Lớp học xóa mù chữ tại phân trại số 2, trại giam Thủ Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận - Ảnh: CTV
Phía sau những song sắt tách biệt với thế giới bên ngoài, rất nhiều người lầm đường lạc lối đang miệt mài học chữ chờ ngày về làm lại cuộc đời.
Quãng thời gian ngắn ngủi mà chúng tôi được tiếp xúc, bà T. chỉ khoe chuyện viết được, đọc được. Bà lấy trong túi ra lá thư rồi đánh vần đọc một cách khó nhọc. Nhưng đôi mắt của bà ánh lên niềm hạnh phúc.
Học để viết được tên...
20 năm trước, bà T. quê ở TP Cần Thơ nhận mức án 20 năm tù giam về tội cướp giật tài sản. Nhưng kỳ lạ là đến khi vào tù bà vẫn không thấy ân hận, lo cải tạo mà luôn suy nghĩ tìm cách trốn trại.
Một lần có xe đưa người nhà phạm nhân vào trại thăm nuôi, lợi dụng lúc mọi người tập trung vào một đứa trẻ bị té từ trên xe xuống, bà T. trà trộn lên xe và trốn thoát ra ngoài.
Trốn chui trốn nhủi suốt 10 năm bà lại bị bắt khi đi trộm cắp. Lần này bà nhận thêm mức án 15 năm tù. Vào tù, tất cả phạm nhân không biết chữ đều phải học xóa mù, nhưng vì tuổi cao, sức yếu bà T. cứ thoái thác chuyện học.
Cách đây một năm, khi vừa bước qua tuổi 82, bỗng dưng bà lại muốn học chữ. "Thấy bạn tù đọc thư, viết thư gửi về nhà, còn mình không làm được nên cảm thấy buồn nữa. Tôi gặp cán bộ giám thị trại giam xin vào lớp học xóa mù chữ.
Cán bộ tưởng tôi nói chơi. Nhiều đêm tôi không ngủ được vì mâu thuẫn: đã già từng tuổi này học làm gì, lúc khác lại muốn học chỉ để đọc và viết được tên của mình rồi thôi. Cuối cùng tôi quyết định đi học" - bà T. kể.
Lớp xóa mù chữ ở trại giam Xuân Lộc có khá nhiều phạm nhân. Giám thị đặc biệt quan tâm dạy đọc, dạy viết cho bà T. bởi ý chí học tập rất lớn của bà. Bà nhớ lại: "Chữ đầu tiên tôi được cán bộ dạy là chữ O, sau đó là các chữ khác.
Khó khăn lắm mới nhận dạng được mặt chữ và đọc đúng". Cũng có lúc bà nản chí vì học trước quên sau nhưng được giám thị cho biết học tập tốt là một trong bốn tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù.
Được công nhận xóa mù chữ vừa giúp phạm nhân biết chữ, vừa là động lực để bà và các phạm nhân khác phấn đấu.
"Tối về phòng giam tôi kê cái thùng giấy lên giường tập viết. Chữ nào đánh vần, ghép không được thì hỏi phạm nhân cùng phòng. Họ thấy tôi quyết tâm học chữ nên giúp đỡ rất nhiều.
Khi đánh vần đọc được một đoạn thư của những người đã mãn hạn tù gửi vào kể chuyện về với gia đình hạnh phúc ra sao, tôi càng phấn đấu học để viết được họ tên của mình trước khi ra tù. Khi về nhà sẽ viết được lá thư như vậy gửi vào động viên những người còn ở lại" - bà T. kể.
Giám thị trại giam cho biết bà T. sắp mãn hạn tù và vừa được cấp giấy chứng nhận xóa mù chữ mức 3. Bà đã đọc và viết được đoạn ngắn dù còn sai lỗi chính tả khá nhiều.
Trước đây ai hỏi bà tên gì, bà nói tên nhưng hoàn toàn không biết tên mình viết như thế nào, còn bây giờ đã viết được bản kiểm điểm cải tạo, ký tên, viết tên nên bà nói có cảm giác sung sướng lắm.
Bà T. nói đó là hành trang của bà mang về quê sau nhiều năm phải trả giá cho những hành động sai trái trước đây.
... Và viết thư xin lỗi mẹ
Trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai) và trại giam Thủ Đức (Hàm Tân, Bình Thuận) là những nơi giam giữ, cải tạo những phạm nhân thụ mức án cao. Nhiều người trong số họ thất học, hiểu biết và nhận thức kém.
Đó cũng là nguyên nhân đưa họ đến con đường phạm tội. Chính những năm tháng được giáo dục, cải tạo trong tù, nhận thức của họ cũng thay đổi.
"Tôi và nhiều phạm nhân khác muốn viết thư xin lỗi gia đình và những nạn nhân của mình nhưng không làm được vì không biết chữ. Tủi thân lắm.
Tôi đề ra cho mình một mục tiêu lớn trước khi ra tù là phải tự tay viết được thư xin lỗi mẹ về những lỗi lầm của mình" - nữ phạm nhân Đ.T.S.R. (37 tuổi, quê tỉnh Tiền Giang, bị kết án 10 năm tù về tội trộm cắp tài sản) kể.
Sai lầm lớn nhất của chị là trong lúc túng quẫn đã trộm lúa của... cha mẹ chồng. Một phút thiếu suy nghĩ phải trả giá bằng những năm tách biệt với thế giới bên ngoài, ba đứa con bơ vơ, người thân ruồng bỏ.
Quyết tâm học chữ đã giúp chị sớm đạt mục đích khi đọc thông thạo, viết chữ khá đẹp. Ngoài thời gian lao động, chị còn mượn sách trong thư viện để đọc.
"Sách đã dạy tôi rất nhiều về đạo làm người. Muốn có đồng tiền thì mình phải lao động bằng chính mồ hôi nước mắt của mình. Tôi đã viết được lá thư gửi về quê xin lỗi mẹ.
Hồi trước khi vô tù tôi không biết chữ. Chắc khi nhận được thư mẹ không tin tôi tự tay viết đâu. Nhưng rồi mẹ sẽ tin tôi đã thay đổi. Tôi sẽ trở thành người tốt sau khi mãn hạn tù" - chị R. tâm sự.
Phạm nhân T.T.H. (27 tuổi) ở phân trại số 2, trại giam Xuân Lộc tiết lộ sau khi biết đọc, biết viết rành rẽ, anh đã viết được ba lá thư gửi về gia đình.
H. sống trong một gia đình nghèo, không được học hành như những đứa trẻ khác. Trong một cuộc nhậu, do thiếu kiềm chế H. đã dùng dao đâm chết bạn nhậu và lãnh mức án 17 năm tù.
H. tâm sự: "Khi vào đây và được học xóa mù chữ, tôi đã cố đánh vần, ghép chữ "MẸ" đầu tiên. Tôi mất một tuần để viết xong một lá thư xin lỗi mẹ. Mẹ lớn tuổi rồi nên tôi viết chữ to lắm cho mẹ dễ đọc. Mẹ tôi bất ngờ vì chuyện tôi ở tù mà biết đọc, biết viết như vậy".
"Mọt sách" trong trại giam
Các phạm nhân đọc sách vào ngày thứ bảy và chủ nhật tại thư viện trại giam Xuân Lộc - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Trong hai trại giam này có không ít phạm nhân là người có trình độ chuyên môn cao, từng giữ những chức vụ quan trọng. Khi vào đây, họ đã làm một việc mà trước đó chưa từng làm: đọc sách, đọc rất nhiều sách.
Trong một bài viết lưu giữ ở thư viện trại giam Xuân Lộc, phạm nhân K.N.A. (nguyên giám đốc một chi nhánh ngân hàng) đã viết: "Tôi sinh ra và lớn lên trên quê lúa Thái Bình. Từ nhỏ tôi chưa một lần đọc trọn vẹn hết một cuốn sách.
Nhưng từ ngày vào chốn cách biệt, nếu không đọc cuốn Sự hồi sinh từ trong tuyệt vọng thì chưa chắc tôi đã viết được những dòng cảm nhận này...".
Trò chuyện với chúng tôi, anh kể chuyện mình bị kết án tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản năm 34 tuổi.
Bảy năm thụ án vừa qua, anh đã dành rất nhiều thời gian để đọc sách. Nhờ vậy, anh nhận ra giá trị của đời người là sự tự do, sự cống hiến cho gia đình và xã hội chứ không phải tìm cách để vơ vét, chiếm đoạt của người khác.
"Những ngày đầu vô trại giam, tôi buồn đời, chán nản, chẳng thiết tha gì đến sống nữa. Giờ đọc sách, tôi chỉ lật nhanh cho qua. Nhưng dần dần những trang sách cuốn hút tôi, đến mức tôi đọc ngấu nghiến từng chữ, từng trang. Hồi đi học đại học hay đi làm tôi chưa bao giờ đọc hết một quyển sách nào như trong này" - anh tâm sự.
Có một điểm chung của các phạm nhân có học vấn cao là họ rất thích đọc sách. Theo các giám thị trại giam Xuân Lộc và Thủ Đức, những phạm nhân là "mọt sách" như anh K.N.A. không phải là hiếm. Họ rất vui khi nhìn thấy phạm nhân tìm niềm vui, tìm chân lý sống từ những trang sách...
"Sách đã dạy tôi rất nhiều về đạo làm người. Muốn có đồng tiền thì phải lao động bằng chính mồ hôi nước mắt của mình. Tôi đã viết được lá thư gửi về quê xin lỗi mẹ... Tôi sẽ trở thành người tốt sau khi mãn hạn tù".
Nữ phạm nhân Đ.T.S.R.
Hàng trăm phạm nhân được xóa mù chữ
Thiếu tá Phan Thành Trung, đội trưởng đội giáo dục, hồ sơ trại giam Xuân Lộc, cho biết: "Công tác xóa mù chữ là quy định bắt buộc với phạm nhân.
Họ được học tương đương chương trình tiểu học với hai môn toán và tiếng Việt. Ngoài giờ lao động, một tuần hai buổi phạm nhân phải đi học để được cấp giấy chứng nhận xóa mù mức 3".
Tại trại giam Thủ Đức (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) từ năm 2015 đến nay, trại đã mở 19 lớp với hơn 500 phạm nhân tham gia xóa mù chữ.
Còn trại giam Xuân Lộc đã mở năm lớp xóa mù chữ và cấp chứng chỉ hoàn thành nội dung chương trình học tập cho gần 150 phạm nhân từ năm 2016 đến nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận