Hội An đón khoảng 3 triệu lượt du khách mỗi năm.
Theo đó, chủ kinh doanh homestay (lưu trú tại nhà dân) phải là người dân Hội An, không có vợ, chồng là người nước ngoài, có hộ khẩu tại căn nhà làm dịch vụ thì mới được kinh doanh.
Theo Kế hoạch Phát triển mạng lưới cơ sở lưu trú du lịch thành phố Hội An giai đoạn 2017-2020 do UBND thành phố Hội An ban hành, quy định trên nhằm bảo tồn, phát huy và giới thiệu truyền thống văn hóa, lịch sử, đời sống sinh hoạt của người dân địa phương với du khách.
Để làm homestay, thành phố cũng yêu cầu chủ đầu tư phải tuân thủ nhiều quy định khác như đảm bảo ít nhất hai thế hệ đang sinh sống tại ngôi nhà đó và hộ gia đình được công nhận là gia đình văn hóa tại thời điểm xin chủ trương đầu tư.
Chính quyền thành phố này cũng quy định về kiến trúc xây dựng, diện tích tối thiểu của thửa đất... Trong đó, nhà có số tầng tối đa là 2 tầng, phải có không gian thờ tổ tiên hoặc ngũ tự gia đường, có phòng sinh hoạt chung, khu vực dành cho khách ở phải liền kề với gian nhà chính.
Nhà được phép có tối đa 7 phòng ngủ, trong đó có tối đa 5 phòng cho khách, không được xây hồ bơi. Diện tích tổi thiểu của thửa đất được quy định theo vùng, ở những vùng như làng rau Trà Quế, xã Cẩm Thanh, diện tích tối thiểu phải là 300 m2; vùng ở làng gốm Thanh Hà, khối Nam Đông... tối thiểu phải 200 m2...
Theo kế hoạch này, quy định về kiến trúc, diện tích là nhằm để bảo tồn các làng quê, làng nghề truyền thống, xây dựng Hội An thành thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch.
Theo UBND thành phố, Hội An hiện có 842 cơ sở lưu trú với 13.212 phòng. Trong đó, có 479 cơ sở lưu trú với 7.878 phòng đang hoạt động. Số còn lại chưa bắt đầu dịch vụ. Riêng homestay có 322 cơ sở với 1.274 phòng, trong đó, có 1.011 phòng đang hoạt động. Hội An đón khoảng 3 triệu lượt du khách mỗi năm.
Trước khi UBND thành phố Hội An ban hành quy định trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quy chế hoạt động kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) trên địa bàn tỉnh.
Theo Quy chế, kể từ ngày 2/11, để hoạt động homestay, chủ kinh doanh phải đáp ứng một số điều kiện như: có hộ khẩu hoặc đăng ký thường trú và đang sinh sống tại ngôi nhà kinh doanh homestay; đảm bảo các tiêu chuẩn gia đình văn hóa; diện tích khu đất phù hợp để bố trí không gian sân vườn, cây xanh; mỗi homestay không có quá 5 phòng và mỗi phòng không có quá 4 người.
Diện tích phòng ngủ, phòng vệ sinh và phòng tắm theo tiêu chuẩn quốc gia hiện hành về nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê; người quản lý hoặc chủ hộ phải qua lớp tập huấn về lưu trú du lịch, giao tiếp ứng xử, an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, am hiểu văn hóa, tự nhiên địa phương.
Ngoài ra, quy định cũng khuyến khích ngôi nhà hoạt động homestay có kiến trúc đặc trưng nông thôn, nhà vườn, có tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh nghề truyền thống; sử dụng nguyên liệu, vật dụng thân thiện với môi trường; hộ gia đình có 2 thế hệ cùng sinh sống trở lên...
Đặc biệt, quy chế cũng quy định chủ homestay phải có trách nhiệm thông báo cho khách về phong tục, tập quán địa phương và các hành vi ứng xử phù hợp; quy định bảo vệ môi trường, động vật hoang dã của địa phương; tổ chức hoặc phối hợp liên kết tổ chức các hoạt động giúp khách trải nghiệm đời sống sinh hoạt, phong tục, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn du khách tham quan các tài nguyên văn hóa, thiên nhiên, các hoạt động có tính tương tác giữa cộng đồng địa phương và du khách…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận