Ảnh minh họa. Nguồn: eendiabetes.nl
Ở vùng cổ tay có 8 xương nhỏ, gọi là xương cổ tay. Một dây chằng ngang cổ tay (còn gọi là mạc giữ gân gấp) nằm trên phía trước cổ tay. Ống cổ tay (OCT) là khoảng không gian giữa dây chằng này và các xương cổ tay. Các gân gấp ngón của cơ vùng cẳng tay đi qua OCT. Dây thần kinh giữa (một dây thần kinh chính của bàn tay) đi qua OCT trước khi chia thành các nhánh nhỏ vào lòng bàn tay.
Dây thần kinh giữa nhận cảm giác từ ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một nửa ngón áp út. Nó cũng chi phối vận động của các cơ nhỏ vùng mô cái. Hội chứng OCT bao gồm các triệu chứng gây ra bởi sự chèn ép dây thần kinh giữa trong OCT.
Phần lớn hội chứng OCT đều được chẩn đoán dựa vào lâm sàng, nhất là khi có cả 2 triệu chứng cơ năng và thực thể. Nhưng để chẩn đoán chính xác và biết được bệnh đang ở giai đoạn nào thì cần áp dụng các phương pháp, kỹ thuật hiện đại. Vậy phương pháp nào đơn giản, tiện lợi, có giá trị cao trong khẳng định chẩn đoán, chỉ định phẫu thuật và theo dõi quá trình điều trị hội chứng này?
Hội chứng OCT là một rối loạn thần kinh ngoại vi thường gặp nhất, đa số bệnh nhân hay than phiền về việc các ngón tay bị đau, tê rần, xuất hiện sau một chấn thương vùng cổ tay hay cơn đau thấp khớp. Hội chứng OCT là một trong các nguyên nhân gây tê tay, làm cho người bệnh rất khó chịu, có thể gây teo bàn tay. Bệnh thường gặp ở độ tuổi trên 35, phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới.
Tổn thương trong hội chứng OCT là tình trạng chèn ép thần kinh giữa do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng đa số được coi là vô căn do không xác định được nguyên nhân cụ thể, chiếm khoảng 70% các trường hợp. Hậu quả của việc chèn ép dây thần kinh giữa gây ra đau, tê, giảm hoặc mất cảm giác vùng da bàn tay thuộc chi phối của thần kinh, nặng hơn có thể gây teo cơ, giảm chức năng và vận động bàn tay.
Tình trạng chèn ép thần kinh giữa sẽ dẫn đến 2 sự thay đổi của thần kinh, thứ nhất là sự thay đổi về mặt chức năng dẫn truyền thần kinh, được đánh giá bằng điện sinh lý thần kinh và thứ hai là sự thay đổi về mặt hình thái giải phẫu do chèn ép, được đánh giá bằng các thăm dò hình ảnh như siêu âm, cộng hưởng từ. Như vậy, về mặt logic, để chẩn đoán hội chứng OCT một cách đầy đủ, bên cạnh thăm khám lâm sàng, phải có thăm khám điện sinh lý thần kinh và chẩn đoán hình ảnh phối hợp.
Điện sinh lý thần kinh được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán hội chứng OCT, tuy nhiên biến đổi điện sinh lý thần kinh có thể chưa chắc đã là do hội chứng OCT mà có thể là tổn thương nội tại dây thần kinh do bệnh lý dây thần kinh. Thăm dò hình ảnh bằng cộng hưởng từ khá phức tạp và để đánh giá chính xác sự thay đổi về hình thái của dây thần kinh thì cần những máy có từ lực cao, chi phí tốn kém, không dễ thực hiện thường quy cho tất cả các bệnh nhân.
Siêu âm thần kinh đơn giản, dễ thực hiện và độ chính xác cao trong nhận định sự thay đổi hình thái của dây thần kinh. Siêu âm có thể phát hiện tình trạng tăng kích thước thần kinh do chèn ép ở đoạn OCT dựa trên đo tiết diện cắt ngang của dây thần kinh ở các vị trí khác nhau ở trước, trong và sau OCT, đồng thời có thể phát hiện hình ảnh gián tiếp của tình trạng tăng áp lực trong OCT bằng đo độ vồng của dây chằng vòng cổ tay (bình thường dây chằng này phẳng, không vồng).
Trên các lát cắt dọc theo dây thần kinh, sự thay đổi kích thước của dây thần kinh giữa trước trong và sau OCT có thể tạo nên những dấu hiệu đặc thù trên siêu âm như dấu hiệu Notch, dấu hiệu Notch đảo ngược... Bên cạnh đó, siêu âm còn xác định được nguyên nhân chèn ép nếu có như u, nang, viêm bao hoạt dịch gân...
Như vậy, siêu âm có thể coi là thăm dò chẩn đoán không thể bỏ qua khi thăm khám và chỉ định điều trị hội chứng ống cổ tay. Việc phối hợp thăm khám lâm sàng chặt chẽ, điện sinh lý thần kinh và siêu âm chẩn đoán làm tăng khả năng chẩn đoán chính xác tổn thương, chẩn đoán loại trừ được các tổn thương cần phân biệt giúp cho bác sĩ có kế hoạch điều trị chính xác và hiệu quả hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận