Trung tâm cấp cứu 115 đưa người dân ở TP.HCM đi cấp cứu - Ảnh: THU HIẾN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Trương Quang Anh Vũ - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất - khẳng định tất cả bệnh nhân có bệnh lý, trạng thái cấp cứu đều được khoa cấp cứu tiếp nhận, không cần có giấy xét nghiệm âm tính.
Để đảm bảo cho các ca dương tính không lọt vào trong bệnh viện, bệnh viện đã thiết lập một vùng đệm ngay khu vực cấp cứu. Các nhân viên y tế tại khu vực này sẽ được mặc đồ bảo hộ, rà soát cẩn thận đến mức tối đa.
Khi xe cứu thương vào cấp cứu, bệnh nhân và người nhà sẽ được êkíp cấp cứu chuyển thẳng vào vùng đệm này để thực hiện test nhanh.
Nếu kết quả âm tính sẽ tiếp tục xét nghiệm RT-PCR, nếu kết quả PCR âm tính, bệnh nhân sẽ được chuyển đến khu vực cấp cứu để điều trị hoặc nhập viện nội trú theo đúng quy định.
Nếu bệnh nhân có test nhanh dương tính, bệnh nhân sẽ được cách ly và đợi làm xét nghiệm RT-PCR, nếu dương tính bệnh viện sẽ liên hệ với các bệnh viện điều trị COVID-19 để xe cấp cứu chuyển đi, sau khi xử lý tình trạng cấp cứu ổn định.
Một vấn đề đặt ra là các trường hợp cấp cứu khẩn cấp như đột quỵ, nhồi máu cơ tim cấp nguy hiểm tính mạng mà phải mất thời gian xét nghiệm thì phải xử lý sao?
Theo ông Vũ, đối với trường hợp cấp cứu nguy hiểm tính mạng, bệnh viện sẽ test nhanh, nếu âm tính trong quá trình đợi xét nghiệm RT-PCR bệnh nhân sẽ được các nhân viên y tế xử lý đột quỵ, nhồi máu quy cơ tim… xử lý như quy trình F0.
Nếu test nhanh dương tính, bệnh viện sẽ hội chẩn với bệnh viện điều trị COVID-19 để chuyển bệnh nhân đến bệnh viện điều trị COVID-19.
Tất cả người nhà bệnh nhân theo cũng được làm test nhanh, nếu dương tính tiếp tục làm xét nghiệm RT-PCR. Thời gian cho quy trình test nhanh là 30 phút và xét nghiệm RT-PCR là 4 giờ.
Trước đó, để đảm bảo tất cả người bệnh đều được cấp cứu kịp thời, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu tất cả cơ sở y tế tuyệt đối không được từ chối người bệnh đến cấp cứu trong mùa dịch COVID-19.
Các bệnh viện bắt buộc phải hình thành buồng cấp cứu sàng lọc ngay tại khoa cấp cứu, tách biệt hẳn với bộ phận còn lại của khoa cấp cứu.
Buồng này là nơi tiếp nhận đầu tiên đối với tất cả trường hợp người bệnh được chuyển đến khoa cấp cứu; đảm bảo tất cả trường hợp cấp cứu sau khi được sơ cứu hoặc hồi sức đều được sàng lọc kỹ các yếu tố nguy cơ liên quan đến COVID-19, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm theo quy định khi có chỉ định.
Ngoài ra, trả lời Tuổi Trẻ Online vào tối 27-7, ông Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết hiện nay với việc vừa phải cấp cứu bệnh nhân COVID-19, vừa cấp cứu bệnh nhân thông thường sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến công tác cấp cứu chung, có thể chậm trễ vận chuyển cấp cứu ở một số tình huống nhất định.
Thực tế có hiện tượng gọi 115 nhưng kẹt xe chưa đến chuyển cấp cứu kịp, trong tình huống này, tốt nhất gia đình nên chủ động đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất (trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện quận, huyện) bằng các phương tiện vận chuyển của gia đình. Ở các địa phương đều có tổ phản ứng nhanh, sẽ hỗ trợ đưa người bệnh đến cơ sở y tế phù hợp.
Hiện thành phố có bao nhiêu xe cứu thương?
Sở Y tế TP.HCM cho biết với sự ủng hộ của các nhà tài trợ, đến thời điểm này số xe cấp cứu tăng được thêm 12 chiếc (tổng toàn TP khoảng 200 xe, riêng hệ thống y tế công lập có 85 xe).
TP sẽ tăng cường đội xe cấp cứu 115 với đủ êkip cấp cứu và trang thiết bị y tế trong thời gian sắp tới, dự kiến tăng thêm 100 xe trong 2 tuần tới.
Ngoài ra, TP sẽ tăng cường đội xe taxi khoảng 200 xe, chuyển đổi thành xe vận chuyển bệnh nhân, có nhân viên y tế đi kèm và các trang thiết bị hồi sức cơ bản để hỗ trợ cho đội xe vận chuyển bệnh nhân kịp thời lên tuyến trên.
HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19
Từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.
Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ để dập dịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận