Người dân nhận hàng trong khu phong tỏa tại TP Thủ Đức - Ảnh: HOÀNG AN
- Theo Sở Công thương TP.HCM, nhân viên của đơn vị cung cấp suất ăn cho các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly, bệnh viện, các cơ sở y tế phục vụ cho công tác phòng chống dịch phải có thẻ cứng có hình của nhân viên (có đóng dấu xác nhận của đơn vị cung cấp suất ăn).
Ngoài ra, phải có giấy xác nhận/giấy thông hành do đơn vị cung cấp suất ăn cấp cho từng nhân viên, giấy xác nhận của Sở Công thương TP đối với đơn vị cung cấp suất ăn cho các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly, bệnh viện, các cơ sở y tế phục vụ cho công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.
Các thông tin này nhận diện thông qua tra cứu, xác thực thông tin banner "Tra cứu cung ứng suất ăn" từ Cổng thông tin điện tử của Sở Công thương. Hằng ngày, Sở Công thương TP sẽ gửi tin nhắn xác nhận cho từng nhân viên các đơn vị cung ứng suất ăn.
Ngoài ra, Sở Công thương TP tiếp tục thẩm định và công khai trên Cổng thông tin điện tử Sở Công thương TP danh sách shipper của các đơn vị, nhân viên của các đơn vị cung cấp suất ăn cho các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly, bệnh viện, cơ sở y tế...
Một cán bộ Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP cho biết hiện đối với xe chở dụng cụ y tế, cơm từ thiện, thực phẩm cho khu cách ly đầy đủ giấy tờ thì lực lượng kiểm tra xong sẽ tạo điều kiện hỗ trợ xe qua chốt.
* TP Đà Nẵng đã có chỉ đạo các quận huyện tổ chức đưa người lang thang, không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cách ly tập trung. Người dân phát hiện ra những người khó khăn có thể liên hệ đến đâu để giúp họ có nơi ăn ở và an toàn cho cộng đồng?
- Ông Nguyễn Văn An, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, giải đáp: Công nhân, lao động tại các công trình xây dựng, nhà máy khó khăn tạm thời do mất việc thuộc chính quyền cấp phường, cấp quận xử lý, khi không xử lý được thì báo cáo TP.
Các đối tượng xã hội như người lang thang xin ăn, cơ nhỡ không nơi nương tựa được các địa phương phát hiện thì báo ngay cho Sở LĐ-TB&XH để xử lý đưa vào các cơ sở bảo trợ.
Người khó khăn cần trợ giúp mà không biết cách nhận hỗ trợ có thể liên hệ trực tiếp chính quyền cơ sở để được giúp đỡ. Hoặc người dân khi phát hiện người lang thang, không nơi cư trú cũng có thể báo tin cho chính quyền địa phương hoặc Sở LĐ-TB&XH để được giải quyết.
Ông Huỳnh Văn Hùng, phó chủ tịch UBND quận Sơn Trà, cho biết hiện các quận đã tổ chức lực lượng rà soát, tìm người không nơi cư trú. Theo quy trình, khi phát hiện họ, quận sẽ thực hiện xét nghiệm COVID-19 và gửi vào cơ sở cách ly y tế tập trung.
Thời gian cách ly 14 ngày, chính quyền sẽ lo chi phí ăn, ở. "Hết hạn cách ly chúng tôi sẽ có phương án đưa người dân về quê. Việc đưa người lang thang, không nơi cư trú vào nơi cách ly tập trung sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm ngoài cộng đồng và bảo vệ sức khỏe cho họ" - ông Hùng nói.
HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19
Từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.
Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ để dập dịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận