“CĐV phải là khách hàng của bóng đá, nếu không có chúng tôi thì không có bóng đá |
Trần Lê Trung (Chủ tịch Hội CĐV CLB Than Quảng Ninh) |
Giải thích về sự ra đời của quy định cấm CĐV cổ vũ bằng dàn âm thanh, tổng giám đốc VPF Cao Văn Chóng nói: “Đây không phải là văn bản tùy tiện mà tập hợp từ nhiều thứ. Đầu tiên là từ báo cáo của các giám sát cũng như ghi nhận của các thành viên trong BTC giải, việc sử dụng âm thanh ở một số trận đấu thời gian qua có ảnh hưởng đến chuyên môn. Ngoài ra, một số sân còn có hiện tượng sử dụng lời lẽ cổ vũ không được văn minh. Thứ hai, LĐBĐ VN (VFF) cũng có sự chỉ đạo VPF yêu cầu chấn chỉnh công tác tổ chức giải. Cuối cùng, xu hướng chung của thế giới không có chuyện CĐV đem dàn âm thanh vào sân để cổ vũ. Do đó, chúng tôi đã ban hành quy định cấm nói trên”. Dù vậy, công văn này đã tạo cơn “địa chấn” với các hội CĐV có truyền thống sử dụng dàn loa công suất lớn để cổ vũ, nhất là Hội CĐV Than Quảng Ninh.
Nhiều lần đến sân Cẩm Phả, theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các bài hát Hội CĐV Quảng Ninh cho phát trên dàn âm thanh lớn này đều là các bài hát ca ngợi quê hương đất nước, tình đoàn kết... Với các CĐV nhiệt tình cộng với việc sử dụng dàn loa hiện đại, hai năm qua, sân Cẩm Phả được đánh giá là một trong những sân “nhiệt” nhất V-League. Hội CĐV Than Quảng Ninh cũng hai năm liên tiếp (2014, 2015) giành danh hiệu Hội CĐV tốt nhất V-League.
Việc sử dụng dàn âm thanh này khiến những người đến sân Cẩm Phả cũng cảm thấy thích thú. Tuy nhiên nó có ảnh hưởng thật sự đến công tác chuyên môn của trận đấu, việc điều hành của trọng tài là chuyện còn nhiều tranh cãi. Mặt khác, trong các văn bản của bóng đá chuyên nghiệp VN từ trước đến nay, chưa có văn bản nào quy định về việc có hay không được mang loa điện, dàn âm thanh lớn vào SVĐ để cổ vũ. Vì thế, việc VPF ra công văn với nội dung “để giải quyết thiếu sót trong hoạt động cổ vũ tại các trận đấu” đã khiến các CĐV đất mỏ bức xúc.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Phạm Thanh Hùng - chủ tịch CLB Than Quảng Ninh - cho biết: “Từ khi Than Quảng Ninh lên chơi ở V-League đến nay, chưa có đội khách nào đến sân Cẩm Phả phàn nàn về việc CĐV Quảng Ninh dùng loa công suất lớn cổ vũ gây ảnh hưởng đến việc thi đấu của họ”. Còn theo chủ tịch Hội CĐV CLB Than Quảng Ninh Trần Lê Trung: “Với sự trợ giúp của hệ thống âm thanh này, CĐV Quảng Ninh đã tạo nên những khán đài tuyệt vời ở sân Cẩm Phả, tạo thương hiệu CĐV đất mỏ. Tôi cho rằng việc cổ vũ này không ảnh hưởng gì đến công tác tổ chức trận đấu. Vì vậy, cách ra công văn cấm hội CĐV mang loa công suất lớn vào sân cổ vũ của VPF không làm chúng tôi tâm phục khẩu phục và quyết sẽ đấu tranh đến cùng. CĐV phải là khách hàng của bóng đá, nếu không có chúng tôi thì không có bóng đá”.
Phản ứng trái chiều về công văn 185 của VPF Đây là ghi nhận của chúng tôi với một số hội CĐV và cầu thủ - đối tượng được cho là có thể bị ảnh hưởng từ hoạt động của các hệ thống loa công suất lớn trên khán đài: * Cầu thủ Văn Quyết (CLB Hà Nội T&T): Chúng tôi không bị ảnh hưởng từ loa trên khán đài Nhiều lần thi đấu tại sân Cẩm Phả ở V-League, tôi thấy sự cổ vũ cuồng nhiệt của CĐV ở đây với sự giúp sức của hệ thống âm thanh lớn trên khán đài khiến sân Cẩm Phả trận nào cũng như ngày hội. Thi đấu trên sân Cẩm Phả, chúng tôi rất phấn khích và có động lực để thi đấu hay nhất phục vụ khán giả. Khán giả đến sân càng đông, cổ vũ càng nhiệt tình, đó là điều rất mừng với cầu thủ và bóng đá VN. Tham dự các trận đấu quốc tế, có những trận chỉ cần CĐV trên sân hét chứ chưa cần kèn hay loa mà tôi và đồng đội dưới sân đứng cạnh nhau nói chuyện cũng không thể nghe được vì ồn kinh khủng. Nhưng tôi cho rằng với cầu thủ chuyên nghiệp, đã ra sân là phải tập trung vào trận đấu chứ không thể bị phân tâm, ảnh hưởng từ những âm thanh trên khán đài. Cá nhân tôi đã quen với việc này và thấy rằng có dùng loa công suất lớn như CĐV Quảng Ninh cũng không gây ảnh hưởng gì đến việc thi đấu trên sân. * Chủ tịch Hội CĐV bóng đá VN (VFS) Trần Hữu Nghĩa: VFS đã bỏ cách cổ vũ bằng loa Khi sang Singapore để cổ vũ cho đội tuyển U-23 VN tại SEA Games 28, VFS cũng phải tuân thủ theo quy định của ban tổ chức sân và muốn đem gì vào sân để cổ vũ thì phải xin phép. Họ cho thì may, không cho thì phải chấp nhận. Do đó, tôi muốn nói với Hội CĐV Than Quảng Ninh rằng hãy bình tĩnh, xây dựng một phong cách cổ vũ khác cho phù hợp thay vì đối đầu với VPF. Trước kia VFS cũng từng dùng loa có công suất 35W để cổ vũ nhưng sau này chúng tôi mạnh dạn bỏ vì thấy cách cổ vũ này không phù hợp. * Tiền vệ Lê Tấn Tài (B.Bình Dương): Không có vấn đề gì Từng sang Hàn Quốc, Nhật Bản đá AFC Champions League nhiều lần nhưng chưa khi nào tôi thấy CĐV của họ sử dụng dàn âm thanh để cổ vũ. Loa tay cầm theo họ chỉ dùng để sắp xếp lại lực lượng CĐV trên khán đài chứ khi cổ vũ thì toàn dùng miệng hô là chủ yếu. Nhiều người nói sử dụng loa thì ảnh hưởng đến trận đấu, riêng tôi thì chẳng vấn đề gì. * HLV Nguyễn Đức Thắng (CLB Sài Gòn FC): Tôi không thấy ảnh hưởng gì đến trận đấu Đến sân Cẩm Phả làm khách tại vòng 9 V-League, tôi thấy việc cổ vũ của các CĐV Quảng Ninh rất tuyệt vời, không ảnh hưởng gì đến công tác chuyên môn của trận đấu. Cụ thể, các cầu thủ vẫn nghe được tiếng chỉ đạo của tôi khi trận đấu diễn ra chứ không gặp sự cản trở nào từ âm thanh trên khán đài. Với bóng đá, CĐV là quan trọng nhất. Do đó, theo tôi, VPF nên ghi nhận và lắng nghe ý kiến các CĐV. * Chủ tịch Hội CĐV SHB Đà Nẵng Trần Văn Hồng: Không đồng ý với VPF Chúng tôi không đồng ý với quy định cấm của VPF. Việc chúng tôi sử dụng đàn organ nối với dàn âm thanh để chơi nhạc khi cổ vũ cho đội nhà là hoạt động truyền thống của hội. VPF khi đưa ra quy định cấm liệu đã nghiên cứu kỹ bóng đá thế giới chưa? Ở châu Âu người ta hô to, âm vang còn hơn tiếng loa nữa nhằm tạo nên một không khí cổ vũ bóng đá sôi động. Chúng tôi chơi organ cũng là hỗ trợ phục vụ cổ vũ bóng đá thôi. * CĐV Trương Thanh Tùng (Hội CĐV Sông Lam Nghệ An phía Nam): Tôi ủng hộ VPF Cổ vũ không có loa thì rất khó tạo nên sự sôi động nhưng chỉ dùng loa cầm tay là được. Vì vậy, tôi ủng hộ VPF trong việc cấm sử dụng dàn âm thanh để cổ vũ. Đi cổ vũ từ Bắc chí Nam, tôi nhận thấy chỉ có khoảng ba sân sử dụng dàn âm thanh lớn để cổ vũ trên khán đài là Cẩm Phả, Thanh Hóa và Chi Lăng. Việc họ mở nhạc sôi động với âm thanh lớn gần như suốt trận ảnh hưởng đến trận đấu rất nhiều. Thậm chí có sân còn có những phát ngôn không chuẩn mực với trọng tài qua dàn âm thanh của mình nghe rất phản cảm. * Trung vệ Diệp Hoài Xuân (Đồng Tháp): Gặp khó khăn vì tiếng ồn Ở vòng 8 V-League 2016 hôm 30-4, dàn âm thanh trên sân Cẩm Phả mở nhạc rất lớn khi trận đấu diễn ra khiến chúng tôi gặp không ít khó khăn trong việc liên lạc với nhau trên sân. Do đó, theo lệnh cấm của VPF là đúng. |
CĐV Quảng Ninh bịt khẩu trang phản đối
Ngày 21-5, các CĐV đất mỏ đã dựng sân khấu ngoài trời với hàng trăm ghế nhựa để theo dõi trận đấu giữa Than Quảng Ninh và SXKT Cần Thơ, nhằm phản đối quy định cấm sử dụng loa điện, dàn âm thanh cổ vũ các trận đấu ở V-League và Cúp quốc gia 2016 của VPF. Tại khu vực khán đài B - khu vực truyền thống của hội, hơn 1.000 chỗ ngồi được để trống. Thay vào đó, các CĐV đã dịch chuyển đến những vị trí khác tại khán đài C. Theo ghi nhận, trận đấu bắt đầu với sự tĩnh lặng hơn thường lệ. Không còn những bài hát thường thấy của hội CĐV trên chảo lửa Cẩm Phả mà thay vào đó là tiếng tù và, trống, chiêng. Chị Bùi Thị Sen, thành viên Hội CĐV bóng đá Than Quảng Ninh, cho biết ngày hôm nay có khoảng 600-700 người của hội đến cổ vũ đội nhà. “Tôi thấy quy định của VPF đề ra chưa hợp lý, mong có sự điều chỉnh để chúng tôi bày tỏ lòng hâm mộ một cách chính đáng của mình”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận