02/04/2016 05:35 GMT+7

Hội đàm cấp cao Mỹ - Trung: Bên nói thẳng, bên chẳng nghe

THU ANH
THU ANH

TTO - Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Washington hôm 31-3 (giờ Mỹ), nhưng như mọi khi, bên cần nói cứ nói, bên kia một mực giữ quan điểm của mình.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters

Ông Tập Cận Bình đang có mặt tại Mỹ để dự Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân cùng các lãnh đạo thế giới khác đến từ Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc... Chủ đề chính của hội nghị tập trung vào vấn đề hạt nhân và câu chuyện nóng Bình Nhưỡng.

Nhưng sự hiện diện của ông Tập tại Mỹ lần này lại là dịp để Washington tổ chức cuộc họp thượng đỉnh nhằm bàn thảo thêm các vấn đề khác, vốn cũng đang nóng như an ninh mạng và đặc biệt là vấn đề Biển Đông.

Nếu Washington tỏ ra không sẵn lòng công nhận và hợp pháp hóa quyết định của tòa, Bắc Kinh sẽ tiếp tục thay đổi hiện trạng trên Biển Đông và các nước châu Á khác sẽ đặt câu hỏi liệu Mỹ có cam kết giữ vững trật tự luật pháp hay không. Trung Quốc không chỉ là nước lớn duy nhất có những lợi ích sống còn ở Biển Đông

Bài xã luận trên Wall Street Journal

Mỹ thiếu dứt khoát?

Theo AFP, tại bàn hội đàm đối diện với ông Tập, ông Obama đã nói: “Chúng ta sẽ có những trao đổi thẳng thắn về những vấn đề mà đôi bên còn có sự khác biệt như không gian mạng và đi lại trên biển”.

Phát biểu của ông Obama cũng phản ánh những mối quan ngại của giới chức Mỹ về động thái của Trung Quốc trên Biển Đông là không phù hợp với cam kết của ông Tập tại Nhà Trắng hồi năm ngoái rằng Bắc Kinh sẽ không theo đuổi quân sự hóa trên vùng biển đang nóng này.

“Cũng như Trung Quốc và các nước khác, Mỹ có những lợi ích cụ thể ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương” - ông Obama phát biểu.

Đáp lại, theo New York Times, ông Tập kêu gọi đôi bên tránh hiểu lầm và nhận thức sai vì Trung Quốc đang “bảo vệ chủ quyền của mình ở Biển Đông” và cũng “tuân thủ luật pháp quốc tế trong vấn đề tự do đi lại hàng hải và hàng không ở khu vực này”.

Theo Tân Hoa xã, ông Tập cũng nói rõ giải pháp cho tranh chấp ở khu vực theo cách của Trung Quốc là “đối thoại trực tiếp” giữa các bên có liên quan trong tranh chấp. Giới quan sát coi đây là một lời cảnh báo lịch sự của ông Tập với Mỹ rằng đừng can thiệp vào chuyện Biển Đông.

Hiểu rõ vị thế của Mỹ trong cuộc đối thoại với Trung Quốc, tờ Wall Street Journal số ra ngày 31-3 có bài xã luận về vấn đề bảo vệ luật pháp trên Biển Đông và cho rằng với sự tranh chấp phức tạp như hiện nay ở vùng biển này, việc làm rõ các cam kết của Mỹ không phải không đem lại rủi ro, nhất là đối với đồng minh Philippines.

Hiệp ước giữa hai nước cam kết Mỹ sẽ hỗ trợ phòng vệ nếu tàu hay máy bay của Philippines bị tấn công. Thế nhưng, Mỹ đôi khi tỏ ra do dự khi nhắc lại cam kết này trong các tuyên bố chính thức hay bản thân việc tuyên bố rằng hiệp ước có áp dụng đối với các đảo mà Philippines quản lý trên Biển Đông hay không.

Theo Wall Street Journal, việc làm sáng tỏ các cam kết của Mỹ có thể gây tổn hại đến quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. Thế nhưng, giới chuyên gia cho rằng nếu sự nhập nhằng này cứ tiếp tục thì sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng không mong muốn hoặc xung đột với Trung Quốc. Vì thế, để giữ vững an ninh khu vực, Mỹ nên làm rõ các điều khoản áp dụng đối với Philippines trong hiệp ước quốc phòng chung.

Giới quan sát cũng nói rằng nỗ lực của chính quyền Obama ngăn chặn Trung Quốc bồi đắp đảo và quân sự hóa ở Biển Đông đến nay thất bại.

Trung Quốc cứng rắn bảo vệ quan điểm

Hãng tin Reuters dẫn lời Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang nói trong cuộc họp báo rằng cuộc đối thoại Mỹ và Trung Quốc “mang tính xây dựng” về một số vấn đề nhưng còn những bất đồng về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

Ông Trịnh Trạch Quang còn nói rằng ông Tập Cận Bình thể hiện hi vọng Washington sẽ “tuân thủ nghiêm ngặt cam kết của mình là không đưa ra lập trường về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông”. Thay vào đó, Washington hãy đóng vai trò là bên duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Gần như cùng thời điểm, từ Bắc Kinh, hôm qua Trung Quốc lại tỏ thái độ chỉ trích Mỹ sau khi Thứ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Work nói rằng Washington sẽ không công nhận vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông nếu Bắc Kinh lập ra một vùng như vậy.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi sau khi chỉ trích Mỹ, còn tìm cách né tránh thực tế khi nói rằng việc lập ADIZ... không liên quan đến tranh chấp lãnh thổ. Khác với thực tế rằng Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông, ông Hồng lại nói rằng: “Hiện tại thì nhìn chung tình hình Biển Đông là ổn định”.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh dự hội nghị về hạt nhân

Tối 31-3 (giờ Mỹ), trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân lần 4 tổ chức tại thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chủ trì buổi ăn tối làm việc với chủ đề “Quan niệm về đe dọa an ninh hạt nhân”.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng lãnh đạo cấp cao của 52 quốc gia thành viên đã tham dự.

Tại phiên họp, các nước đều nhấn mạnh tiến trình Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: cộng đồng quốc tế ngày càng nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc cần bảo đảm an ninh hạt nhân, ngày càng có nhiều nước tham gia các điều ước quốc tế trên lĩnh vực này, nhiều quốc gia đã cam kết giảm thiểu sử dụng uranium làm giàu ở cấp độ cao...

Tuy nhiên, các nước cho rằng cần tập trung nỗ lực phòng chống các nguy cơ đối với an ninh hạt nhân, đặc biệt là khủng bố hạt nhân, trong bối cảnh các tổ chức khủng bố đang mở rộng hoạt động, tìm cách tiếp cận công nghệ và vật liệu phóng xạ, chiêu mộ chuyên gia...

Các nước nhất trí cần nâng cao hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

TTXVN

THU ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp