08/08/2023 10:29 GMT+7

Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam: 30 năm hỗ trợ khoa học Việt

Ngày 7-8, tại Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE, TP Quy Nhơn, Bình Định) đã diễn ra hội nghị khoa học quốc tế với chủ đề 'Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ'.

Nhà khoa học quốc tế dự hội nghị "Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ" tại TP Quy Nhơn, Bình Định sáng 7-8 - Ảnh: LÂM THIÊN

Nhà khoa học quốc tế dự hội nghị "Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ" tại TP Quy Nhơn, Bình Định sáng 7-8 - Ảnh: LÂM THIÊN

Hội nghị do Trung tâm ICISE, Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức.

Đánh dấu chặng đường 30 năm

Hội nghị có sự tham gia của GS Gerard t'Hooft (Nobel Vật lý 1999), Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, PGS.TS Phan Thanh Bình - nguyên giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội và hơn 200 nhà khoa học quốc tế.

Theo ban tổ chức, hội nghị cung cấp một diễn đàn học thuật để các nhà khoa học trong nước và quốc tế hợp tác khoa học, tham gia trao đổi thảo luận về các khám phá mới nhất trong lĩnh vực vật lý hạt cơ bản, vật lý năng lượng cao và thiên văn học. 

Phát biểu tại hội nghị, GS Trần Thanh Vân - chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam - cho biết đây là hội nghị đặc biệt vì nó đánh dấu chặng đường 30 năm thành lập Hội Gặp gỡ Việt Nam, 10 năm hoạt động của Trung tâm ICISE.

Kể về hành trình vừa tròn tuổi 30 của Hội Gặp gỡ Việt Nam và 10 năm đi vào hoạt động của Trung tâm ICISE, GS Trần Thanh Vân nói: "Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam là một tổ chức phi chính phủ, hoạt động phi lợi nhuận, được thành lập theo Luật Hội đoàn 1901 tại Pháp từ năm 1993, trên cơ sở kinh nghiệm và từ những thành công được cộng đồng khoa học quốc tế ghi nhận và đánh giá cao về các tổ chức Gặp gỡ Moriond (57 năm, từ năm 1966) và Gặp gỡ Blois (34 năm, từ năm 1989). 

Mục đích chính của Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam là kết nối hợp tác, hỗ trợ và giúp đỡ để đóng góp cho sự phát triển khoa học và giáo dục bậc cao của Việt Nam".

Năm 2012, Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam trở thành đối tác chính thức của tổ chức UNESCO. "Lúc vợ chồng tôi chọn nơi này là địa điểm để xây dựng Trung tâm ICISE, ở đây là một khu đất trống, nhiều lau sậy. Tuy nhiên, nơi này cách xa trung tâm và rất yên tĩnh, thích hợp cho việc nghiên cứu khoa học. 

Đến bây giờ, tôi rất vui vì nơi đây đã trở thành điểm đến thường xuyên của các nhà khoa học trên thế giới khi về Việt Nam. Tôi cảm ơn các lãnh đạo tỉnh Bình Định đã nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ chúng tôi" - GS Vân chia sẻ.

Điều tôi mong muốn nhất chính là lãnh đạo tỉnh và trung ương luôn tạo điều kiện, cơ chế để các nhà khoa học Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài về cống hiến cho đất nước. Tôi biết có rất nhiều nhà khoa học là người Việt Nam rất giỏi, họ rất muốn trở về làm việc và đưa nền khoa học của chúng ta đi lên.
GS Trần Thanh Vân

Quảng bá hình ảnh Việt Nam

Tại hội nghị, ông Hồ Quốc Dũng - bí thư Tỉnh ủy Bình Định - chia sẻ: "15 năm trước, không ai nghĩ TP Quy Nhơn sẽ đón hàng ngàn nhà khoa học danh tiếng và các giáo sư đoạt giải Nobel; không ai nghĩ Bình Định sẽ hình thành được trung tâm khám phá khoa học đầu tiên của cả nước. 

Đến bây giờ, Bình Định được như vầy thì có công sức, đóng góp, tình cảm rất lớn của vợ chồng GS Trần Thanh Vân. Có thể nói, trong hơn 10 năm vừa qua, sự phát triển của Trung tâm ICISE là một điều rất diệu kỳ. Tôi vô cùng cảm kích vợ chồng giáo sư!".

Theo ông Hồ Quốc Dũng, Bình Định là mảnh đất hiếu học, trọng nhân nghĩa, yêu mến khoa học và tôn trọng tri thức. Việc xây dựng Bình Định trở thành một điểm đến của các nhà khoa học luôn được các thế hệ lãnh đạo của tỉnh quan tâm và được coi là hướng đi mới trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh.

"Thông qua các hoạt động của Hội Gặp gỡ Việt Nam và các sự kiện khoa học tại Trung tâm ICISE đã góp phần quảng bá và tạo hiệu ứng truyền thông làm cho hình ảnh tỉnh Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung rõ nét hơn trong khu vực và trên thế giới, đưa vị thế của Việt Nam ngày càng được biết đến trên trường quốc tế về lĩnh vực khoa học và giáo dục bậc cao. 

Tỉnh Bình Định sẽ luôn tiếp tục đồng hành cùng Hội Gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm ICISE để phát triển nơi đây thành đô thị khoa học hàng đầu của Việt Nam", ông Dũng nhấn mạnh.

Để khoa học đóng góp cho phát triển

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá sự có mặt của các nhà khoa học quốc tế, đặc biệt là các giáo sư đoạt giải Nobel, cho thấy sự tâm huyết và nhiệt tình của các nhà khoa học quốc tế đối với Việt Nam.

"Tôi hy vọng tại hội nghị này, các nhà khoa học sẽ thảo luận về các vấn đề chuyên môn nhưng đồng thời cũng thảo luận về vấn đề làm sao để khoa học đóng góp nhiều nhất cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tôi mong các nhà khoa học quốc tế có thể đưa ra nhiều gợi ý cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý về cách thức, lộ trình và những kinh nghiệm quý báu của các nước phát triển cho Việt Nam về phát triển và phát triển bền vững", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt chia sẻ.

Hỗ trợ của 8 nhà khoa học đoạt giải Nobel

ICISE được khởi công xây dựng ngày 11-12-2011 và khánh thành đưa vào hoạt động ngày 12-8-2013. Trung tâm ICISE đã nhận được sự hỗ trợ của Hội đồng quốc tế bảo trợ cấp cao về khoa học gồm 8 nhà khoa học đoạt giải Nobel. Tính đến năm 2023, Trung tâm ICISE đã tổ chức gần 150 hội nghị khoa học quốc tế chất lượng cao và hơn 45 trường học khoa học chuyên đề, với gần 10.000 nhà khoa học đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hội nghị quốc tế "Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ" nhân 30 năm  Hội Gặp gỡ Việt NamHội nghị quốc tế 'Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ' nhân 30 năm Hội Gặp gỡ Việt Nam

Sáng 7-8, tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), TP Quy Nhơn, đã diễn ra Hội nghị khoa học quốc tế "Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ" nhân kỷ niệm 30 năm Hội Gặp gỡ Việt Nam, 10 năm hoạt động của Trung tâm ICISE.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp