Người sống tại TP.HCM nhưng làm việc tại Bình Dương được khuyến khích ở lại nhà máy hoặc cơ sở lưu trú - Ảnh: BÁ SƠN
Ngày 8-7, nhiều người lao động làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp tại Bình Dương nhưng sống tại TP.HCM bị lúng túng, nêu nhiều câu hỏi việc sẽ đi lại như thế nào sau khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội và Bộ Y tế yêu cầu người từ TP.HCM về các tỉnh phải tự cách ly.
Một người là nhân viên xuất nhập khẩu trong khu công nghiệp tại Bình Dương nhưng sống tại TP.HCM thắc mắc: Quy định nói xe vận chuyển hàng hóa được lưu thông, nhưng nếu nhân viên xuất nhập khẩu ở TP.HCM không xuống Bình Dương làm thủ tục được thì làm sao có hàng hóa cho tài xế vận chuyển?
Một người khác nói ngoài quy định của Bộ Y tế, hiện thành phố Dĩ An và thị xã Tân Uyên của Bình Dương yêu cầu người đến từ TP.HCM, Đồng Nai phải có xét nghiệm âm tính, vậy quy định tự cách ly và quy định giấy xét nghiệm âm tính có chồng chéo?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Nguyễn Hồng Chương - giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương - cho biết việc áp dụng cách ly tại nhà 7 ngày và theo dõi 7 ngày tiếp theo áp dụng cho tất cả người từ TP.HCM đến Bình Dương (ngoại trừ tài xế vận chuyển hàng hóa có quy định riêng và người từ các tỉnh, thành khác đi qua TP.HCM nhưng không dừng đỗ).
Đối với các doanh nghiệp tại Bình Dương có người lao động sinh sống tại TP.HCM, khuyến khích người lao động "vừa làm, vừa ở lại công ty".
Trong thời gian thực hiện quy định, không thể có chuyện các nhân viên đi - về giữa TP.HCM - Bình Dương hằng ngày. Doanh nghiệp phải xét nghiệm cho người lao động có kết quả âm tính, bố trí họ ở lại ngay trong nhà máy hoặc cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà nghỉ tại Bình Dương tùy theo quyết định của công ty.
Các xe vận chuyển hàng hóa được lưu thông nhưng phải thường xuyên khử khuẩn, tài xế cũng phải chấp hành nhiều quy định về phòng chống dịch - Ảnh: B.SƠN
Ông Nguyễn Phước Việt Dũng - cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bình Dương - cho biết ngay khi có quy định của Bộ Y tế yêu cầu người từ TP.HCM đi các tỉnh phải tự cách ly, cục đã yêu cầu tất cả nhân viên sinh sống tại TP.HCM phải di chuyển xuống Bình Dương và tạm thời lưu trú luôn tại đây để đảm bảo công việc thông suốt.
Đối với việc lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp, ông Dũng cho biết việc thông quan hàng hóa được ưu tiên. Trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn trong vận chuyển hàng hóa do các cơ quan chức năng khác thì có thể thông báo ngay cho Cục Hải quan Bình Dương để can thiệp, đề nghị giải quyết cho lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu theo quy định.
Ông Nguyễn Anh Minh - giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương - cho biết đang phối hợp với Sở Giao thông vận tải TP.HCM để có hướng dẫn chi tiết cho việc lưu thông hàng hóa, phương tiện trong thời gian thực hiện giãn cách.
Theo hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ, xe chở hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh sẽ được xem xét cấp "Thẻ nhận diện phương tiện"...
Còn theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tài xế vận chuyển hàng hóa được đi lại nhưng phải ghi chép lại hành trình, hạn chế tiếp xúc, đảm bảo phương tiện thông thoáng, khử khuẩn phương tiện hàng ngày và phải xét nghiệm 2 lần (trước khi đi và sau khi quay về) khi đi từ khu vực phong tỏa hoặc ổ dịch...
Người dân nên thông cảm và phối hợp
Một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết diễn biến dịch rất phức tạp, nên rất cần sự quyết tâm và cả sự hy sinh, đồng lòng của mọi người để cùng chống dịch.
Tỉnh Bình Dương tới cuối ngày 7-7 đã ghi nhận tới 998 ca mắc COVID-19. Đã có khoảng 40 nhà máy, xí nghiệp và hàng chục phòng trọ có dịch.
Cơ quan chức năng Bình Dương nhận định số ca mắc mới có nguồn lây nhiễm từ TP.HCM liên tục tăng, đặc biệt là khu vực chợ Bình Điền nên cần có các biện pháp cụ thể để cắt đứt chuỗi lây nhiễm này.
HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19
Bắt đầu từ hôm nay, 8-7, Báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.
Các câu hỏi sẽ được Báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ trong 15 ngày để dập dịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận