07/05/2016 08:46 GMT+7

Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 3: Ba tôi - Người hậu tổ

Nghệ sĩ KIM CƯƠNG
Nghệ sĩ KIM CƯƠNG

TTO - Ba tôi là ông Nguyễn Ngọc Cương, trong giới sân khấu thường gọi bằng cái tên thân thương ông bầu Cương hay là anh Tư Cương.

Từ trái qua: NSND Bảy Nam (vai Lý Nhu), Kim Cương (vai Điêu Thuyền) và Bích Thuận (vai Lữ Bố) trong vở Phụng Nghi Đình (1956) - Ảnh tư liệu
Từ trái qua: NSND Bảy Nam (vai Lý Nhu), Kim Cương (vai Điêu Thuyền) và Bích Thuận (vai Lữ Bố) trong vở Phụng Nghi Đình (1956) - Ảnh tư liệu

Theo chú Năm Châu, chú Ba Dân, má Phùng Há thì ba tôi là người có công đóng góp nhiều cho sân khấu cải lương trong những ngày phôi thai.

Ba tôi là người đầu tiên có công đem văn hóa châu Âu áp dụng cho sân khấu cải lương và biết bao công trình khác nữa mà ba đã hi sinh đóng góp cho sân khấu. Nên lúc đó trong nghề thường gọi ba tôi là hậu tổ.

Bệ đỡ của nhiều sao sáng

Bà nội tôi là bà Lưu Thị Ngoạn, một “siêu sao” của ngành hát bội Sài Gòn, vừa là “bà bầu” của mấy đoàn hát bội như Phước Sương, Phước Tường, Phước Thắng. Ngoài ra bà còn là người cất rạp hát Palikao nổi tiếng (nay còn di tích ở chợ Bình Tây). Không chỉ giỏi văn nghệ, bà nội còn là một phụ nữ vừa đẹp vừa tiên tiến.

Tôi nghe kể lại, khi cả nước Việt Nam chỉ có 99 người đàn ông được cấp bằng lái xe thì bằng lái xe của bà nội tôi là bằng thứ 100. Bà giao thiệp rất rộng, từ những quan lại trong triều đến những thương nhân, các nhà tư bản đến cả toàn quyền Đông Dương hồi ấy là ông Georges Catroux, rồi ông kế vị là Jean Decoux đều hết lòng quý trọng bà. Gia đình kể lại, ngày khai trương rạp Palikao, đích thân ông toàn quyền Decoux cắt băng khánh thành.

Ba tôi được sinh ra trong một hoàn cảnh đặc biệt như thế. Ba thừa hưởng tất cả tinh hoa của một tâm hồn nghệ sĩ cùng những thành tựu giáo dục hiện đại của phương Tây lúc bấy giờ. Bà nội cho ba sang Pháp học ngành y, hi vọng ba sau này sẽ thành một vị “docteur” danh giá.

Nhưng những buổi học khô khan của y học không làm ba thấy hứng thú bằng những giờ được “bay bổng” trong các tác phẩm văn học nghệ thuật Tây phương. Thế là ba quyết định bỏ ngành y sang học ngành sân khấu tại Paris.

Lúc ấy phong trào đờn ca tài tử vừa nở rộ, các đoàn hát như Trần Đắc, Năm Tú, Nam Đồng Bang, Tái Đồng Bang... liên tục ra đời. Tất cả đều lấy tích tuồng từ những truyện Tàu như Phụng Nghi Đình, Xử án Bàng Quý Phi, Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê hay từ những tác phẩm văn học nước nhà như Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều... với những y trang áo dài khăn đống như đời thường. Cách hát theo lối ra bộ, quy ước từng động tác cho từng loại nhân cách cố định. Cả cách hát lẫn cách diễn xuất đều khá nặng nề và khuôn khổ.

Khi về nước, ba đem một luồng gió mới cho sân khấu nước nhà khi mang về một loạt tác phẩm văn học của các tác giả kinh điển như Victor Hugo, Molière, Shakespeare... Ba tôi và chú Năm Châu chuyển thể thành những vở cải lương với nội dung cách tân, trang phục phong phú theo đúng phong cách Tây phương.

Cách diễn cũng không còn đóng khung trong mấy loại hình tính cách kiểu trung - nịnh - gian - hiểm mà lối hát ra bộ quy định. Mỗi nhân vật được tự do diễn đúng tính cách của vai tuồng. Từng câu ca cũng tùy theo tính cách, tâm trạng, tình huống nhân vật mà biến tấu.

Người diễn truyền cảm qua giọng hát. Tính ước lệ trong biểu diễn cũng giảm xuống. Vai diễn trở nên gần với công chúng.

Đờn ca tài tử vốn phát triển trong giai đoạn này, nhưng được sự chăm chút cách tân từ những bậc tiền bối như ba đã tạo ra loại hình nghệ thuật mới là cải lương đa âm đa sắc, đa phong cách và đi vào đời sống dễ dàng.

Cải lương dần dần đi vào máu thịt của công chúng, trở thành một món ăn vừa sảng khoái vừa nhân hậu trong đời sống tinh thần của xã hội miền Nam đầu thế kỷ 20. Những ngôi sao cải lương được săn đón ca ngợi. Ánh hào quang của sân khấu có sức thu hút vô cùng mạnh mẽ.

Từ chỗ đó, lượng người theo đoàn hát cũng tăng và có nhiều nghệ sĩ tên tuổi định hình và tồn tại với thời gian bằng một dấu ấn riêng biệt.

Chính vì là người sáng lập một trào lưu mới nên Đoàn cải lương Đại Phước Cương của ba tôi dễ dàng là đoàn hát hàng đầu. Ba tôi vì muốn xây dựng một đội ngũ nghệ sĩ chuyên nghiệp từ ca đến diễn nên đã dày công đào tạo để đưa lên sân khấu rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi lúc bấy giờ như cô Thanh Tùng, cô Ngọc Sương, cô Kim Thoa, cô Bảy Ngọc, cô Năm Cần Thơ... và các chú Năm Nghĩa, Năm Phồi, chú Tám Danh, Ba Du, Từ Anh.

Trong số đó có cả cô Ái Liên - thân mẫu của nghệ sĩ Ái Xuân, Ái Vân - lúc đầu là nghệ sĩ đàn mandolin với những bản nhạc Pháp lời Việt. Ba tôi tập từng bước để bà đứng được trên sân khấu và trở thành nghệ sĩ vang danh một thời.

Ly kỳ tình ái

Ba là người dám yêu và dám sống chết với tình yêu của mình. Má kể mối tình đầu của ba là một cô nữ sinh trẻ đẹp con một gia đình danh giá ở Sóc Trăng. Nhưng trong thời gian ba đi học ở Sài Gòn, cô ấy lại bị ép gả cho ông Chủ Chợ - một người Pháp lai rất có thế lực và tiền bạc.

Hay tin, ba tôi tức tốc bỏ học chạy về Sóc Trăng đúng ngày đám cưới diễn ra. Họ hàng hai bên đang tưng bừng làm lễ rước dâu nhưng tới khi ra mắt hai họ thì cô dâu biến mất.

Thì ra ba tôi đã trèo cửa sổ tầng 2 vào buồng tân hôn “rước” cô dâu đi trước rồi. Hậu quả của cuộc “rước dâu” đặc biệt đó, bà nội tôi phải bôn ba nhờ ông toàn quyền Decoux can thiệp, điều đình suốt mấy năm trời ông Chủ Chợ mới chịu bỏ qua cho.

Và thêm một chuyện tình cảm nữa của ba tôi đã làm chấn động cả xã hội phong kiến lúc bấy giờ. Lúc ấy ba tôi đang yêu cô Năm Nhỏ - một ngôi sao lớn của sân khấu hát bội. Đạo diễn Đinh Bằng Phi - người chuyên nghiên cứu về hát bội - đã viết:

“Cô xuất sắc trong các vai kép đủ loại, lão, tướng, hề, mỗi vai đều biểu diễn rất tài tình, người trông điệu nghệ, ai ai cũng phải cúi đầu khâm phục...”.

Hai vai tuồng bất hủ mà cô đảm nhiệm tạo thành kiệt tác mà từ thuở đó đến mai sau, khó có ai sánh được là vai Trương Phi trong vở Triệt Giang Thủ Cổ Thành và Cao Lan Anh trong Ngũ Biến Báo Phu Cừu.

Ở vai Trương Phi, khán giả không ngờ đó là do một người phụ nữ diễn. Cô đổi ra giọng đàn ông, từ tiếng nói đến gầm thét vang to sang sảng, bộ múa gọn gàng chững chạc thể hiện đúng mức tính cách của một vị tướng uy nghi và nóng nảy.

Còn ở vai Đào Lan Anh, cô phải năm lần cải trang, một mình diễn năm nhân vật khác nhau, mỗi người một tính cách như gã ăn xin phong cùi, cô gái điên qua ải, ông già quá tuổi, thầy tu say rượu và cuối cùng là tên sơn đông mãi võ. Người ta còn nhắc nhớ cô là người phụ nữ đầu tiên múa lân trên sân khấu hát bội.

Lúc đó ba tôi là một công tử con bà bầu gánh lại đẹp trai, phong độ nên tình yêu đã nảy nở giữa hai người. Nhưng oái oăm thay, bác Hai tôi - anh ruột của ba - cũng say mê cô Năm. Và để chia rẽ hai người, bác Hai mới bàn với bà nội là gửi ba sang Pháp học để lo tương lai cho ba.

Không dám cãi lời mẹ, ba tôi đành chia tay người yêu và hẹn sẽ sớm quay về. Nhưng sáu tháng sau, ba tôi hay tin bác Hai đã cưới cô Năm Nhỏ bằng một đám cưới linh đình.

Mấy năm sau ba tôi về nước. Cô Năm và bác Hai đang chuẩn bị chờ đón đứa con đầu lòng. Nhưng một chuyện không may xảy ra, trong một tai nạn, bác Hai bị thương nặng. Biết mình không qua khỏi, bên giường bệnh, bác Hai cầm tay ba tôi khóc và xin lỗi, đồng thời gửi gắm vợ con lại nhờ ba săn sóc. Trước tình cảnh thương tâm, để yên lòng người ra đi nên ba tôi hứa chu toàn lời trăng trối đó.

Hai năm sau mãn tang bác Hai, ba tôi chính thức làm đám cưới với chị dâu mình và nuôi con của anh như con ruột. Sau này anh cũng trở thành một nghệ sĩ sân khấu với nghệ danh Ngọc Trai.

Giữa thời phong kiến khắt khe, hành động cưới chị dâu của ba tôi có thể bị coi là loạn luân, đáng lên án. Nhưng nhờ hấp thu văn hóa phương Tây, coi tình cảm con người là trên hết và là một nghệ sĩ có tâm hồn phóng khoáng, cởi mở nên những rào cản luân lý đó không đủ sức ngăn cản ba tôi.

Sau tình chị là duyên em

Trong suốt thời gian đào tạo cho sân khấu những ngôi sao sáng, ba tôi cũng gặp nhiều mối tình sôi nổi nhưng kết cục vẫn không chống lại được quy luật lợi danh của nghiệp cầm ca.

Ba tạo ra rồi bị mất đi, rồi lại tạo ra. Mỗi người ba đào tạo thành danh đều lần lượt rời bỏ ba để đi theo danh vọng cao sang hơn.

Ngay cả đối với má tôi cũng là một mối tình đặc biệt. Lúc đó má Năm Phỉ là vợ của ba - một đệ nhất đào thương của sân khấu miền Nam. Năm 1935, ba đưa má Năm sang đấu xảo ở Paris và giành được giải nhất.

Má Năm tài hoa lộng lẫy và tánh tình cũng cởi mở không thua ba. Khi trở về, phần đã có vinh quang trong tay, phần cũng chán ngán cuộc sống bôn ba cùng đoàn hát, nên má nghĩ cách để dứt áo ra đi. Nhưng sợ ba buồn khổ và để lòng mình ra đi cũng nhẹ nhàng hơn, má Năm gầy duyên cho ba với má tôi.

May mắn là má rất yêu thương ba và ba cũng dễ dàng đón nhận tình yêu mới khi tình yêu cũ đã không còn có thể nắm níu. Lần này, với quyết tâm tìm một người mẹ cho con và một người vợ cho mình, chứ không phải một ngôi sao cho sân khấu nữa, nên ba khá an tâm với cuộc sống hiện tại.

Tình yêu “thay thế” đó đem lại hạnh phúc cho hai cuộc đời bất hạnh trong hôn nhân. Tiếc là cuộc vui ngắn ngủi vì ba qua đời sớm. Nhưng chị em tôi được sinh ra giữa tình yêu thương ấm áp của ba má.

Bao nhiêu vết thương đã trải qua với má, bao nhiêu thất bại đã tràn qua hôn nhân của ba đều không nghĩa lý gì với hạnh phúc của ba má, trong đó có chúng tôi.

Tôi và em tôi luôn tự hào mình được chào đời trong hạnh phúc đó dù nó ngắn ngủi muộn màng.

Má Năm Phỉ - Ảnh tư liệu gia đình
Má Năm Phỉ - Ảnh tư liệu gia đình

Với dì Năm Phỉ, chị gái của má, tôi gọi bằng má Năm, không chỉ vì lệ thường của các gia đình Nam bộ mà còn bởi má Năm là người đã cứu vớt, cưu mang mấy mẹ con tôi khi lâm vào cảnh ngặt nghèo, khốn khó trong hành trình chạy loạn những năm 1950.

Cùng với má Bảy Nam, má Năm Phỉ là người sắp đặt cuộc đời tôi bằng cách đưa tôi vào học ở trường dòng của các sơ, với mong muốn tôi phải là đứa con gái đằm thắm, nết na, theo nề nếp, khiêm cung của một gia đình gia giáo, thay vì phiêu bạt giang hồ, sống phóng khoáng, tự do của cuộc đời nghệ sĩ.

Nhưng cũng thật trớ trêu thay, cũng chính hai má lại đưa đẩy tôi đến với sân khấu và ghi đậm những dấu ấn mạnh mẽ trên con đường nghệ thuật của tôi sau này.

_____________

Bước vào nghiệp cầm ca

Đời nghệ sĩ đắng cay khiến người mẹ muốn đẩy con mình tránh xa sàn diễn. Nhưng dù tính toán lo xa cỡ nào, bà Bảy Nam vẫn bị cái vòng nghệ thuật nghiệt ngã lôi kéo. Như một định mệnh, “má đã kéo cả tôi vào cuộc”.

Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 1: 18 ngày tuổi và vai diễn đầu đời

Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 2: Khóc cho kiếp cầm ca

Nghệ sĩ KIM CƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp