Các đầu cầu tham gia cuộc hội chẩn sáng nay 10-5 về ca bệnh của phi công người Anh - Ảnh: THÚY ANH
Tại cuộc hội chẩn liên viện, các chuyên gia đã đề xuất xem xét khả năng chuyển bệnh nhân 91 sang Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị nội khoa tích cực và đánh giá khả năng ghép phổi
"Bộ Y tế tập hợp một lực lượng chuyên gia đầu ngành cho ca bệnh này để tìm một phương pháp điều trị phù hợp và vì lương tâm người thầy thuốc, khi thấy có phương pháp cứu chữa được bệnh nhân thì chúng tôi tìm và áp dụng để cứu sống người bệnh"
Ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế)
Đây là bệnh nhân COVID-19 nặng nhất điều trị tại Việt Nam, không có bệnh nền nhưng thừa cân, béo phì, hiện có sốt, thể trạng yếu và vẫn đang phải tiếp tục hồi sức.
Cuộc hội chẩn diễn ra sáng 10-5, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành nhiều lĩnh vực của Việt Nam như GS.TS Nguyễn Gia Bình - chuyên gia về điều trị tích cực; GS.TS Trần Bình Giang - giám đốc Bệnh viện Việt - Đức; PGS.TS Nguyễn Hữu Ước - chuyên gia về ghép tim, phổi, giám đốc Trung tâm Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Bệnh viện Việt Đức...
"Hội đồng chuyên môn hội chẩn để đánh giá các yếu tố và tìm phổi phù hợp, khi có chỉ định thì có thể tiến hành ghép phổi cho bệnh nhân", ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho hay.
Theo ông Khuê, do bệnh nhân này có thể trạng cao, to, việc tìm lá phổi người hiến tặng phù hợp là không dễ dàng, do thông thường chiều cao, cân nặng, kích thước lá phổi của người hiến và người nhận chênh lệch không nên quá 20%, chưa kể các yếu tố về miễn dịch, sinh hóa...
Tại cuộc họp, các chuyên gia đầu ngành cùng xem xét các yếu tố để chuẩn bị phương án ghép phổi cho phi công người Anh khi bệnh nhân có thể trạng phù hợp và có phổi hiến tặng.
Bộ Y tế cũng giao Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia làm đầu mối, phối hợp với các bệnh viện: 103, Việt Đức (2 cơ sở y tế đã thực hiện ghép phổi thành công), Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Phổi trung ương...
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về chi phí điều trị cho bệnh nhân, ông Khuê cho biết hiện nhà nước Việt Nam vẫn đang chi trả khoản tiền này và sẽ sớm trao đổi với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam về vấn đề chi phí điều trị cho bệnh nhân.
Bệnh nhân phi công người Anh được xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 ngày 18-3, kết quả xét nghiệm được Viện Pasteur TP.HCM khẳng định ngày 20-3.
Quá trình điều trị từ ngày nhập viện của bệnh nhân này rất phức tạp, thất thường. Bệnh nhân sốt cao liên tục từ khi nhập viện, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu dù còn trẻ (43 tuổi) và không có bệnh nền.
Trước đó, bệnh nhân chỉ bị đông đặc một bên phổi, hiện giờ tình trạng này đã xuất hiện ở cả hai bên phổi. Sau 53 ngày điều trị, 34 ngày được can thiệp ECMO, thở máy qua mở nội khí quản ngày thứ 15, bệnh nhân vẫn tiếp tục phải thở máy, lọc máu, phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO.
Sáng 9-5, bệnh nhân vẫn có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong khoảng thời gian trước đó, bệnh nhân nhiều lần có kết quả âm tính, sau đó dương tính trở lại. Gần đây nhất ngày 6-5, mẫu phết họng của bệnh nhân cho kết quả dương tính sau 5 lần liên tiếp âm tính.
Thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết do tình trạng bệnh nhân 91 quá nặng, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, bệnh viện đã dùng nhiều loại thuốc tốt nhất, đặt mua từ nước ngoài về để điều trị tích cực cho bệnh nhân như thuốc an thần, thuốc kháng đông...
Theo BS Nguyễn Thanh Phong - trưởng khoa nhiễm D Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, đơn vị trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, kể từ khi nhập viện đến nay, toàn bộ chi phí điều trị của bệnh nhân đang do bệnh viện chi trả.
Việc chạy ECMO (thiết bị hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể) khá tốn kém, mỗi lần thay màng lọc có thể tốn gần cả trăm triệu đồng. Theo thông tin Tuổi Trẻ có được thì chi phí điều trị của bệnh nhân từ lúc nhập viện đến nay trên dưới 5 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận