20/09/2013 08:04 GMT+7

Học y ở Mỹ: dài lâu và vất vả

SƠN HÀ (Theo Hiệp hội Y tế Mỹ)
SƠN HÀ (Theo Hiệp hội Y tế Mỹ)

TT - Tại các quốc gia phát triển như Mỹ, trở thành bác sĩ là một con đường rất gian khổ và tốn kém.

IxWjkWXx.jpgPhóng to
Sinh viên Trường ĐH Y Antiqua (AUA) nghe giáo sư giảng bài - Ảnh: AUA med blog

Thông thường các trường y tại Mỹ đòi hỏi sinh viên nộp đơn xin học phải hoàn thành chương trình dự bị (pre-med) tại các trường ĐH. Chương trình dự bị thường kéo dài ba năm, trong đó sinh viên phải học các môn khoa học cơ bản như sinh học, hóa học, hóa học hữu cơ, vật lý học... Sau đó sinh viên phải vượt qua kỳ thi MCAT (Medical College Admission Test) cực kỳ gắt gao mới có thể nộp đơn vào xin học tại các trường y.

Trên nguyên tắc, sinh viên không cần phải có bằng ĐH để nộp đơn xin vào trường y, tuy nhiên đa số sinh viên vào học trường y đều có bằng ĐH bốn năm do học chương trình pre-med song song với ngành học chính ở trường ĐH. Các trường y tại Mỹ đều đặt ra tiêu chuẩn rất cao để nhận sinh viên. Ngoài việc hoàn thành chương trình pre-med và đạt điểm MCAT cao, sinh viên còn phải viết luận văn, có thư giới thiệu từ một khoa chuyên ngành khoa học của trường ĐH họ đã học, và phải trải qua các vòng phỏng vấn ngặt nghèo.

Quá trình học tại trường y kéo dài bốn năm. Trong hai năm đầu, sinh viên dành phần lớn thời gian trong lớp học và phòng thí nghiệm. Đó là những khóa học cơ bản về ngành y. Sau hai năm sinh viên phải thi USMLE-1 (kỳ thi bằng y tế Mỹ). Trong hai năm sau, sinh viên vẫn đến lớp học nhưng dành nhiều thời gian thực tập tại các bệnh viện, phòng khám.

Đầu năm thứ tư, sinh viên phải bắt đầu đăng ký chương trình nội trú. Cuối năm họ phải thi USMLE-2, kỳ thi đánh giá kiến thức và kỹ năng chẩn đoán, điều trị, để trở thành bác sĩ đa khoa. Giai đoạn tiếp theo là chương trình nội trú để học chuyên khoa. Chương trình này thường kéo dài ba năm đối với nội khoa, 5-7 năm đối với phẫu thuật và giải phẫu thần kinh. Trong giai đoạn nội trú các bác sĩ mới sẽ thi lấy bằng USMLE-3.

Ở giai đoạn nội trú, các bác sĩ đã được trả lương khoảng 40.000 USD/năm, được tài trợ kinh phí để đi dự các hội nghị y tế. Sau khi lấy bằng USMLE-3, các bác sĩ còn phải trải qua chương trình thực tập chuyên khoa (fellowship). Chương trình này thường kéo dài 1-3 năm. Sau khi hoàn thành chương trình nội trú, họ được công nhận là bác sĩ hành nghề. Tuy nhiên họ vẫn phải vượt qua các kỳ thi viết và vấn đáp về chuyên ngành của họ do các hiệp hội và tổ chức y tế đề ra để được cấp giấy phép hành nghề.

Như vậy, một sinh viên ngành y Mỹ phải học tập ròng rã trong 11-15 năm để trở thành một bác sĩ có giấy phép hành nghề. Do chương trình học rất nặng, các sinh viên hoàn toàn không có thời gian đi làm thêm để bù tiền học phí. Theo Hãng tin Bloomberg, ước tính học phí các trường y ở Mỹ trung bình lên tới 50.000 USD/năm trong năm 2012-2013. Do đó phần lớn sinh viên phải vay tiền từ chính phủ hoặc các tổ chức tư nhân. Trung bình mỗi sinh viên ngành y Mỹ nợ tới 170.000 USD, thậm chí nhiều sinh viên nợ tới 250.000 USD sau khi ra trường.

Tuy nhiên nghề bác sĩ là một nghề được trả lương rất cao tại Mỹ, do đó phần lớn bác sĩ có thể trả hết nợ sinh viên sau vài năm làm việc.

SƠN HÀ (Theo Hiệp hội Y tế Mỹ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp