PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Ảnh: NGỌC HÀ |
"Với cá nhân, tôi không ngại việc chia sẻ quyền vì mục tiêu của tôi là để trường phát triển, chứ không phải củng cố vị trí quyền lực" |
PGS.TS Hoàng Minh Sơn |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, khẳng định: "Tự chủ là xu hướng tất yếu của các trường ĐH. Có điều tự chủ đến đâu, tự chủ một phần hay toàn diện thì cần có lộ trình phù hợp. Quyền tự chủ được giao càng lớn thì trách nhiệm của nhà trường càng cao và vai trò giám sát của Nhà nước, của xã hội càng quan trọng".
* Trong 14 trường ĐH được phê duyệt đề án thí điểm tự chủ trước đó, đã có trường tự mở ngành lên đến 10-20 ngành mới chỉ sau hơn một năm. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội liệu có vận dụng tối đa quyền tự chủ để mở ngành mới, thu hút thí sinh không, thưa ông?
- Thực tế từ năm 2011, Bộ GD-ĐT đã phê duyệt đề án thí điểm tự chủ tại trường với một số quyền tự chủ được mở rộng hơn so với chính hoạt động của nhà trường trước đó và so với các trường ĐH công lập khác. Trong các quyền tự chủ đó, đã có quyền tự chủ mở ngành.
Cũng từ năm 2011, chúng tôi đã tự chủ về xây dựng chương trình đào tạo, không phải “bó” trong chương trình khung như quy định, để rồi sau này Bộ GD-ĐT cũng đã bỏ chương trình khung cho tất cả các trường.
Nghĩa là, khác với 14 trường thực hiện thí điểm vừa qua, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã được tự chủ hoàn toàn mở ngành từ năm 2011. Chỉ có điều khác là trước đây trường được tự chủ mở ngành với các ngành trong danh mục của bộ, nhưng với đề án mới được thực hiện từ năm học này, trường còn có thể tự chủ mở những ngành mới mà ngay trong danh mục ngành đào tạo của bộ cũng chưa cập nhật.
Hiện tại, trường có 33 ngành đào tạo ĐH và không phải vì được mở rộng quyền tự chủ mà trường sẽ mở ngành ào ạt.
Trước mắt, tôi khẳng định trường chưa mở thêm ngành mới nào. Việc mở ngành mới của trường sẽ vẫn dựa trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng nhu cầu lao động từ thị trường, chứ không đơn thuần chạy theo xu hướng người học cốt tăng chỉ tiêu, tăng nguồn thu được.
* Thực tế, hoạt động của hội đồng trường ở nhiều trường hiện rất hình thức vì bộ chủ quản không muốn buông quyền chủ quản và hiệu trưởng đương nhiệm các trường cũng nặng tâm lý không muốn chia sẻ quyền lực. Ở vai trò của một hiệu trưởng, ông có ngại phải chia sẻ quyền lực?
- Trường mong muốn và nỗ lực xây dựng hội đồng trường thành cấp có thực quyền, chuyển đổi từ chế độ một thủ trưởng hiện nay sang chế độ tập thể lãnh đạo. Có cơ chế hội đồng trường là cấp thực quyền rất tốt, sẽ giúp quyết định của nhà trường không bị rơi vào tình cảnh chỉ là quyết định độc đoán của một người.
Tăng quyền cho hội đồng trường cũng có nghĩa là hội đồng trường cũng sẽ chia sẻ trách nhiệm với hiệu trưởng.
* Được biết, chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Bách khoa Hà Nội hiện đang là một giảng viên. Ông có lo ngại hội đồng trường khó làm tròn vai trò hoạch định chiến lược cũng như giám sát việc thực hiện chiến lược ấy khi chủ tịch hội đồng trường - xét ở vai trò ngoài hội đồng trường - lại là cán bộ trực thuộc sự quản lý của hiệu trưởng?
- Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thành lập hội đồng trường từ tháng 3-2016. Ngoài các thành viên trong trường, hội đồng trường có năm thành viên ngoài trường gồm một phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) và chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc các tập đoàn lớn như VNPT, Tập đoàn Dầu khí...
Chủ tịch hội đồng trường nguyên là trưởng phòng hành chính - tổng hợp và nay không kiêm nhiệm bất cứ vị trí quản lý nào khi được bầu làm chủ tịch hội đồng trường. Tuy nhiên, không nên so sánh hiệu trưởng với chủ tịch hội đồng trường “ai to hơn ai”, “ai bị phụ thuộc vào ai”.
Quyền lực cao nhất của trường là hội đồng trường, của cả tập thể các thành viên hội đồng chứ không phải của riêng chủ tịch hội đồng trường. Hiệu trưởng chỉ là một thành viên của hội đồng trường và phải chấp hành nghị quyết của hội đồng. Đứng về vai trò là một giảng viên thì chủ tịch hội đồng trường hay hiệu trưởng cũng đều chịu sự quản lý trực tiếp của trưởng bộ môn.
Hội đồng trường sẽ bầu chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng Theo ông Hoàng Minh Sơn, trước đây để thực hiện bổ nhiệm hiệu trưởng, trường cũng làm đầy đủ các quy trình giới thiệu nhân sự trình Bộ GD-ĐT, nhưng quyền quyết định cuối cùng hoàn toàn do sự lựa chọn, cân nhắc của bộ. Tuy nhiên, theo đề án vừa được phê duyệt, cùng với việc kiện toàn hội đồng trường là cấp có thực quyền, thì việc bầu hiệu trưởng, phó hiệu trưởng sẽ thuộc quyền của hội đồng trường. Từ kết quả bầu các chức danh này, Bộ GD-ĐT là cơ quan chủ quản của trường sẽ ra quyết định bổ nhiệm hoặc phê duyệt hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo đề nghị của hội đồng trường. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận