Người dân đi chợ tại cửa hàng trên đường Nguyễn Văn Tăng, P.Long Thạnh Mỹ (TP Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: HOÀNG AN
Bác sĩ Bùi Thị Yến Nhi - Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cơ sở 3 - cho biết đường lây truyền của virus COVID-19 thông qua đường hô hấp như giọt bắn, hạt khí dung, không khí, khi tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh, hoặc tiếp xúc qua các vật dụng hoặc bề mặt bị nhiễm mầm bệnh.
Các hành động nói to, ca hát, ho và nhất là hắt hơi sẽ làm lan truyền các giọt bắn lơ lửng trong môi trường không khí. Vì vậy một chiếc khẩu trang vừa vặn, khít với khuôn mặt, giúp cố định tốt hạn chế những động tác điều chỉnh hay một tấm chắn giọt bắn sẽ hạn chế được phần nào nguy cơ hít phải các giọt bắn chứa virus.
Vậy khi nhà đông có 5-7 người, nếu gia đình đã thực hiện nghiêm túc chỉ thị giãn cách, không ai ra ngoài đi làm việc hay tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ thì không nhất thiết phải đeo khẩu trang 24/7.
Chỉ khi trong gia đình vẫn có người phải đi làm, tiếp xúc với môi trường có nhiều yếu tố nguy cơ, hay có một số dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh thì phải đeo khẩu trang khi giao tiếp.
Tuy nhiên, khẩu trang chỉ là một phần trong các nguyên tắc an toàn khi giao tiếp trong mùa dịch, phải kết hợp với các biện pháp an toàn khác (giữ khoảng cách, rửa tay, vệ sinh các bề mặt hay tiếp xúc).
Việc làm sạch các bề mặt bị bẩn, sau đó khử trùng các bề mặt này là một biện pháp thực hành tốt nhất để phòng ngừa COVID-19 và các bệnh hô hấp khác do virus gây ra trong cộng đồng.
Việc làm sạch và khử trùng là không giống nhau:
- Làm sạch có nghĩa là loại bỏ mầm bệnh, bụi bẩn, tạp chất ra khỏi bề mặt. Nó không giết chết mầm bệnh nhưng làm giảm số lượng của chúng trên bề mặt. Nên làm sạch thường xuyên hơn khi bạn nghi ngờ gia đình có người nhiễm bệnh.
- Khử trùng là sử dụng các hóa chất do cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) đăng ký để tiêu diệt mầm bệnh trên bề mặt. Việc này được thực hiện sau khi làm sạch và nó có thể làm giảm nguy cơ lây lan mầm bệnh hơn nữa.
Nếu bắt buộc phải ra ngoài, phải tiếp xúc như đi chợ cho gia đình, gặp shipper nhận hàng… thì phải thực hiện các nguyên tắc (khoảng cách - khẩu trang - rửa tay) để hạn chế tối thiểu nguy cơ và đảm bảo an toàn tương đối cho bản thân và gia đình.
Không nhất thiết phải kỳ cọ quá nhiều lần trong ngày toàn bộ cơ thể, thay vì vậy hãy rửa tay ngay ít nhất 20 giây với xà phòng và nước sau khi nhận hàng hoặc ngay sau khi đi chợ về, trước khi ăn bất cứ thứ gì, sau khi đi vệ sinh hay khi thấy tay bẩn.
Khi trở về từ các hoạt động bên ngoài nên thay quần áo ra để giặt, rửa tay và có thể tắm với nước và xà phòng. Khả năng virus tồn tại trên bề mặt thực phẩm và bao bì thực phẩm là rất thấp. Quá trình nấu chín với nhiệt độ cao cũng góp phần bất hoạt virus, vì vậy không cần “tắm cồn” cho thực phẩm sau khi mua về.
HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19
Từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.
Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ để dập dịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận