Phóng to |
Một gian hàng trong Hội sách 2004 ở TP.HCM: đi hội chợ sách là niềm vui của cả người mua và người bán - Ảnh: L.Đ. |
Có tới 75 đơn vị trong nước tham gia với 45 nhà xuất bản (NXB), 19 công ty phát hành sách và bốn công ty in.
Nhiều sách hơn, nhiều NXB nước ngoài hơn
Các đối tác nước ngoài tham gia triển lãm cũng đông hơn các kỳ hội chợ trước: 28 NXB nước ngoài và lần đầu tiên có bốn tổ chức nước ngoài: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại VN, Hiệp hội Xuất bản Malaysia, Hiệp hội Xuất bản Singapore, Tổng nha Báo chí xuất bản Trung Quốc.
Trên 180 gian hàng trưng bày, sẽ có hơn 10.000 đầu sách xuất bản trong nước và 1.500 đầu sách nước ngoài. Ở khu vực triển lãm sẽ có hơn 2.000 cuốn sách giới thiệu về kinh tế, chính trị, khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật, thiếu nhi...
Bạn đọc sẽ được tiếp cận một số tác phẩm tiêu biểu được xuất bản, được in trên các chất liệu đặc biệt: cuốn sách lá của dân tộc Thái, sách in trên loại giấy đặc biệt từ thế kỷ 13, sách thể hiện dưới dạng sách khổ lớn, thư pháp như Truyện Kiều của Nguyễn Du cao 1,6m, nặng 75kg, sách bản đồ, sách sơn mài về 54 dân tộc VN, sách điện tử có hai bộ Hồ Chí Minh toàn tập của NXB Chính Trị Quốc Gia và Chiến dịch Điện Biên Phủ của NXB Giáo Dục.
Tại hội chợ này, Công ty cổ phần văn hóa Phương Nam cũng sẽ công bố lần đầu tiên bốn tác phẩm mới sưu tầm được của nhà văn Ngô Tất Tố.
Một số cuộc giao lưu với bạn đọc cũng sẽ được diễn ra trong khuôn khổ hội chợ: giao lưu giữa đại diện 10 nxb với sinh viên 20 trường ĐH; NXB Trẻ giao lưu với sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân; biểu diễn múa rối chuyển thể từ truyện cổ tích Andersen; các trò chơi từ sách; một cuộc hội thảo về bản quyền cũng sẽ được diễn ra trong những ngày này.
Hấp dẫn nhất là vấn đề giá cả: tất cả gian hàng đều sẽ có sách giảm giá, ít nhất từ 10%.
Có thành thương hiệu?
Hội chợ sách quốc tế VN đã thành thông lệ được ba kỳ, hai năm một lần. Nhưng để thành một thương hiệu thì chắc còn phải... chờ lâu, nếu căn cứ vào cách thức tổ chức của hội chợ lần này. |
Tại Hội chợ sách quốc tế Hà Nội 2002, chỉ trong ngày đầu tiên khai mạc, theo ghi nhận của PV Tuổi Trẻ, đã có tới 10.000 người tham gia và số lượng bản sách bán ra cũng chỉ trong ngày đầu tiên đã lên quá năm chữ số. Điều đó chứng tỏ sức hút không hề suy giảm của sách và văn hóa đọc với công chúng hiện đại.
Nhưng đã ba năm qua và diễn biến của thị trường sách đã có nhiều thay đổi, mà cách thức tổ chức hội chợ thì có vẻ vẫn... như cũ. Lẽ ra các hoạt động trong Hội chợ sách quốc tế VN có thể sẽ còn phong phú hơn rất nhiều: trao giải thưởng sách quốc gia hằng năm và hàng loạt giải thưởng khác: giải cho sách đẹp, giải cho sách phát hành nhiều nhất, giải cho sách độc đáo nhất, giải cho sách khổ nhỏ hay nhất...
Hội chợ sách cũng có thể sẽ thu hút được rất nhiều người chơi sách trong và ngoài nước với những giải thưởng cho cuốn sách cổ nhất, sách độc đáo nhất, sách hiếm nhất, sách in bằng loại giấy lạ nhất... Các cuộc chơi dành cho người đọc cũng cần nhiều hơn thay vì việc để cho các nhà văn hay các nhà phê bình lên giới thiệu sách một cách đơn thuần.
Giải thưởng dành cho người đọc “bắt lỗi” chính xác nhất, giải cho người mua nhiều sách nhất trong năm... cũng nên coi là một gợi ý vừa vui nhộn vừa chân thành từ người đọc. Các hội thảo tổ chức nhân dịp này cũng nên đi sâu vào thực chất của hoạt động xuất bản hơn: làm thế nào để hạ giá sách, chiết khấu bao nhiêu thì vừa, làm sao ngăn chặn nạn in lậu sách?
Ông Nguyễn Đình Nhã, cục trưởng Cục Xuất bản kiêm phó chủ tịch Hội Xuất bản - tổng thư ký Hội Xuất bản VN, thừa nhận tất cả điểm trên và cho biết lý do: không đủ thời gian để chuẩn bị, và về các giải thưởng thì... chưa có tiền.
Trong khi đó ông vẫn cho biết kỳ vọng của Hiệp hội Xuất bản VN là biến Hội chợ sách quốc tế VN thành một thương hiệu quốc tế, tất nhiên chưa được mạnh như hội chợ Frankfurt, Bắc Kinh hay Matxcơva nhưng trong tương lai gần sẽ thành một thương hiệu mạnh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận