16/11/2012 07:25 GMT+7

Hội chợ "treo đầu dê, bán thịt chó"

LÊ SƠN
LÊ SƠN

TT - Hội chợ, triển lãm được xem là kênh hữu hiệu để doanh nghiệp xúc tiến quảng bá giới thiệu sản phẩm, mở rộng kênh phân phối, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Thế nhưng, có không ít đơn vị tổ chức chỉ quan tâm việc làm sao lôi kéo được nhiều khách thuê gian hàng để kiếm lời.

KKEBD5N0.jpgPhóng to

Hàng thời trang, giày dép... được bày bán tràn lan tại Hội chợ nông nghiệp quốc tế AgroViet 2012 hôm 12-11 - Ảnh: LÊ SƠN

Thậm chí có những hội chợ, triển lãm được hỗ trợ kinh phí nhà nước với tên gọi, mục đích rất “hoành tráng” nhưng khâu tổ chức thiếu bài bản, không tương xứng tôn chỉ ban đầu đưa ra.

Nghe hoành tráng...

Hội chợ nông nghiệp quốc tế AgroViet 2012 được tổ chức từ ngày 10 đến 15-11 do Công ty CP Xúc tiến thương mại và phát triển kinh tế (TP.HCM) đứng ra thực hiện tại nhà thi đấu thể dục thể thao Phú Thọ (Q.11, TP.HCM) vừa bế mạc, cũng là lúc nhiều doanh nghiệp “thở phào” và tự hứa sẽ không dám tham gia nữa vì chất lượng hội chợ quá kém, tổ chức thiếu chuyên nghiệp.

Bà Trần Thị Hồng Hiệp, chủ cơ sở Trí Hiệp (Bình Thuận), đơn vị chuyên chế biến các sản phẩm từ nho, kể lại ban đầu nghe giới thiệu hội chợ tổ chức tầm cỡ quốc tế, quy mô 750 gian hàng và được hỗ trợ kinh phí nên đã quyết định tham gia. Tuy nhiên, đến nơi mới thấy hội chợ “quốc tế” chuyên về nông nghiệp nhưng trưng đủ loại hàng hóa từ chổi lau nhà, dây nịt, giày dép cho đến loa, đài...

“Trung bình một ngày gian hàng chúng tôi đón chưa đầy 50 khách tham quan. Tiền bán sản phẩm chưa được 500.000 đồng/ngày trong khi chi phí vận chuyển hàng hóa tốn trên 5 triệu. Khách tham quan èo uột nhưng từ 17g30 ban tổ chức còn thực hiện bán vé tham quan hội chợ (10.000 đồng/vé) để có thêm doanh thu” - bà Hiệp bức xúc.

Phát hiện nhiều hội chợ bán hàng không nguồn gốc

Theo đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, vừa qua chi cục từng kiểm tra và phát hiện một số đơn vị tham gia hội chợ bày bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, việc xử phạt chỉ áp dụng với chủ gian hàng tham gia hội chợ và nhắc nhở với đơn vị thực hiện, tổ chức. Bởi khi đăng ký gian hàng, các đơn vị thuê và cho thuê đã có những thỏa thuận về việc đơn vị tham gia phải bày bán đúng sản phẩm đăng ký cũng như nguồn gốc, chất lượng hàng hóa.

Đối với những hội chợ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí nhưng tổ chức kém chất lượng, không thực hiện đúng chủ trương đề ra cần phải dẹp bớt để tránh lãng phí, bát nháo thị trường.

Tương tự, ông Nguyễn Huỳnh Lưu, giám đốc Công ty CP rượu Sen Hồng (Đồng Tháp), cho biết đơn vị cho in rất nhiều tờ rơi vì mục đích chính đến hội chợ là quảng bá giới thiệu loại rượu làm từ đặc sản sen của Đồng Tháp. Thế nhưng, dù cho nhân viên đảo quanh hội chợ 5-6 vòng mỗi ngày để phát tờ rơi, tìm kiếm đại lý nhưng vẫn không có khách để quảng bá sản phẩm. “Khách đến hội chợ chỉ đảo qua rồi về ngay do hàng hóa trưng bày hỗn tạp quá!” - ông Lưu bày tỏ.

Theo ban tổ chức, hội chợ có chủ đề “Xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghệ cao, an toàn và phát triển bền vững”. Đây được xem là sự kiện lớn của ngành nông nghiệp nhằm tuyên truyền, tạo cơ hội gặp gỡ giữa các quốc gia, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, quảng bá các sản phẩm nông lâm thủy sản VN chất lượng cao.

Tuy nhiên, ngày 12-11 có mặt tại hội chợ, chúng tôi chứng kiến hàng loạt gian hàng quanh trung tâm hội chợ bày bán các sản phẩm máy mátxa cầm tay, chổi lau nhà, xoong chảo, dây nịt... Bước vào bên trong, khách tham quan bị ngợp bởi các gian hàng bày bán đủ loại quần áo, giày dép, chăn drap gối nệm...

Điều đặc biệt là có hơn chục gian hàng “trùm mền” nghỉ bán vì không có khách tham quan. Trong số 750 gian hàng tại hội chợ, theo ghi nhận có hơn 100 gian hàng “phi nông nghiệp”.

Chỉ cốt kiếm lời

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đình Anh, giám đốc Công ty CP Xúc tiến thương mại và phát triển kinh tế, thừa nhận hội chợ chưa được như mong muốn ban đầu do thời gian chuẩn bị ngắn. Nhiều gian hàng của đối tác quốc tế không thể tham gia nên còn lại một số gian hàng trống. Việc các chủ gian hàng cho biết sức mua hàng chậm là điều thực tế trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay. Đơn vị đã giảm giá thêm mỗi gian hàng thương mại 1 triệu đồng để hỗ trợ.

Thực tế nhiều hội chợ thời gian qua gắn với mác cổ động cho hàng Việt như: Người Việt - hàng Việt hội nhập WTO, Tôn vinh hàng Việt... nhằm thu hút doanh nghiệp cũng như khách tham quan. Thế nhưng, các đơn vị tổ chức hầu như chỉ quan tâm đến việc bán được nhiều gian hàng để thu lợi mà lơi lỏng các khâu chọn lựa doanh nghiệp uy tín tham gia, kiểm định chất lượng hàng hóa... Doanh nghiệp sau khi đăng ký gian hàng muốn bày bán sao tùy thích.

Tại các hội chợ này, hàng hóa không có xuất xứ trong nước được bày bán hàng loạt. Thậm chí các sản phẩm kém chất lượng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhái có giá rẻ công khai bày bán. Có cả những gian hàng từng bị đơn vị quản lý thị trường lập biên bản vì bán hàng giả, nhập lậu.

Trước đó, hội chợ có tên gọi rất kêu “Người Việt - hàng Việt hội nhập WTO” do Công ty CP quảng cáo hội chợ quốc tế ĐP tổ chức, thu hút lượng lớn khách tham quan. Tuy nhiên, nhiều khách tham quan tỏ thái độ bức xúc ngay khi vừa bước vào cổng. Bởi hội chợ hàng Việt nhưng bày bán đủ loại mắt kính thời trang, tranh 3D, máy may mini gia đình, máy mátxa...còn nguyên mác in xuất xứ Trung Quốc. Nhiều loại quần áo, dây nịt, ví da mang mác của các thương hiệu cao cấp Gucci, Levi’s, Boss... bán với giá “bèo” chỉ 40.000-120.000 đồng/cái.

LÊ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp