo dục âm nhạc tổ chức tại thành phố Perth, thủ phủ của miền tây Úc châu, một hội nghị rất lớn về đề tài “Giáo dục âm nhạc tại châu Á”. Giáo sư người Úc tên Frank Calaway làm trưởng ban tổ chức rất muốn tôi có mặt trong hội nghị này. Nhưng vé máy bay từ Paris qua Úc rất mắc, đó là chưa kể chi phí ăn ở mười mấy bữa tại đây. Ông phải gởi thơ tới nhiều nơi, kể cả UNESCO vận động xin tài trợ, nhưng cuối cùng ngân quỹ không đủ để đài thọ chi phí cho tôi. Ông rất tiếc và viết thơ đề nghị tôi gởi bài tham luận để ban tổ chức đọc trong hội nghị. Tôi nhận lời và không nghĩ tới chuyến đi Úc châu nữa mặc dầu đó là điều tôi vẫn ao ước.

Không ngờ sau đó tôi lại được thơ ông Callaway đề nghị một phương án khác. Ông sẽ tổ chức cho tôi hòa nhạc vào buổi trưa (lunch concert), nghĩa là sau khi ăn trưa tất cả đại biểu đều ở lại để nghe tôi biểu diễn đờn tranh. Ông hỏi tôi có bằng lòng đờn vào giờ đó hay không, có lẽ ông sợ tôi mệt vì buổi sáng phải đọc tham luận, trưa lại đờn. Tôi gởi điện tín trả lời rất thú vị được dịp đờn để giới thiệu nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc Việt Nam.

Ông Callaway vui mừng gởi ngay điện tín báo cho biết Đài phát thanh tại Perth sẽ ghi âm buổi hòa nhạc của tôi. Đổi lại họ đài thọ cho tôi một vé máy bay hạng nhứt của Hãng hàng không Qantas, không chỉ đi từ Paris qua Úc mà có giá trị đi tới bất cứ nước nào ở châu Á trong vòng hai tháng. Điều này nằm ngoài sự tưởng tượng của ban tổ chức, riêng tôi thì ngoài niềm vui được đi Úc còn tính xa hơn, bởi nước châu Á mà tôi ước ao đi tới nhứt chính là Việt Nam.

Trích Hồi ký Trần Văn Khê (Phương Nam phát hành)

Kỳ 7: Quy cố hương 

Trần Văn Khê
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp