Phim Vị bị cấm phát hành vì cảnh khỏa thân quá dài
Sự kiện dài gần 6 tiếng đồng hồ, quy tụ các nhà làm phim: Trần Anh Hùng, Phan Đăng Di, Charlie Nguyễn, Hồng Ánh, Nguyễn Quang Dũng, Phan Gia Nhật Linh, Nguyễn Hoàng Điệp, Trần Thị Bích Ngọc, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Hữu Tuấn...
Làm phim 7 năm mà bị cấm, nhà làm phim Vị kêu cứu
Nhà sản xuất Đồng Thị Phương Thảo của phim Vị - bị cấm gần đây - cho biết lệnh cấm là án tử, khiến êkip đau lòng. Chị và đạo diễn Lê Bảo đã từ bỏ quyền sở hữu, quyền tác giả của mình với bộ phim để mong cứu phim.
Chị Phương Thảo nói về trải nghiệm bị cấm phim: "Phim của chúng tôi không có cảnh nào thô tục, dung tục. Những bài báo suy diễn đã làm tổn thương đến những cá nhân đã tham gia nhiệt tình và chân thành với bộ phim".
Phim Vị được thực hiện trong 7 năm. Phương Thảo và đạo diễn Lê Bảo mang dự án ra quốc tế để giới thiệu và gây quỹ, được ghi nhận là tiềm năng do ngôn ngữ điện ảnh của Lê Bảo.
Nhà sản xuất nói: "Sẽ không có ai bỏ ra 7 năm cuộc đời để theo đuổi một bộ phim dung tục. Sẽ không có quỹ nào tin tưởng trao tiền cho một bộ phim không có bất cứ giá trị nghệ thuật nào.
Lệnh cấm với phim Vị không khác nào án tử của bộ phim. Phim nhận lệnh cấm nhưng không được xem xét về góc độ nghệ thuật. Chúng tôi chỉ mong muốn phim được xem xét lại, phân loại độ tuổi, và được phổ biến đến phân khúc khán giả phù hợp là tại các liên hoan phim.
Tôi và Lê Bảo mong muốn cứu "đứa con" này. Là đạo diễn, Lê Bảo chấp nhận từ bỏ quyền tác giả. Là nhà sản xuất, tôi chấp nhận từ bỏ quyền sở hữu. Đó là cách duy nhất để phim có thể được cứu".
Để cứu các phim như Vị, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng cần có cơ chế duyệt riêng cho các phim Việt Nam được các liên hoan phim quốc tế uy tín lựa chọn.
Chị nói: "Tôi đề xuất thành lập một hội đồng phi lợi nhuận, hoạt động theo bộ tiêu chí riêng để cấp visa cho phim được chiếu tại liên hoan phim quốc tế. Visa này không có giá trị như giấy phép phổ biến ở Việt Nam hiện nay nhưng sẽ giúp phim có thể tham gia liên hoan phim ở các quốc gia khác".
Từ trái qua phải, từ trên xuống dưới: Đạo diễn Charlie Nguyễn, Trần Thanh Huy, nhà sản xuất phim Vị Đồng Thị Phương Thảo và đạo diễn Trần Anh Hùng tại tọa đàm Ai góp ý giơ tay lên
Cần thêm một hội đồng trọng tài
Các nhà làm phim trăn trở và góp ý cho hội đồng duyệt, tức Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện, trong cách tư duy về điện ảnh và thực thi Luật điện ảnh.
Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn (được đông đảo khán giả nhớ tới với phim truyền hình Đất phương Nam, phim điện ảnh Trăng nơi đáy giếng) góp ý thẳng thắn: "Cho tới bây giờ, ý kiến của hội đồng duyệt với nhà làm phim là một mệnh lệnh không thể chối cãi.
Người làm phim suy nghĩ về bộ phim hàng năm trời, còn hội đồng duyệt chỉ mất 1, 2 tiếng đồng hồ xem phim và cho ý kiến, bắt nhà làm phim thực hiện bằng được. Họ không chỉ coi khán giả là trẻ con mà cũng coi nhà làm phim là trẻ con, ngây thơ, thiếu sáng suốt, không yêu nước bằng họ, có bản lĩnh chính trị như những đứa trẻ".
Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn chỉ ra thực trạng là các văn bản chỉ ghi chung chung là "ý kiến hội đồng duyệt" về bộ phim.
Ông phản đối và đề xuất phải minh bạch, ai nêu ý kiến thì ghi rõ tên, ghi rõ cả những nội dung tranh luận. Nếu hội đồng duyệt không thể đồng thuận với nhau về một bộ phim thì phải có thêm một hội đồng trọng tài.
"Hiện nay hội đồng duyệt chỉ cần ghi một tờ giấy rồi về nhà nghỉ khỏe, trong khi đó bao nhiêu thứ tai hại đổ lên đầu nhà làm phim, nhà sản xuất và cả một nền điện ảnh. Ai có thể làm việc dựa trên luật lệ không minh bạch và có thể giải thích nhiều kiểu, nhiều chiêu như vậy?" - Nguyễn Vinh Sơn phát biểu đanh thép.
Phim Mặt trời con ở đâu bị yêu cầu bổ sung thêm cảnh quay dù không cần cho nội dung phim
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cũng lấy ví dụ một yêu cầu chỉnh sửa từ hội đồng duyệt. Bộ phim Mặt trời con ở đâu của anh có các nhân vật trẻ con quậy phá, ngoài việc phải cắt bỏ nhiều cảnh, hội đồng yêu cầu quay thêm cảnh chính quyền địa phương cấp cơ sở bàn bạc cách giáo dục bọn trẻ. Với đạo diễn, cảnh đó không có giá trị gì với bộ phim nhưng êkip vẫn phải quay để phim có thể công chiếu.
Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng yêu cầu đó có thể xâm phạm quyền tác giả được luật pháp bảo hộ.
Anh phân tích: "Nguyên tắc quốc tế thừa nhận tác phẩm được bảo hộ ngay tại thời điểm sáng tạo ra nó. Liệu việc hội đồng có thể yêu cầu các nhà làm phim sửa đổi, cắt bỏ, bổ sung nội dung phim thì có đang xâm phạm quyền tác giả theo quy định của Công ước Berne? Hội đồng đang sử dụng quyền lực hành chính để ép nhà làm phim thay đổi tác phẩm trái với mong muốn".
Anh Tuấn cho hay trong khoảng 10 năm gần đây, đạo diễn Lưu Huỳnh có đến 3, 4 tác phẩm bị "treo" do không chấp nhận yêu cầu thay đổi tác phẩm. Việc phim bị "treo" khiến những nhà đầu tư, nhà sản xuất đứng sau có thể tán gia bại sản.
Một số kiến nghị của giới làm phim về dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi):
* Xóa bỏ các điều cấm trong luật, biến thành bộ tiêu chí riêng, tránh mơ hồ, gây suy diễn chủ quan.
* Lệnh cấm áp dụng khi chứng minh được sự gây hại của phim theo cách đánh giá khoa học.
* Hội đồng duyệt chỉ phân loại, không cấm phổ biến phim, nên đổi tên thành Hội đồng đạo đức.
* Có 2 hội đồng trung ương ở cả Hà Nội và TP.HCM.
* Làm việc với nhà làm phim theo quy trình chính thức, mọi liên hệ ngoài đều coi là vi phạm pháp luật.
* Xây dựng cơ chế khiếu nại hành chính minh bạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận