Phóng to |
Đứng quá nhiều làm suy giảm sức co bóp của tĩnh mạch ngoại biên |
Để có được kết luận trên, từ năm 2001, trường đại học Y khoa Thái Nguyên đã tiến hành nghiên cứu khảo sát một số chỉ số sinh học của toàn bộ giáo viên trường đại học Sư phạm Thái Nguyên (trên 400 người), nhằm xác định tần số biến loạn giọng, mức độ suy giảm tĩnh mạch ngoại biên chi dưới, sự biến đổi chỉ số cung vòm gan bàn chân của các giáo viên.
Các giáo viên giảng dạy trực tiếp được chia làm ba nhóm: nhóm giảng dạy có cường độ cao, nhóm dạy vượt giờ và nhóm chỉ dạy đủ giờ theo quy định. Đồng thời chọn các cán bộ làm công tác hành chính phục vụ không tham gia giảng dạy làm nhóm chứng.
Nghiên cứu được thực hiện qua các bước: phỏng vấn giáo viên bằng bộ câu hỏi in sẵn về vấn đề giọng, quan sát trực tiếp hiện tượng suy giảm tĩnh mạch chi dưới, đo các kích thước gan bàn chân theo kỹ thuật nhân trắc học.
Kết quả cho thấy, gần 80% giáo viên đều có hiện tượng mỏi giọng, đau họng, khàn giọng; bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới tăng dần theo thời gian công tác ở tất cả các nhóm, đặc biệt là nhóm có cường độ lao động cao và ở nhóm lao động trên 20 năm tăng từ 23,8% lên 46,7%, nhóm có cường độ cao từ 40% lên 57,7%. Giáo viên nam có tỷ lệ giãn tĩnh mạch tăng nhanh nhiều hơn giáo viên nữ.
Đặc biệt tỷ lệ bàn chân bẹt ở giáo viên cao hơn nhóm chứng 2,4 lần và tăng dần theo thời gian công tác.
Bác sĩ Nông Thanh Sơn, giảng viên trường đại học Y khoa Thái Nguyên giải thích: "Hiện tượng giáo viên bị rối loạn giọng với tần suất cao là do họ quá lạm dụng giọng và sử dụng giọng không đúng cách, không đúng lúc trong bối cảnh lớp học đông, môi trường giảng dạy thông đạt tiêu chuẩn quy định như tiếng ồn cao".
Vấn đề suy giảm tĩnh mạch ngoại biên chi dưới là hiện tượng gặp khá phổ biến ở những giáo viên đứng nhiều, chịu gánh nặng trọng lực của cơ thể. Chi dưới chịu sự ứ đọng máu quá mức làm suy giảm sức co bóp của tĩnh mạch ngoại biên gây nên tình trạng ứ máu làm giãn tĩnh mạch.
Riêng hội chứng bàn chân bẹt thì lại có đặc thù khá đặc biệt: 30,8% người có bàn chân dầy chuyển sang bẹt. Nguyên nhân là do việc tăng cường độ giảng dạy đồng thời với việc ngày càng tăng về trọng lượng cơ thể làm cho bàn chân chịu gánh nặng lớn, nên dần dần làm cho bàn chân từ dầy chuyển sang bẹt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận