30/06/2015 08:11 GMT+7

Hồi ký Trần Văn Khê: Kỳ 12 - Họa vô đơn chí

GS TRẦN VĂN KHÊ
GS TRẦN VĂN KHÊ

TTO - Năm 1996 tôi về Việt Nam để tham dự buổi lễ long trọng kỷ niệm 75 năm ngày sanh Lưu Hữu Phước (12/9/1921 - 12/9/1996).

GS Trần Văn Khê (trái) và nhạc sĩ Phạm Duy - Ảnh: tư liệu

Mỗi lần về nước tôi đều có những buổi nói chuyện ở nhiều nơi và có cảm giác rằng càng ngày người nghe càng thấm thía hơn. Đặc biệt năm 1996 anh Huỳnh Văn Tiểng và ban giám đốc Bảo tàng viện Cách mạng mời tôi đến nói chuyện về một đề tài nóng hổi là “Dân tộc và hiện đại”, có ban nhạc Phù Đổng, nhóm Tiếng hát quê hương cùng cháu Hải Phượng minh họa, có quay phim video để dành làm tư liệu.

>> Kỳ 1: Thời thơ ấu
>> Kỳ 2: Lập gia đình
>> Kỳ 3: Đất khách quê người
>> Kỳ 4: Giới thiệu âm nhạc truyền thống

>> Kỳ 5: Chuyện gia đình
>> Kỳ 6: Bôn ba bốn biển năm châu
>> Kỳ 7: Quy cố hương
>> Kỳ 8: Những cuộc tao ngộ thú vị
>> Kỳ 9: Một chuyến đi Bắc Triều Tiên
>> Kỳ 10: Viếng thăm Việt Nam với tổng thống Pháp
>> Kỳ 11: Nói chuyện trên đất Mỹ

>> 
>> 

Tất cả những cuộc tiếp xúc trong nước đã giúp tôi sưu tập được rất nhiều tư liệu hình ảnh, băng video, băng ghi âm. Tôi như con kiến cặm cụi tha từng hột gạo đem về chất đầy ổ với lòng mong mỏi rằng những hột gạo đó sẽ được dịp nuôi dưỡng thế hệ mai sau.

Khi trở về Pháp tôi có hơi mệt, lần lần việc đi đứng bắt đầu thấy khó khăn nên phải đến gặp các chuyên gia để khám bệnh. Bác sĩ cho biết tôi bị lệch cột sống, hai khớp xương số bốn và số năm bị lệch chận lên dây thần kinh từ chân lên não, khiến cho não không điều khiển được chân trái làm phản xạ mất đi, chẳng những ảnh hưởng đến việc đi đứng mà cử động cũng khó. Bác sĩ chuyên môn nhận định phải mổ nên gởi tôi tới một chuyên gia giải phẫu, ông này cũng kết luận bắt buộc phải mổ và cho biết:

- Trước khi giải phẫu, cứ mỗi tuần phải lấy máu của ông một lần dự trữ để đến khi mổ vô máu cho ông. Ca mổ kéo dài ít nhứt từ năm đến sáu tiếng đồng hồ, bởi vì ngoài việc lệch cột sống ông còn bị thêm vài vấn đề nho nhỏ phải giải quyết luôn trong khi mổ.

Tôi tìm đến vị chuyên gia thứ ba thì ông nói:

- Nếu tập trung chữa trị một lần e ông chịu không nổi, nhưng việc phải mổ là không thể tránh khỏi rồi. Tôi đề nghị trước hết lo chữa trị cho ông đi đứng bình thường rồi tính tiếp. Nhưng mổ xong ông cũng phải nằm yên trong vòng 5 tháng không được đi đâu.

Tôi nghe vậy thấy không ổn bèn tiếp tục hỏi ý kiến các giáo sư bác sĩ danh tiếng khác, từ người chuyên theo dõi về thận của tôi đến bác sĩ chữa bệnh tiểu đường. Những vị này cho rằng:

- Nếu ông 40 tuổi mới nên mổ chớ ông gần 80 rồi thì phải xem lại. Dĩ nhiên nếu mổ thành công ông sẽ đi đứng bình thường như xưa, nhưng ở tuổi này ông đâu có cần nhảy đầm hay chạy đua với ai, thôi thì nếu chân ông đi chậm một chút cũng không sao. Chúng tôi khuyên ông nên tìm hỏi kỹ những chuyên gia về thấp khớp xem có cách nào khác không?

Trở lại gặp bác sĩ giải phẫu, ông nói nếu không mổ thì sáu tháng nữa chân trái sẽ liệt, một năm sau đến phiên chân mặt và hai năm sau đường tiểu tiện không hoạt động được nữa. Tôi thấy viễn ảnh quá bi đát nhưng có ba người giáo sư vẫn quan niệm:

- Tôi khuyên không nên mổ, bởi vì thứ nhứt ông lớn tuổi rồi, thứ nhì ông bị tiểu đường nên vết thương sẽ lâu lành, thứ ba ông đã uống 17 tháng cortisone nên xương ông không còn chắc lắm đâu, khi mổ phải đục xương không lường trước được hậu quả sẽ ra sao! Mặt khác những chuyên gia giải phẫu giỏi nhứt cũng chỉ dám bảo đảm 60% thành công, như vậy là có tới 40% thất bại. Mà nếu ca mổ không thành công tình trạng sức khỏe sẽ càng trầm trọng hơn trước!

Sau khi tham khảo ý kiến của tổng cộng 9 vị giáo sư bác sĩ, tôi quyết định dứt khoát không mổ. May mắn lúc đó người bác sĩ coi về bệnh tiểu đường giới thiệu cho tôi đến gặp một nữ bác sĩ tên Rozenberg, nổi tiếng về những cách điều trị khác thường mà hiệu quả. Vậy là tôi gom hết toàn bộ hồ sơ bệnh án tới gặp bà. Tôi ngạc nhiên khi gặp một người trẻ tuổi, cách nói chuyện dễ thương nhẹ nhàng. Nhìn đống giấy tờ phim ảnh rọi kiếng của tôi đưa ra bà cười nói:

- Tôi trị bệnh cho ông chớ có trị cho mấy tấm hình này đâu mà ông đưa cho tôi làm chi!

Có nghĩa là bà không như mọi bác sĩ khác đòi hỏi phải có đầy đủ các xét nghiệm mới điều trị. Bà chỉ khám cột sống, nhận xét khớp xương bị lệch rồi biểu tôi đi một hai bước cho bà quan sát. Sau cùng bà nói:

- Chân ông đang đau, mỗi bước cử động đã khó khăn rồi. Bây giờ tôi đề nghị cách điều trị này: ông vô nằm nhà thương một tuần lễ, tôi sẽ tiêm thuốc ngay vô tủy của ông làm cho êm thần kinh để ông có thể đi chầm chậm rồi sẽ bắt đầu tập luyện. Ông phải chịu khó tập trong một năm rưỡi mới có kết quả, chừng đó chân ông đi không phải do não điều khiển mà do tự ông nhấc chân đi. Ông sẽ không đi xa được nữa nhưng vẫn có thể đi được và nếu kiên nhẫn tập luyện thì có lẽ bệnh trạng của ông cũng có thể giải quyết được.

Nghe bà nói tôi thấy nhẹ người, 10 ngày sau sẵn sàng nhập viện, phó thác số mạng trong tay bà. Bà bác sĩ nói:

- Tôi sẽ cố gắng chăm sóc ông nhưng ông cũng phải hứa với tôi là hết sức kiên trì tập luyện.

Trong một tuần lễ, bác sĩ tiêm cho tôi mỗi ngày hai mũi ngay vô tủy thì rõ ràng chân bớt đau, có thể cử động, đi tới lui chút đỉnh được. Từ đó bắt đầu chuỗi ngày tập luyện trong suốt một năm rưỡi, ban đầu có người phụ giúp rồi lần lần tự tập một mình.

Những ngày đầu thật hết sức vất vả, tôi đứng đã khó khăn nhưng bị bắt phải nhón chân lên, mỗi ngày ráng thêm một chút cho tới khi nhón lên xuống được mười cái mới được coi là có kết quả. Sau mấy tháng trời bắt đầu tập bước trên máy giống như đi thang lầu. Ngày đầu đi được vài mươi nấc đã đuối sức, lần lần cố lên ba, bốn rồi năm, sáu chục nấc, cho tới khi được 100 nấc là cả một kỳ công! Rồi phải đạp xe, ban đầu đạp ít sau đó đạp lâu hơn. Thời gian đầu nhìn trên bảng thấy đạp được vài trăm thước đã đổ mồ hôi hột, cả tháng trời mới lên được vài cây số. Cố gắng giữ mức đó mà rút ngắn thời gian, được kết quả tốt lại ráng đạp lên đến năm cây số. Sau đó phải đội trên đầu một ký lô rồi tăng lần lên hai ký, cố làm sao để đừng cho rớt mà cổ mình chịu đựng được. Cứ vậy ngày qua ngày tôi kiên nhẫn bền chí tập luyện.

Tại các thiền viện Phật giáo, các thiền sinh học thuộc lòng những bài kệ để luyện cách tập trung tư tưởng. Tôi cũng tự đặt ra những câu kệ phù hợp với hoàn cảnh để đem lại niềm vui cho mình trong lúc luyện tập:

Ta tự căng cột sống

Sắp lại các khớp xương

Thần kinh thông bất thống

Ta đi đứng như thường

Khi đọc câu đầu, tôi tưởng tượng các cột sống của mình đang căng ra, đọc câu thứ hai tôi nhắm mắt hình dung hai khớp xương chệch nhau đang từ từ xích lại. Cứ đọc hết bốn câu thì làm xong bốn động tác, mỗi lần tập phải đủ 25 lần tức 100 động tác.

Mỗi khi đội vật nặng tập bước lên thang lầu tôi tưởng tượng mình là người Ấn Độ đội thúng đi bán bánh, tôi vừa bước vừa giả giọng người Ấn rao: “Bánh rế bánh cay đây”, nhờ vậy mà thấy vui vui nên đỡ nản lòng.

Ngồi trên xe đạp tôi lẩm nhẩm mấy câu thơ tự trào:

Ta ngồi trên xe đạp

Trông có vẻ thảnh thơi

Đạp đi vòng nước Pháp:

Xe vẫn đứng một nơi!

Khi bắt đầu tập đứng một chân, chỉ mới một giây tôi đã té xuống, tôi kiên trì tập hoài cho đến lúc đứng được năm sáu giây. Bà bác sĩ khuyến khích:

- Chỉ cần ông đứng vững trong vòng ba bốn giây là có thể nhấc chân kia lên để bước đi, lần lần như vậy ông sẽ có thể đi xa hơn.

Quả nhiên thời gian đầu tôi chỉ đi được quãng đường mười thước, cố gắng lắm mới được hai mươi rồi ba mươi thước. Sau đó tôi có thể đi chừng 200 thước mới phải ngồi nghỉ. Sau vài năm tôi đi được tới 500 thước, điều đó khiến tôi phấn khởi vô cùng vì thấy nỗ lực của mình có được kết quả.

Trích Hồi ký Trần Văn Khê (Phương Nam phát hành)

******************

Kỳ 13: Kiếp tằm vẫn nhả tơ

GS TRẦN VĂN KHÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp