Bổ sung cơ chế đào tạo nhân lực cho metro
Hội đồng Tư vấn nghị quyết số 98 vừa có ý kiến gửi Văn phòng UBND TP.HCM về góp ý đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM. Theo đó, hội đồng tiếp tục ủng hộ xây dựng một đề án tổng thể quy hoạch 200km metro cho TP.HCM để trình Bộ Chính trị, Quốc hội phê duyệt. Trong đó có phân cấp, phân quyền cho TP.HCM quyết định đối với các dự án thành phần.
Đối với 14 cơ chế, kiến nghị trong đề án, hội đồng đề nghị ban soạn thảo bố cục thành 5 nhóm để các cơ chế kiến nghị mang tính tập trung, rõ ràng, tránh các nội dung đề xuất bị dàn trải. Trong đó 5 nhóm cơ chế kiến nghị gồm: nhóm cơ chế chưa có tiền lệ, phân quyền cho TP để phê duyệt từng đề án con; nhóm cơ chế tài chính; nhóm cơ chế hoạt động; nhóm cơ chế để phát triển công nghiệp hỗ trợ công nghiệp đường sắt đô thị; nhóm cơ chế tổ chức triển khai.
Hội đồng đề xuất nghiên cứu bổ sung thêm nhóm cơ chế, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án trước, trong và sau khi đề án hình thành.
Về năng lực quản trị nhà nước và năng lực của cán bộ công chức hiện nay, theo hội đồng, đây là vấn đề cấp bách cần cải thiện trong bối cảnh hiện nay. Hội đồng đề nghị triển khai nhanh, quyết liệt đề án nền công vụ ưu tú, hiệu quả. Đồng thời lên kế hoạch trong tháng 3-2024 tổ chức hội thảo, tọa đàm về thách thức trong nâng cao năng lực nền công vụ TP và giải pháp.
Ngay khi Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn triển khai một số lĩnh vực trong nghị quyết 98, nghị định thay thế nghị định 93, hội đồng kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo soạn thảo cẩm nang công vụ. Theo đó tích hợp các nội dung, lĩnh vực trong hai nghị định, giúp các sở ngành biết nhiệm vụ của mình, cũng như phục vụ điều hành cho lãnh đạo TP.
Ngoài ra, TP.HCM kiến nghị cần kiến nghị Chính phủ ban hành tiêu chuẩn quốc gia về hệ thống đường sắt đô thị.
Hoàn thiện đề án, chuẩn bị trình Quốc hội
Tháng 2-2023, Bộ Chính trị đã có kết luận số 49 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kết luận đề ra mục tiêu vào năm 2035, TP.HCM phải hoàn thành mạng lưới metro theo quy hoạch. Vì vậy, để đạt mục tiêu này, TP phải có cách làm mới, đột phá để hoàn thành 200km metro còn lại trong 12 năm.
Mới đây, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã có văn bản gửi UBND TP cho hay đề án đang trong quá trình chuẩn bị, phạm vi rất bao quát, bao gồm các khía cạnh về kỹ thuật, công nghệ, cơ chế, chính sách, tài chính và quy trình thực hiện theo pháp luật Việt Nam hiện hành. Để đề án đảm bảo về cả chất lượng nội dung và tiến độ yêu cầu, cần có sự ủng hộ, phối hợp nhiệt tình, chặt chẽ và kịp thời của tất cả các đơn vị liên quan.
Cách đây vài hôm, tại kết luận cuộc họp lần thứ 1 của Thường trực Ban chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giao Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia để cập nhật, hoàn chỉnh đề án.
Về mốc tiến độ, lãnh đạo UBND TP giao hoàn thiện đề án để trình Ban Thường vụ Thành ủy TP trong tháng 3-2024. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ tài liệu trong tháng 3-2024 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc trình tại kỳ họp chuyên đề của Quốc hội, không chờ đến kỳ họp Quốc hội cuối năm.
Làm theo quy trình cũ, một tuyến metro cần 12-15 năm
Nếu chiếu theo quy định hiện hành, để đầu tư một tuyến metro trung bình thường mất 12-15 năm. Cụ thể, giai đoạn chuẩn bị đầu tư từ khi lập đề xuất đến duyệt dự án với tổng thời gian từ 4-5 năm. Ở giai đoạn triển khai dự án cần 6-7 năm. Giai đoạn kết thúc dự án (nghiệm thu, bàn giao, đưa dự án vào vận hành khai thác) với thời gian từ 2-3 năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận