06/07/2015 14:47 GMT+7

Học yếu sau khi được... tuyển thẳng

NGỌC HÀ - VĨNH HÀ
NGỌC HÀ - VĨNH HÀ

TT - Nhiều trường ĐH đã giật mình ngay sau khi xem lại kết quả học tập của các học sinh được tuyển thẳng vào trường mình bởi kết quả học tập quá kém.

Một thí sinh đang giới thiệu bài thi của mình tại Hội thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia 2015 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Chủ trương tuyển thẳng học sinh đoạt giải hội thi khoa học kỹ thuật quốc gia, hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế đã được Bộ GD-ĐT đưa ra để các trường thực hiện đến nay đã là năm thứ ba.

Một chủ trương mới nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các trường THPT, từ học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường say mê nghiên cứu khoa học. Nhưng cũng chỉ sau hai năm thực hiện, nhiều trường ĐH đã lại tỏ ra e dè...

Đoạn nối dài đáng buồn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Văn Minh - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - cho rằng cuộc thi nghiên cứu khoa học đối với học sinh phổ thông là một cuộc thi có ý nghĩa.

“Đã từng có nhiều công trình khoa học, các phát minh được thực hiện bởi nhiều người còn rất trẻ. Như vậy, cuộc thi này cũng là cơ hội tốt để những học sinh phổ thông có năng lực vượt trội chứng tỏ khả năng của mình.

Hơn nữa, cuộc thi này đòi hỏi các em phải vận dụng hiểu biết của nhiều môn học khác nhau và đây là xu hướng của dạy học hiện đại. Trên cơ sở đó, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có chủ trương tuyển thẳng các học sinh đoạt giải.

Tuy nhiên, nội dung của các đề tài phải phù hợp với các chuyên ngành đào tạo thì mới được ưu tiên. Điều này tạo cho các em điều kiện để phát huy năng khiếu của mình, chủ yếu là các ngành khoa học tự nhiên”- ông Minh nói.

Tuy nhiên, ngay ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, hai năm qua chưa có trường hợp nào nhập học nhờ suất tuyển thẳng này.

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền - trưởng phòng đào tạo ĐH Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trong hai năm 2013 - 2014 triển khai chủ trương mới của Bộ GD-ĐT, có 10 sinh viên nhập học sau khi được tuyển thẳng nhờ giải khoa học kỹ thuật quốc gia.

Trong đó, năm 2013 chỉ có một thí sinh được xét tuyển thẳng diện này nhập học. Đến năm 2014, trong 20 hồ sơ được chấp thuận tuyển thẳng vào các ngành khác nhau, có 9 thí sinh chính thức nhập học.

Tuy nhiên, lần giở điểm học tập của những sinh viên này thì hoàn toàn không có sinh viên nào đạt điểm giỏi mà bất ngờ có đến 7/10 em đạt... học lực yếu, điểm học tập dưới trung bình.

Theo cách tính điểm của phương thức đào tạo tín chỉ, điểm học tập tối đa được tính ở mức 4,0 thì cả 7 sinh viên này đều không đạt nổi mức 2,0. Người đạt điểm học tập cao nhất cũng chỉ trên mức trung bình, đạt 2,28.

Thậm chí trong số này có sinh viên chỉ đạt mức điểm học tập 0,13/4,0; lại có sinh viên từng đoạt giải nhất tại cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia nhưng điểm học tập học kỳ đầu tiên ĐH chỉ đạt 0,67 và nhận mức cảnh cáo 1 ngay ở học kỳ đầu này.

Theo quy định đào tạo chung của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, sinh viên chỉ cần bị cảnh cáo mức 3, có 28 tín chỉ không đạt trở lên (trong tổng số 162 tín chỉ) đồng nghĩa với việc sẽ nhận quyết định thôi học.

Theo một cán bộ đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nếu vẫn duy trì phong độ như vậy thì sẽ có những trường hợp dù được tuyển thẳng ĐH, nhưng chỉ sau hai năm ĐH sẽ nhận quyết định thôi học, buộc phải ra trường và làm lại từ đầu.

Riêng tại ĐH Bách khoa Hà Nội, mỗi năm có khoảng 400 sinh viên nhận cảnh cáo mức 3 và bị buộc phải thôi học.

Thực tế, do kết quả học tập không tốt nên nhiều sinh viên khi được hỏi về cơ hội vào trường ĐH nhờ suất tuyển thẳng cũng không mặn mà, thậm chí lảng tránh.

Trong quá trình tìm hiểu về câu chuyện tuyển thẳng ĐH học sinh đoạt giải khoa học kỹ thuật quốc gia, chúng tôi tìm đến thí sinh từng đoạt giải nhất giải khoa học kỹ thuật quốc gia nhưng ngay học kỳ đầu đã nhận thông báo cảnh cáo mức 1 vì kết quả học tập yếu, sinh viên này đã kiên quyết từ chối chia sẻ câu chuyện dù được đề nghị... giấu tên.

Bỡ ngỡ và hẫng hụt

Chia sẻ cùng Tuổi Trẻ, một số sinh viên thừa nhận mình đã không hình dung được hết độ khó, độ vênh của quá trình học tập tại ĐH với trường phổ thông.

Nhiều sinh viên cho biết khi tham gia nghiên cứu khoa học ở trường phổ thông, các em được phép xin nghỉ học một số buổi nhất định để tập trung nghiên cứu, nên khi vào ĐH “có phần bất ngờ” vì không được tạo điều kiện như trước.

Thậm chí có sinh viên sau khi nhận kết quả học tập yếu đã mạnh dạn lên phòng đào tạo khiếu nại kết quả học tập.

“Tại sao em được tuyển thẳng nhờ đoạt giải khoa học kỹ thuật quốc gia nhưng nay vào trường lại không còn được ưu tiên gì nữa? Cô giáo có trả lời rằng việc đề tài nghiên cứu của mình đoạt giải đã được ưu tiên tuyển thẳng ĐH, còn vào trường thì quyền ưu tiên đó đã hết và mình phải phấn đấu bình thường như các bạn. Phải đến khi cô nói vậy mình mới hiểu”- P.M.T., sinh viên năm nhất, thổ lộ.

Trao đổi về đối tượng tuyển thẳng này, TS Đoàn Văn Vệ, trưởng phòng đào tạo ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng sinh viên hai năm đầu vào trường ĐH sẽ phải học các môn học đại cương.

Đây là các môn học mới mẻ, đặt ra những yêu cầu khác hẳn với môn học ở trường phổ thông, đòi hỏi sinh viên phải có ý thức chăm chỉ, có một số nền tảng kiến thức, kỹ năng tốt để đáp ứng, trong khi đối tượng tuyển thẳng nhờ đề tài nghiên cứu khoa học lại chỉ tập trung vào việc nghiên cứu, thực hành ở một lĩnh vực chuyên môn.

“Vẫn quá vội khi đánh giá các em trong diện tuyển thẳng này là kém cỏi. Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật lôi cuốn học sinh phổ thông tham gia nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm ứng dụng. Ít nhiều các em làm quen với việc nghiên cứu, ứng dụng kiến thức để giải quyết các đề tài thực tiễn, có một số kỹ năng như khả năng phát hiện đề tài, nghiên cứu tài liệu, khả năng hợp tác, thuyết trình...

Nhưng khi bước vào môi trường ĐH ở những năm đầu, do các em chưa đi sâu vào chuyên môn nên những kiến thức, kỹ năng có được chưa có cơ hội vận dụng”- TS Vệ phân tích.

Nhưng ông Vệ cũng nhận xét chỉ với kinh nghiệm thực tế nghiên cứu ở một dự án nằm trong khuôn khổ hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật thì chưa đủ kiến thức và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu cao hơn ở bậc ĐH.

Năng lực nghiên cứu khoa học là yếu tố thuận lợi nhưng không phải tất cả những gì một sinh viên cần cho việc học ở trường ĐH. Muốn đáp ứng yêu cầu ở trường ĐH, các sinh viên trong diện tuyển thẳng vẫn cần chuẩn bị những năng lực khác và nỗ lực mới.

Năm 2013 khi lần đầu thực hiện chính sách này, Bộ GD-ĐT thậm chí đã có công văn gửi các trường ĐH, CĐ kèm danh sách 20 thí sinh đoạt từ giải khuyến khích đến giải nhì hội thi khoa học kỹ thuật quốc gia được áp dụng chính sách như với học sinh giỏi quốc gia đã được quy định trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy: 13 học sinh đoạt giải nhì, giải ba hội thi khoa học kỹ thuật quốc gia được xét tuyển thẳng vào ĐH và 7 thí sinh giành giải khuyến khích được xét tuyển thẳng vào CĐ.

Từ năm 2014, Bộ GD-ĐT không phải đưa công văn “đốc thúc” triển khai mà các trường phải thực hiện chủ trương này như một thông lệ đã có.

NGỌC HÀ - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp