26/11/2009 06:24 GMT+7

Hội diễn cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009: thiếu hơi thở đương đại

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TT - Tính tới ngày 25-11, hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc đi được hơn nửa chặng đường và đã có 17 vở diễn được trình làng.

Xem hát có... thuyết minh Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc: nhiều vở diễn mới

T8afEB9J.jpgPhóng to
Vở Trở về miền nhớ (Đoàn Văn công Đồng Tháp)- Ảnh: T.T.D.

Dù chuẩn bị tinh thần trước theo thông báo của ông Nguyễn Đăng Chương, trưởng ban tổ chức, rằng các vở tham gia hội diễn lần này chiếm ưu thế về đề tài lịch sử, chiến tranh, nỗi đau hậu chiến, dã sử, dân gian; thế nhưng người xem không ngờ đề tài cũ có thể áp đảo hội diễn đến vậy!

Lịch sử đa dạng

Mặc dù nhiều vở khai thác đề tài lịch sử nhưng mỗi đoàn có cách khai thác khác nhau nên vẫn đem lại cảm giác khá dễ chịu cho người xem. Đế đô sóng cả (Nhà hát cải lương VN) mở đầu hội diễn đã đem lại ấn tượng tốt với lối kể chuyện lịch sử thâm trầm nhưng không kém phần gay cấn. Vở diễn khai màn đã tạo nhiều hứng khởi để người xem tiếp tục chào đón những vở diễn lịch sử sau đó.

Tính tới thời điểm này đã có tám vở lịch sử được trình làng, theo đánh giá của nhiều người thì chất lượng các vở khá đồng đều, trong đó có những vở nổi trội với phong cách dàn dựng khá hấp dẫn.

Có thể kể đến Trọn đời trung hiếu với Thăng Long của Nhà hát cải lương VN do Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn. Vở rất bắt mắt với lối dàn dựng nhiều biến hóa khiến câu chuyện tự yếm mình vì nghĩa cả, vì non sông của danh tướng Lý Thường Kiệt trở nên bi tráng, hào hùng và đầy nỗi đau thế sự. Dàn diễn viên đảm nhiệm tuyến nhân vật chính có đầy đủ nội lực trong ca diễn như Lý Thường Kiệt (Mạnh Hùng), Thuần Khanh (Thu Trang), Thượng Dương hoàng hậu (Thiên Hoa)... liên tục đẩy vở diễn đến những cao trào. Cách dàn dựng mạnh mẽ nhưng đầy nữ tính của Quỳnh Mai đã đem đến cho hội diễn nhiều cảm xúc tươi mới.

Đại thần Thăng Long, Lễ mở xiêm áo (Nhà hát cải lương Hà Nội), Tình sử vương triều (Đoàn cải lương Nam Định) không có nhiều đột phá trong dàn dựng nhưng cũng thuộc dạng dễ xem vì chú trọng khai thác tính hấp dẫn của câu chuyện và có sự trau chuốt trong diễn xuất của nghệ sĩ.

Hậu chiến... nhiều nỗi đau

Đề tài chiến tranh, nỗi đau hậu chiến cũng là một mảng các đoàn rất mặn mà khai thác, nhất là các đoàn nghệ thuật phía Nam. Cách “kể” phổ biến là lồng ghép quá khứ và hiện tại, ở đó có những con người đã đi qua chiến tranh nhưng vẫn không nguôi nỗi nhớ đồng đội, nhớ về một thời đạn bom ác liệt.

Có vở diễn khắc họa được những nỗi đau rất thật nhưng ít nhiều tránh được sự lên gân. Mẹ của chúng con (Nhà hát Tây Đô, Cần Thơ) tinh tế với nỗi đau của hai bà mẹ mất hai đứa con không cùng chiến tuyến (một là du kích, một là lính cộng hòa). Vở được dàn dựng chắt chiu trong từng chi tiết khiến nỗi đau nội tâm được khắc họa rõ nét.

Trở về miền nhớ (Đoàn văn công Đồng Tháp) là cuộc trở về ký ức đau thương của những con người thời bình, nhưng trở về không phải để xoáy sâu hận thù mà trở về để hóa giải, yêu thương. Diễn viên tham gia lên đến gần 100 người, những dàn trống lớn, dàn đờn làm nền khiến cuộc trở về mang đậm chất tráng ca. Tuy nhiên, nếu như diễn xuất của tuyến chính khá tốt thì tuyến phụ vẫn chưa được chăm chút đúng mức để làm nền cho câu chuyện thăng hoa.

Cổ tích thời hiện đại (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang) mang bóng dáng của câu chuyện ăn khế trả vàng, ở đó có những con người đã đi qua chiến tranh lặng lẽ giữ hồn núi và hồn biển trên mảnh đất thân yêu.

Tiếng trống Sa Dăm (Đoàn cải lương Ánh Hồng, Trà Vinh) là nét chấm phá khá lạ, ca ngợi tình cảm chan hòa của ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Bên cạnh đó vẫn có những vở không có nhiều sáng tạo nên không để lại nhiều ấn tượng nơi người xem.

Hơi thở đương đại thiếu vắng, vì sao?

Sự nỗ lực của các đoàn trong việc dàn dựng vở diễn lịch sử và chiến tranh là cần thiết để khơi gợi lại lòng tự hào dân tộc, nhưng cứ diễn mãi một tông màu khiến người xem cảm thấy... ngợp! Hội diễn đã đi hơn nửa chặng đường nhưng đến nay vẫn mới có mỗi vở Nước mắt thâm tình (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang) thoát ly hẳn đề tài về lịch sử, chiến tranh, nỗi đau hậu chiến, dân gian...

Theo ý kiến một người làm nghề, các đoàn tham gia hội diễn thường có tâm lý dựng vở có dính dáng đến lịch sử, chiến tranh để dễ có giải. Thêm nữa, quy chế tổ chức hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2009 ghi rõ: “Khuyến khích các tác phẩm có chủ đề, nội dung hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thì việc các đoàn nô nức dựng vở lịch sử, chiến tranh cũng là lẽ đương nhiên.

Ông Nguyễn Đăng Chương từng thừa nhận việc dựng các vở diễn có đề tài về xã hội hiện nay là một thách thức đối với sân khấu cải lương. Thách thức đó, theo soạn giả Ngô Hồng Khanh, là bởi để viết và dàn dựng một vở cải lương phản ánh những vấn đề thời sự phải mất rất nhiều thời gian.

Với kinh nghiệm gần tám năm cầm bút, tác giả trẻ Triệu Trung Kiên của Nhà hát cải lương VN bày tỏ: “Có ý kiến cho rằng các soạn giả cải lương đang trốn mình vào lịch sử, ý kiến đó có phần đúng nhưng chưa bao quát. Thật ra đề tài lịch sử nói riêng cũng như đề tài dân gian, chiến tranh... thuận lợi hơn khi được dựng trên sân khấu cải lương. Vì sân khấu cải lương có tính ước lệ cao nên khi dựng đạo diễn sẽ phát huy được nhiều sự sáng tạo”.

Cái khó nữa mà Triệu Trung Kiên chia sẻ là kịch nói, phim ảnh có thể dễ dàng phản ánh cuộc sống hiện đại hơn cải lương vì không có... ca! Ca là ước lệ, mà dùng cái không thực để phản ánh cái thực là một điều hết sức khó khăn rồi, làm sao dung hòa được hình thức ca diễn truyền thống trong một vở diễn về cuộc sống đương đại?!

Một lý do sâu xa nữa mà nhiều người đang rất trăn trở là hiện cải lương quá thiếu đội ngũ viết kịch bản. NSƯT Trần Minh Ngọc có lần đã nói: “Người viết cải lương bây giờ không những thiếu mà còn cũ, người còn sức viết cũng có khi không có con mắt nhìn ra vấn đề! Viết kịch bản cải lương vất vả hơn viết kịch bản phim, kịch nói nhiều mà thù lao lại chẳng bao nhiêu nên người làm nghề khó bền lòng là vậy!”.

Khi cả hội diễn chỉ vỏn vẹn hai vở diễn mang đề tài đương đại góp mặt, hẳn những người làm nghề cũng có nhiều điều cần suy gẫm. Mong mỏi mở rộng đối tượng khán giả cho cải lương - đặc biệt là giới trẻ - đang gặp nhiều khó khăn phải chăng một phần cũng bởi cải lương thiếu vắng những kịch bản hay, tràn đầy hơi thở thời đại?

2/28

Nửa đoạn đường đầu của hội diễn, các vở về đề tài lịch sử, chiến tranh đã chiếm ưu thế, nửa đoạn đường sau vẫn... thừa thắng xông lên, vì khán giả sẽ tiếp tục được “đãi” nhiều vở diễn thuộc đề tài này như: Cờ nghĩa giồng Sơn Quy (Đoàn nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang), Sắc tứ Tam Bảo tự (Đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang), Bến nước Ngũ Bồ (Nhà hát Thế giới trẻ), Tình yêu và khát vọng (Đoàn cải lương Thanh Hóa), Nghĩa sĩ Cần Giuộc (Đoàn cải lương Long An), Dời đô (Đoàn cải lương Đồng Nai)... Các vở thuần đề tài xã hội chỉ có hai vở (Sau lũy tre làng, Nước mắt thâm tình), chiếm quá ít so với 28 vở tham gia trong hội diễn!

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp