20/03/2019 20:50 GMT+7

Hội chứng trái tim tan vỡ là do đâu?

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Lâu nay hội chứng này, vốn còn được gọi là hội chứng Takotsubo, thường được hiểu sai là một cơn đau tim khi có biểu hiện là quả tim bị biến dạng từ một cảm xúc tình cảm rất mạnh tác động.

Hội chứng trái tim tan vỡ là do đâu? - Ảnh 1.

Hình ảnh mang tính minh họa

Những tác động tình cảm đó có thể là khi chúng ta mất người thân, có chuyện buồn trong tình yêu hay thậm chí cảm xúc vỡ oà khi đội bóng nhà giành chiến thắng sau một trận cầu căng thẳng. Khi đó chúng ta có cảm giác như quả tim muốn vỡ tan ra từng mảnh.

Bởi khi đó, do bị stress quá nặng, quả tim bị biến dạng nên không còn khả năng bảo đảm chức năng bơm máu của mình và gây ra một cơn tai biến tim mạch trầm trọng. Song, bằng cách nào mà một cảm xúc dữ dội như vậy có thể làm quả tim biến dạng?

"Thủ phạm" chính là bộ não!

Một nghiên cứu mới đây kết luận rằng hội chứng trái tim tan vỡ như đã nói trên thực chất là một biểu hiện có "kịch bản" do não bộ "viết" ra và "dàn dựng".

Một nhóm chuyên gia nghiên cứu tại bệnh viện đại học Zurich tại Thụy Sĩ đã phân tích hoạt động não của 15 bệnh nhân bị hội chứng Takotsubo và đã so sánh kết quả với hoạt động não của 39 người khác đang có sức khỏe tốt. 

Trong một bài đăng trên tạp chí European Heart Journal ra ngày 5-3-2019, nữ giáo sư Jelena Templin-Ghadri, đồng tác giả của nghiên cứu trên, đã tóm tắt như sau: "Các kết quả nghiên cứu của chúng tôi chứng minh được rằng ở những bệnh nhân bị hội chứng Takotsubo, các kết nối thần kinh của não đã mất đi tính đồng bộ, hay nói cách khác là tính kết nối của não bộ bị suy giảm đi ít nhiều do phải xử lý những cảm xúc quá mạnh tác động vào. Chính điều này đã khiến cho đối tượng sau đó nhạy cảm hơn rất nhiều trước những cảm xúc mạnh mẽ dồn dập tiếp theo".

Vậy hội chứng trái tim tan vỡ là gì?

Hội chứng Takotsubo được mô tả lần đầu tiên vào năm 1991 và thường bị nhầm với một cơn nhồi máu do có những triệu chứng tương tự. Nhưng thực tế, hội chứng Takotsubo có nguyên nhân hoàn toàn khác xa.

Trong khi nhồi máu là do động mạch vành bị thuyên tắc, thì hội chứng Takotsubo là do tâm thất trái của tim bị biến dạng nên tim không còn bảo đảm được chức năng bơm đủ lượng máu đi nuôi cơ thể nữa.

Hội chứng trái tim tan vỡ là do đâu? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa của tim thường (bên trái) và tim "tan vỡ"

Chẩn đoán bệnh dựa trên việc chụp siêu âm tim, kể cả siêu âm động mạch vành, để xem chúng có còn hoạt động đúng chức năng hay không. Hội chứng trái tim tan vỡ chủ yếu xảy ra ở những phụ nữ trên 50 tuổi và thường là nguyên nhân gây ra khoảng 5% trong số các cơn đau tim ở phụ nữ trong độ tuổi này. 

Tuy nhiên, vẫn theo giáo sư Templin-Ghadri, thì con số thống kê này vẫn còn bị xem nhẹ bởi "hội chứng này vẫn còn bị đánh giá thấp và thường là không được chẩn đoán đúng mức, và các triệu chứng của nó vẫn còn bị hiểu sai, ngay cả trong đội ngũ các bác sĩ chuyên khoa tim mạch" bởi vì trong các ca bệnh này, bác sĩ lại thường quá tập trung chú ý vào bệnh lý của tim mà quên đi tầm quan trọng từ tác nhân điều khiển của não bộ.

Thế nhưng, đâu phải ai cũng bị hội chứng này khi có những cảm xúc mạnh, theo bác sĩ tim mạch Clément Delmas thuộc bệnh viện đại học Toulouse của Pháp, đó là do khả năng kềm chế stress và cảm xúc mạnh ở mỗi người là khác nhau. 

Bác sĩ này phát biểu như sau: "Tất cả mọi người trong chúng ta đều có sẵn khả năng bẩm sinh là tự thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh chung quanh, nhưng ở một số người thì khả năng này bị suy giảm có thể là từ nguyên nhân là đã trải qua những nghịch cảnh quá trầm trọng trong quãng đời trước đó, khiến tâm lý họ rất dễ bị 'vỡ' khi đối diện với những nghịch cảnh mới về sau".

Hội chứng trái tim tan vỡ là do đâu? - Ảnh 3.

Người bị hội chứng "trái tim tan vỡ" dễ bị nhầm là bị nhồi máu cơ tim - Ảnh: REUTERS

Nguy hiểm cũng không kém gì bị nhồi máu

Từ lâu nay, hội chứng Takotsubo vẫn thường được xem là "lành tính" do tính chất nhất thời của nó, bởi quả tim sau đó thường là sẽ tự mình trở lại hình dạng bình thường. 

Tuy nhiên, ngoài nguy cơ tái phát cao thì tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân bị hội chứng này cũng ngang ngửa với các ca bị nhồi máu cơ tim: là 3,7% so với 5,3%.

Thêm vào đó, theo bác sĩ Delmas, các biến chứng trong giai đoạn cấp của hội chứng Takotsubo thì không hiếm: có khoảng 10% bệnh nhân hội chứng Takotsubo bị suy tim cấp khiến tỉ lệ tử vong lên đến 25%. Chưa kể đến việc hội chứng này làm tăng nguy cơ mắc phải một căn bệnh tim mạch nặng và lâu dài về sau.

Dù vậy, không phải ai cũng có cùng nguy cơ như nhau trước hội chứng nguy hiểm này. Phụ nữ mãn kinh có nguy cơ gặp hội chứng Takotsubo cao gấp 5 lần hơn phụ nữ ở độ tuổi trẻ hơn do nồng độ œstradiol sụt giảm, mà đây chính là một hormon có tính năng bảo vệ tim. 

Những người có tiền sử bệnh tâm thần như trầm cảm, những người bị đái tháo đường và người nghiện thuốc là cũng có nguy cơ cao gặp hội chứng này.

Ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa có phương pháp điều trị hội chứng tim tan vỡ này, mà theo bác sĩ Delmas, "những cách điều trị áp dụng cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim dường như không hiệu quả lắm đối với bệnh nhân hội chúng Takotsubo, ngay khi chúng được áp dụng theo kinh nghiệm của bác sĩ. Nhưng những nghiên cứu mới đây nhất về mối liên hệ giữa não và tim có thể sẽ mở ra những hướng phát triển mới trong việc nghiên cứu điều trị chuyên biệt và hiệu quả đối với hội chứng Takotsubo này".

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp